Đảo chiều!

(ĐTCK) Giành ngôi vị đầu bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2008, vượt qua Bình Dương, song Đà Nẵng lại không nhận được sự đánh giá cao đồng đều về các chỉ số thành phần liên quan đến PCI. Nhìn vào bảng đánh giá chi tiết, Đà Nẵng chưa thể sánh với các địa phương phía sau như Bình Dương, Vĩnh Phúc, Vĩnh Long về hai chỉ số là tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức. So với chính mình của năm trước, Đà Nẵng cũng tụt hạng ở các chỉ tiêu tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, chi phí không chính thức và chính sách phát triển kinh tế tư nhân.
Lần đầu tiên việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được ghi nhận cải thiện lớn. Lần đầu tiên việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được ghi nhận cải thiện lớn.

Hơn thế, nếu so với điểm số của Bình Dương các năm trước, thì Đà Nẵng có số điểm thấp hơn khá nhiều. Cụ thể, trong năm nay, vị trí quán quân Đà Nẵng đạt 72,18 điểm/100 điểm. Hai năm trước đó, Bình Dương đạt 77,62 (năm 2006) và điểm 77,2 (năm 2007).

So với nhóm địa phương đạt tiêu chí rất tốt của năm 2007, chỉ còn có hai tỉnh ở hai vị trí đầu bảng. Vĩnh Long và Bình Định đã rớt xuống vị trí tốt. Ở đầu ngược lại, hai tỉnh mới gia nhập nhóm thấp, đó là Bạc Liêu và Kontum, nâng tổng số địa phương ở nhóm thấp nhất trong bảng PCI năm 2008 lên 6 tỉnh, thay vì 4 tỉnh như năm ngoái. Bắc Cạn và Điện Biên nằm ở cuối bảng, thay thế Đắk Nông và Lai Châu trong bảng xếp hạng của năm trước.

Cùng với điểm trung vị của PCI năm nay giảm so với năm 2007, ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) kết luận, PCI năm 2008 đảo chiều.

Không chỉ trên bảng xếp hạng, các chuyên gia thực hiện nghiên cứu PCI năm 2008 lần đầu tiên đã đưa ra phân tích về sự cải thiện của các địa phương về điểm số PCI của chính mình so với năm trước. Một điểm rất đáng bàn là 5 trong số 13 tỉnh đứng đầu về xếp hạng lại có mặt trong danh sách các địa phương không có cải thiện về PCI. Đó là Bình Dương, TP. HCM, Long An, Bình Định, An Giang. Đã có câu hỏi rằng, phải chăng nỗ lực để các địa phương vượt qua chính mình chưa đủ để thuyết phục sự ghi nhận của gần 8.000 DN tư nhân tham gia điều tra.

Cộng đồng DN tư nhân rất nhạy cảm về chính sách liên quan tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của mình. Sự đánh giá kém lạc quan của các DN đã cho thấy sự kỳ vọng cao hơn mà DN đặt vào các quyết định, chính sách liên quan tới hoạt động của họ.

Theo đánh giá của các DN, ba nút thắt của PCI vẫn tiếp tục là thủ tục hành chính, vấn đề lao động và cơ sở hạ tầng. Như vậy, nhiều năm liên tiếp, các vấn đề này vẫn chưa được giải quyết theo như kỳ vọng của DN. Nếu xét tới những cam kết của Việt Nam với WTO, nhiều chuyên gia đã lo ngại tới khả năng người lao động Việt Nam buộc phải chia sẻ thị trường với người nước ngoài, nhất là ở các vị trí có thu nhập cao.

Nhiều giải pháp đã được các địa phương đưa ra. Có nhiều địa phương chủ động, song theo nhận xét của ông Huỳnh, hiện tượng hình thức trong cải thiện môi trường cạnh tranh đã xuất hiện. Biểu hiện rõ nhất là có tình trạng sao chép các kế hoạch, chiến lược cải thiện vị trí PCI của một số địa phương. "Không thể có một toa thuốc chung cho các địa phương. Hơn thế, nếu cấp lãnh đạo tích cực nhưng cấp thực hiện không làm thì nỗ lực cải cách cũng không đến được DN", ông Huỳnh phân tích.

Hơn thế, ông Huỳnh cũng nhắc tới tác động của môi trường kinh doanh cả nước trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế. Cho dù cuộc điều tra được thực hiện vào tháng 5/2008, song những dấu hiệu lạm phát cao đã xuất hiện khiến DN tiên liệu được một vài thách thức. Tuy nhiên, nếu như thời điểm điều tra muộn hơn, khi các tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế toàn cầu tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN, đặc biệt là khu vực DN tư nhân lớn và rõ ràng hơn, có lẽ PCI năm 2008 sẽ không đạt được mức như  vừa công bố.

Tín hiệu đáng mừng nhất trong PCI năm nay là sự cải thiện rất tích cực và rõ nét của thủ tục đăng ký kinh doanh và gia nhập thị trường, thủ tục chính thức hoá quyền sử dụng đất, tiếp cận thông tin và cải thiện trong lĩnh vực thuế. Lần đầu tiên việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được ghi nhận cải thiện lớn với 81% DN đồng ý. Đây là cơ hội để DN tư nhân tiếp cận với nguồn vốn từ ngân hàng.

Bảo Duy
Bảo Duy

Tin cùng chuyên mục