Đạo đức doanh nhân là tiêu chí hàng đầu để chọn "Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022"

0:00 / 0:00
0:00
Việc áp dụng các quy tắc này đặt ra yêu cầu những doanh nhân được vinh danh sẽ là những người kinh doanh giỏi, có đạo đức, văn hóa kinh doanh, được xã hội trân trọng.
Các ứng viên doanh nhân tiêu biểu sẽ do các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành, các hiệp hội doanh nghiệp và các cơ quan báo chí, truyền thông tìm chọn, giới thiệu và thời hạn đề cử đến 31/8/2022 Các ứng viên doanh nhân tiêu biểu sẽ do các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành, các hiệp hội doanh nghiệp và các cơ quan báo chí, truyền thông tìm chọn, giới thiệu và thời hạn đề cử đến 31/8/2022

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa phát động Chương trình bình xét và trao tặng danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022.

Có nhiều đổi mới về tiêu chí bình chọn, và đạo đức doanh nhân là tiêu chí hàng đầu. Đặc biệt có quy định về minh bạch trong bình xét, không thu phí và cấm tặng quà; Và có thêm hạng mục tuyên dương doanh nhân trong phòng chống dịch Covid-19.

Cụ thể, về tiêu chí, lần đầu tiên áp dụng đạo đức doanh nhân là tiêu chí hàng đầu, theo đó các ứng viên phải là đại diện tiêu biểu xét theo 6 tiêu chuẩn Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam do VCCI công bố ngày 19/5/2022 nhân kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam do VCCI công bố gồm: Tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội, tuân thủ pháp luật, minh bạch, công bằng, liêm chính, sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển, tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường, yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình.

Số lượng, số danh hiệu trao tặng năm nay sẽ giảm tới 40%, tối đa sẽ chỉ có 60 doanh nhân được vinh danh kỳ này (so với 100 của các kỳ trước đây).

Từ danh sách 60 doanh nhân nói trên, năm nay sẽ bình chọn tiếp danh sách 10 “Doanh nhân tiêu biểu nhất Việt Nam” năm 2022 để có sự tôn vinh đặc biệt.

Về quy trình bình xét, sau nhiều kỳ chỉ bình chọn “chay” trên hồ sơ dự bình xét, năm nay sẽ chính thức áp dụng yêu cầu thẩm định thực tế. Theo đó Hội đồng bình xét sẽ thành lập các nhóm công tác gồm các chuyên gia, đại diện báo chí,… do 1 thành viên Hội đồng dẫn đầu để đi đến từng doanh nghiệp xác minh, đồng thời gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với ứng viên.

Điểm mới đặc biệt nữa là Quy chế bình xét năm nay có thêm điều khoản quy định về minh bạch và giữ uy tín Danh hiệu.

Đồng thời yêu cầu “Doanh nhân được đề cử không được tặng quà dưới bất kỳ hình thức nào đối với các thành viên Ban Chỉ đạo, Hội đồng bình xét, Ban thư ký, đoàn công tác thẩm định".

Việc vi phạm sẽ dẫn đến việc hồ sơ bị loại khỏi quá trình bình xét”. Cũng tại điều khoản này, có quy định về việc thu hồi Danh hiệu khi doanh nhân có vi phạm pháp luật hoặc vi phạm Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam ở mức độ làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh doanh nhân tiêu biểu của đất nước.

Theo ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình, các thay đổi này cho thấy quyết tâm của VCCI đổi mới, nâng cao toàn diện cả chất lượng và uy tín Danh hiệu, qua đó thúc đẩy phổ biến quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam, thúc đẩy xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam có tài, có đức, đây là gốc rễ cho sự phát triển bền vững của doanh nhân, doanh nghiệp.

Bà Ninh Thị Ty, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần May Hồ Gươm kỳ vọng, VCCI sẽ phổ biến được rộng rãi các tấm gương này trong xã hội để điều tốt, gương tốt được lan toả.

Hơn nữa, việc thế hệ đi trước phải tuân thủ kinh doanh có đạo đức, có văn hóa thì mới tạo động lực dẫn dắt các thế hệ tham gia khởi nghiệp và kinh doanh.

Vũ Anh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục