Dành tiền chống dịch

Phần tăng thu ngân sách năm 2019 đừng chia cho đầu tư, trừ những vấn đề cấp thiết nhất, còn lại dự phòng cho phòng chống dịch Covid-19 và giải quyết thâm hụt ngân sách do sản xuất đình trệ. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đưa ra đề nghị như vậy trong Phiên họp thứ 43, Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra đầu tuần này tại Hà Nội.
Trước mắt, tiền chi trực tiếp cho công tác chống dịch có thể chưa thiếu, nhưng làm thế nào để có tiền giúp doanh nghiệp vực dậy hoạt động sản xuất, kinh doanh trong điều kiện ngân sách có hạn là bài toán khó, rất khó. Trước mắt, tiền chi trực tiếp cho công tác chống dịch có thể chưa thiếu, nhưng làm thế nào để có tiền giúp doanh nghiệp vực dậy hoạt động sản xuất, kinh doanh trong điều kiện ngân sách có hạn là bài toán khó, rất khó.

Ít phút trước khi Chủ tịch Quốc hội đưa ra đề nghị trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Phó thủ tướng Vũ Đức Đam báo cáo về tình hình dịch Covid-19, với dự tính trong tình huống xấu nhất, Việt Nam có thể có tới 30.000 trường hợp nhiễm bệnh. Phó thủ tướng không nêu con số cụ thể về chi phí cho phòng chống dịch, song chắc chắn, người dân đều hiểu, đó sẽ là số tiền không nhỏ và chưa thể tính toán chính xác được ngay.

“Trước khi tôi sang đây, Thủ tướng có dặn báo cáo thêm Quốc hội, Thủ tướng sẽ có báo riêng thêm, nhưng chúng ta lường trước kinh tế cả thế giới sẽ rất khó khăn. Việt Nam cũng đặt ra các cân đối lớn, sau đó phải có các gói kích cầu, có biện pháp giải ngân đầu tư cơ bản, đảm bảo an sinh xã hội, trong khi đó phải làm rất nhiều việc như chống hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói ngoài báo cáo.

Trong bối cảnh đặc biệt như vậy, theo một vị Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cơ quan giúp Quốc hội "gác cửa" ngân sách, thì đề nghị không chia phần tăng thu ngân sách cho đầu tư của Chủ tịch Quốc hội là "cực kỳ chuẩn và quá cần thiết".

Cân đối ngân sách là quan trọng nhất trong các cân đối kinh tế vĩ mô. Khi số vượt thu lớn sẽ tạo dư địa cho điều hành và trong điều kiện bình thường thì đó là dư địa để cải cách quan hệ tiền lương, để bù đắp bội chi, để rót vốn cho các dự án đầu tư cấp bách... Song, như Chủ tịch Quốc hội nói, trong trường hợp dịch bệnh có thể kéo dài với diễn biến phức tạp, thì cần có giải pháp để ổn định kinh tế - xã hội.

Chính vì vậy, cần dành tiền cho chống dịch. Nhưng, chống dịch không chỉ là cấp ngân sách mua khẩu trang hay trang thiết bị y tế, để trang trải chi phí cách ly... mà hành động cấp thiết không kém là hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn có thể hồi sinh, trụ vững trong thời gian tới.

Chính phủ đã tính đến nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có giãn, giảm thuế, giảm lãi suất, giãn nợ các khoản vay ngân hàng... Thế nhưng, như phân tích của vị Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách nói trên, đó là giải pháp cho các doanh nghiệp đang “sống”. Trong khi đó, còn hàng chục ngàn doanh nghiệp đã "chết" và đang “chết” lâm sàng đang tìm mọi cách khôi phục sản xuất, kinh doanh, cùng gần nửa triệu người đã nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp rất cần chuyển đổi nghề nghiệp... hiện rất cần tiền hỗ trợ.

Trước mắt, tiền chi trực tiếp cho công tác chống dịch có thể chưa thiếu, nhưng làm thế nào để có tiền giúp doanh nghiệp vực dậy hoạt động sản xuất, kinh doanh trong điều kiện ngân sách có hạn là bài toán khó, rất khó.

Chốt sổ ngày 31/12/2019, Ngân sách Trung ương vượt thu trên 32.000 tỷ đồng. Trước kỳ họp tháng 5 hàng năm của Quốc hội, Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc chi tiêu số tăng thu này, sau đó báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Hiện Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn đang chờ Chính phủ đề xuất phương án chi tiêu khoản tiền trên 32.000 tỷ đồng nói trên.

Cả hệ thống chính trị đang dồn sức dập dịch, bởi đây là yếu tố cốt tử giúp vực dậy nền kinh tế. Hơn một lần, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đồng hành, sát cánh, sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện cho Chính phủ tập trung triển khai tốt nhất các biện pháp chống dịch.

Quyết định sử dụng những đồng tăng thu ngân sách quý giá sao cho hợp lý, làm sao để Chính phủ có thể thực hiện mục tiêu kép: vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, cũng chính là một cách đồng hành hiệu quả.

Nguyên Thảo
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục