Đào tạo nguồn nhân lực: Yếu tố dẫn dắt sự phát triển của TTCK

(ĐTCK) Các chuyên gia cao cấp trong và ngoài nước đã được tập hợp để đào tạo nguồn nhân lực cho TTCK từ khi thị trường chưa khai trương hoạt động. Nguồn nhân lực được đào tạo không chỉ giúp TTCK vận hành hiệu quả, ngày càng phát triển, mà còn góp phần tạo dựng môi trường quản trị công ty tốt tại Việt Nam. Hiện công tác đào tạo nhân sự cho TTCK phái sinh, dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2016, đang được đẩy mạnh triển khai.
Ông Hoàng Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo chứng khoán Ông Hoàng Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo chứng khoán

Công tác đào tạo luôn đi trước…

Năm 1986, Việt Nam bắt đầu bước vào công cuộc đổi mới toàn diện. Khi đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đỗ Mười trong lần làm việc với những chuyên gia làm cầu Thăng Long có phát biểu: “Chúng ta không chỉ xây dựng được một cây cầu hiện đại, mà đã xây dựng được một đội ngũ làm cầu cho đất nước”.

Từ đó đến nay, nguồn nhân lực làm cầu Việt Nam đã phát triển vượt bậc để có thể tự thiết kế và thi công toàn bộ hệ thống các cầu trong nước và vươn ra các nước với trình độ công nghệ kỹ thuật cao do người Việt Nam đảm trách.

10 năm sau, vào năm 1996, Tổng Bí thư Đỗ Mười và Tổng thống Hàn Quốc chứng kiến lễ ký kết trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực ban đầu cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) giữa Chủ tịch UBCK Lê Văn Châu và Chủ tịch Sở GDCK Hàn Quốc. Từ đó đến nay, nguồn nhân lực cho TTCK phát triển không ngừng cả về chiều rộng và chiều sâu.

Sau Quyết định số 75/1996/QĐ-TTg ngày 28/11/1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập UBCK - đi vào hoạt động năm 1997 là Quyết định 1038/1997/QĐ-TTg ngày 5/12/1997 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Bồi dưỡng nghiệp vụ chứng khoán - đi vào hoạt động năm 1998 (nay là Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo chứng khoán - SRTC).

Bên cạnh việc tổ chức nghiên cứu chuyên môn đáp ứng nhiệm vụ chính trị của UBCK, của ngành tài chính, Trung tâm tổ chức đào tạo đội ngũ cán bộ cho UBCK, các Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký chứng khoán, đồng thời đào tạo đội ngũ người hành nghề trên TTCK và kiến thức cho các nhà đầu tư.

Đến nay, Việt Nam đã có một TTCK tương đối đồng bộ và hoàn chỉnh; đội ngũ lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức ngành chứng khoán có chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu xây dựng khung pháp lý về TTCK và đảm bảo thị trường vận hành hiệu quả.

Đội ngũ gần một nghìn cán bộ công chức, viên chức và nhân viên ngành chứng khoán đang hàng ngày nỗ lực làm việc ở UBCK, các Sở GDCK và Trung tâm Lưu ký chứng khoán. Song song với gần 1,5 triệu tài khoản của nhà đầu tư là hàng vạn người hành nghề chứng khoán, một lực lượng quan trọng trong các tổ chức trung gian trên TTCK Việt Nam.

Đào tạo chuyên môn về chứng khoán

Cùng với sự phát triển của TTCK, chương trình đào tạo chuyên môn về chứng khoán đã được SRTC xây dựng, cập nhật và bổ sung theo từng giai đoạn.

Giai đoạn 1998 - 2008, chương trình đào tạo người hành nghề chứng khoán gồm 3 giáo trình chuyên môn về chứng khoán, các giáo trình này áp dụng chung cho người hành nghề chứng khoán và công chúng đầu tư chứng khoán, đó là: cơ bản về chứng khoán và TTCK (cơ bản), pháp luật về chứng khoán và TTCK (luật), phân tích và đầu tư chứng khoán (phân tích).

Giai đoạn 2009 - 2015, thực hiện Quyết định số 15/2008/QĐ-BTC ngày 27/3/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về quy chế hành nghề chứng khoán, chương trình đào tạo người hành nghề chứng khoán đã được đổi mới nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo của người hành nghề chứng khoán, cũng như phù hợp với giai đoạn phát triển mới của TTCK Việt Nam. Các chương trình đào tạo không những tăng lên về số lượng, mà còn tăng lên về chất lượng nội dung đào tạo.

Nghiệp vụ hành nghề môi giới chứng khoán có 4 bộ giáo trình, cụ thể: cơ bản; luật; phân tích; môi giới và tư vấn đầu tư chứng khoán. Nghiệp vụ hành nghề phân tích tài chính có 6 bộ giáo trình, gồm 4 giáo trình nêu trên cộng với giáo trình phân tích báo cáo tài chính DN, giáo trình tư vấn tài chính và bảo lãnh phát hành chứng khoán. Nghiệp vụ hành nghề quản lý quỹ có 7 bộ giáo trình, gồm 6 bộ giáo trình của nghiệp vụ hành nghề phân tích tài chính, cộng thêm giáo trình quản lý quỹ và tài sản.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa trong công tác đào tạo, về tổ chức tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho TTCK, bên cạnh SRTC, UBCK còn ủy quyền cho 5 trường đại học trong cả nước được phép tham gia đào tạo (gồm 2 khóa học: cơ bản và phân tích). Tuy nhiên, việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ chuyên môn cuối khóa vẫn do SRTC thực hiện.

Tính đến nay, SRTC đã triển khai tổ chức hơn 1.100 khóa đào tạo chuyên môn về chứng khoán cho trên 100.000 học viên là người hành nghề chứng khoán và công chúng đầu tư, cung cấp đầy đủ và kịp thời nhu cầu nhân sự cho TTCK.

Đào tạo quản trị công ty

Trong công tác đào nguồn nhân lực cho ngành chứng khoán, SRTC còn thực hiện chương trình đào tạo quản trị công ty. Đây là chương trình dành cho các cán bộ quản lý trong các công ty đại chúng được SRTC triển khai từ năm 2009 (đối tượng tham gia đào tạo được quy định tại Điều 34 Thông tư 121/2012/TT-BTC ngày 26/7/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về việc quản trị công ty áp dụng trong các công ty cổ phần đại chúng).

Chương trình đào tạo này không ngừng được thay đổi nhằm phù hợp với nhu cầu đào tạo cũng như thông lệ quốc tế về đào tạo quản trị công ty, góp phần mang đến môi trường quản trị công ty tốt tại Việt Nam.

Tính đến nay, SRTC đã đào tạo được hơn 50 khóa với trên 3.500 học viên là thành viên HĐQT, Ban giám đốc, Ban kiểm soát, Thư ký công ty và các cán bộ quản lý khác trong các công ty cổ phần đại chúng. Trong thời gian tới, nhằm mục tiêu cung cấp các chương trình chuyên sâu, gắn với nhiệm vụ, chức năng của từng vị trí việc làm trong các công ty cổ phần đại chúng, UBCK đang gấp rút xây dựng Đề án hướng đến thành lập Viện Quản trị công ty Việt Nam.

Viện Quản trị công ty Việt Nam sẽ là một tổ chức chuyên nghiệp thực hiện nhiệm vụ nâng cao nhận thức, đào tạo về quản trị công ty đối với các cán bộ quản lý trong các công ty cổ phần đại chúng, là cầu nối giữa cơ quan quản lý và các thành viên thị trường, là diễn đàn kết nối các thành viên, kết nối doanh nghiệp với các nhà quản trị độc lập và chuyên nghiệp, cũng như tuyên truyền, phổ biến giúp hình thành đạo đức nghề nghiệp của các nhà quản trị, nâng cao văn hóa về quản trị công ty trong các doanh nghiệp.

Với những vai trò đặc thù của mình, Viện Quản trị công ty sẽ đóng vai trò tích cực trong việc hình thành nền tảng văn hóa, môi trường cần thiết cho việc nâng cao chất lượng quản trị công ty tại Việt Nam.

Đào tạo về chứng khoán phái sinh

Ngày 11/3/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 366/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án xây dựng và phát triển TTCK phái sinh Việt Nam”. Theo đó, đến năm 2015, cần xây dựng khung pháp lý, hoàn thiện hạ tầng cơ sở vật chất, công nghệ… bảo đảm phù hợp với các sản phẩm phái sinh cơ bản và chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để đưa vào hoạt động TTCK phái sinh tại Việt Nam. Một trong những việc quan trọng cần triển khai là đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho xây dựng và phát triển TTCK phái sinh.

UBCK xác định, đào tạo nguồn nhân lực là yếu tố đi trước trong sự phát triển của thị trường này và giao SRTC làm đầu mối xây dựng chương trình đào tạo. Trong năm 2014, SRTC đã tiến hành triển khai xây dựng khung chương trình đào tạo chứng khoán phái sinh, soạn thảo giáo trình chứng khoán phái sinh cũng như đào tạo đội ngũ giảng viên giảng dạy.

Ngày 5/5/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2015/NĐ-CP quy định về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh. Để chuẩn bị cho sự ra đời TTCK phái sinh tại Việt Nam vào năm 2016, SRTC đang hoàn thiện giáo trình, giảng viên và chương trình đào tạo chứng khoán phái sinh dành cho người hành nghề chứng khoán.

Trước đó, tháng 4/2015, những khóa học đầu tiên mang tính thử nghiệm đã được SRTC triển khai đào tạo nội bộ cho các công chức, viên chức của UBCK, Sở GDCK và Trung tâm Lưu ký chứng khoán. Dự kiến, chương trình đào tạo dành cho người hành nghề sẽ được SRTC triển khai vào đầu năm 2016. Đây sẽ là chương trình đào tạo chuyên môn về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh có tính tổng quan, có hệ thống và toàn diện nhất, bao gồm cả lý thuyết và thực hành.


Đặc san 15 Năm TTCK

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục