Đảo chiều chảy chất xám

(ĐTCK-online) Theo một nghiên cứu về đăng ký bằng sáng chế trên quy mô toàn cầu, các nhà khoa học thuộc các trường đại học Harvard, Duke và New York (Mỹ) cho biết, tỷ lệ bằng sáng chế do những người có quốc tịch nước ngoài sống tại Mỹ đăng ký trong thập kỷ qua đã tăng gấp ba. Trong khi đó, việc thắt chặt chính sách nhập cư tại Mỹ có thể sẽ buộc nhiều tài năng nước ngoài đó về nước, góp phần tạo dựng các doanh nghiệp hùng hậu ở các nước đang phát triển, tạo thách thức cạnh tranh lớn đối với các doanh nghiệp Mỹ.

Trong Báo cáo “Chảy máu chất xám đảo chiều” (Reverse Brain Drain), các nhà khoa học cảnh báo rằng, nếu không cải cách chính sách nhập cư, những người nhập cư vào Mỹ có tay nghề cao sẽ rời bỏ nước này và như vậy, sức cạnh tranh của nước Mỹ, từ Thung lũng Silicon đến Washington, D.C., sẽ bị xói mòn.

“Chúng ta đã thu hút được những người nước ngoài có tay nghề cao và đào tạo họ các nghiệp vụ kinh doanh và marketing Mỹ, nhưng sau đó, chúng ta lại buộc họ về nước và biến họ thành những đối thủ cạnh tranh. Các công ty mất đi những người tài năng, trong khi công nhân phẫn nộ. Rõ ràng, đây là tình huống thiệt cả đôi đường”, ông Vivek Wadhwa, giảng viên tại các trường đại học Duke và Harvard, đồng thời là Trưởng nhóm nghiên cứu phát biểu.

Ông Vivek Wadhwa cùng các cộng sự đã lập cơ sở dữ liệu về tất cả các nhà sáng chế đã đăng ký bản quyền với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) trong những năm 1998 - 2006 để xác định số bằng phát minh, sáng chế của những người có quốc tịch nước ngoài sống ở Mỹ. Theo Báo cáo, người có quốc tịch nước ngoài sống tại Mỹ chiếm 7,3% số bản quyền đăng ký với WIPO trong năm 1998, nhưng đến năm 2006, con số này tăng hơn gấp ba, chiếm 24,2%.

Có đơn đăng ký bản quyền của người nước ngoài lớn nhất là các trung tâm công nghệ như California (nơi chiếm tới 1/3 số đăng ký bản quyền gửi lên WIPO trong năm 2006), Massachusetts , New York , Texas và New Jersey .

Đặc biệt, tại Công ty công nghệ hàng đầu Qualcomm Inc. và Hãng dược phẩm số 1 Merck & Co. , những người có quốc tịch nước ngoài chiếm tới 2/3 số đơn đăng ký bản quyền. Trong số các đơn đăng ký bản quyền mà các cơ quan của Mỹ gửi lên WIPO, người có quốc tịch nước ngoài chiếm 41%.

Mặc dù số đơn đăng ký bản quyền của người nước ngoài làm việc tại Mỹ tăng nhanh, song Mỹ lại hạn chế các nhà sáng chế định cư tại đây. Một loại visa lâu dài dành cho lao động có tay nghề cao, được gọi là EB visa, chỉ cấp cho khoảng 120.000 người/năm và trong số đó, số người thuộc một quốc gia không được phép quá 8.400 người. Trong khi đó, Báo cáo nêu trên cho biết, theo số liệu của Cơ quan Thống kê Mỹ, trong năm 2006, có hơn 1 triệu người nước ngoài xin được định cư vĩnh viễn tại Mỹ, trong đó, những người có tay nghề cao chiếm một nửa.

Khó có thể thống kê, có bao nhiêu tài năng nước ngoài từng làm việc tại Mỹ đã quay về nước để khởi nghiệp kinh doanh dựa vào những phát minh mà họ đã đăng ký tại Mỹ. Nhưng với sự trỗi của các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là Ấn Độ và Trung Quốc, các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng, những lao động tay nghề cao nước ngoài đó đang có cơ hội kinh doanh tuyệt vời tại chính quê hương mình.

Lo ngại về nguy cơ Thung lũng Silicon bị chảy máu chất xám, ông Wadhwa cho rằng, Mỹ cần tăng mạnh số lượng EB visa cấp cho những lao động có tay nghề cao.

Chia sẻ quan điểm này, ông Brian Schipper, Phó chủ tịch Công ty Cisco Systems Inc. (có trụ sở tại San Jose) nhấn mạnh: “Các công ty công nghệ cao của Mỹ phải tiếp cận nguồn nhân lực được đào tạo bài bản và có tay nghề cao để đáp ứng nhu cầu việc làm của chúng ta trong hiện tại và tương lai. Đổi mới đòi hỏi chúng ta phải tuyển dụng được những người tốt nhất, nổi trội nhất”.

Cuối cùng, Báo cáo kết luận: “Lần đầu tiên trong lịch sử, nước Mỹ đang phải đối mặt với nguy cơ đảo chiều chảy máu chất xám. Nếu nước Mỹ cần những người nhập cư có tay nghề cao, nước Mỹ cần tạo điều kiện cho họ nhập quốc tịch, chứ không phải chỉ sử dụng họ như những lao động tạm thời”.

Việt Nga
Việt Nga

Tin cùng chuyên mục