Đánh thức tiềm năng nền nông nghiệp đa giá trị

0:00 / 0:00
0:00
Những năm qua, quá trình cơ cấu lại nền nông nghiệp của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu tích cực. Do đó, cần nỗ lực đổi mới để ngành nông nghiệp thực sự trở thành thành hình ảnh quốc gia và phát triển bền vững trong tương lai.
Việc phát triển nông nghiệp đa giá trị phải bắt đầu từ người nông dân, họ phải sẵn lòng chuyên nghiệp hóa chính mình. Việc phát triển nông nghiệp đa giá trị phải bắt đầu từ người nông dân, họ phải sẵn lòng chuyên nghiệp hóa chính mình.

Đón đầu cơ hội

Thực tế đã cho thấy, nhờ xây dựng được thương hiệu và gia tăng giá trị nên lúa gạo Việt Nam đã từng bước khẳng định được chỗ đứng tại nhiều thị trường khó tính như châu Âu, Hàn Quốc, Australia…

Câu chuyện thành công của ngành lúa gạo nói chung, của xuất khẩu gạo nói riêng trong 6 tháng đầu năm 2023 với tổng khối lượng chỉ tăng 22,2% nhưng tăng tới 34,7% về giá trị đã cho thấy Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 triển khai thực sự hiệu quả.

Ở nhiều địa phương từ vùng đồng bằng sông Cửu Long đến đồng bằng Bắc Bộ hay các tỉnh Tây Bắc đã xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình sản xuất hướng đến một nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị. Đặc biệt, nhiều địa phương có thế mạnh về nông nghiệp, bà con đã từng bước khai thác được những giá trị gia tăng từ nông nghiệp, kết hợp văn hóa, du lịch... để tạo nên một điểm đến thu hút du khách.

Theo TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD), trong điều kiện diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp cùng hàng loạt tác động từ biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh thì nông nghiệp tích hợp đa giá trị sẽ tạo ra giá trị gia tăng tối ưu trên một đơn vị diện tích canh tác dựa trên khai thác hiệu quả các nguồn lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thay cho tăng trưởng dựa trên thâm dụng lao động, tài nguyên thiên nhiên.

Do đó, nếu khai thác được hết, Việt Nam có thể hình thành nền kinh tế nông nghiệp đủ sức tạo ra sự phát triển bền vững ngay cả trong điều kiện bất lợi hay biến động.

Đổi mới tư duy sản xuất

Từ việc chỉ biết đến chè xanh như một thức uống cổ xưa bình thường, nay nhiều bà con người Mông ở Suối Giàng, tỉnh Yên Bái, đã trở thành những sứ giả cho một giá trị mới. Được biết, người tạo ra sự thay đổi này là anh Đào Đức Hiếu. Anh sẵn sàng rời bỏ chốn phồn hoa đô thị để về quê cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con.

Là người truyền lửa, truyền cảm hứng trong tư duy sản xuất mới, anh Hiếu đã khiến đồng bào người Mông lần đầu tiên biết rằng, vẫn cây trà cổ thụ trăm năm đó, nhưng cách thu hái khác nhau sẽ chế biến được nhiều loại sản phẩm trà khác nhau, đem lại giá trị cao gấp 10 - 15 lần so với trước. Đơn cử, 1kg bạch trà có thể lên tới 12 triệu đồng. Trà càng để lâu càng quý, càng tăng thêm giá trị. Cũng vì thế, người Suối Giàng giờ có thể tự hào khi trà của bản đã xuất hiện trong khách sạn 5 sao, nhà hàng cao cấp, sân bay...

Có thể thấy, mỗi vùng đất sẽ có một cách làm trà khác nhau để tạo ra cái “chất" riêng của mình. Nhưng có lẽ, trong gần 10 vùng trà cổ thụ tại Việt Nam, Suối Giàng là nơi có đủ điều kiện nhất để có thể thay đổi con đường trà Việt. Trà suối Giàng đã mở ra những khát vọng thay đổi cho nhiều thôn bản của Tây Bắc. 500 loài cây dược liệu, hàng trăm nông sản đặc hữu vốn tri thức bản địa là những điều hiếm có. Tây Bắc với khát vọng trở thành trung tâm dược liệu, trung tâm sinh thái, chính là con đường để nhiều giá trị Việt được đánh thức.

Nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh

Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản cả ở trong nước và ngoài nước là mục tiêu của Nghị quyết số 19 Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Theo đó, các sản phẩm nông nghiệp được tạo ra, thị trường không chỉ tiếp nhận bằng giá cả, bằng chất lượng mà còn quan tâm quá trình sản xuất có tác động tới môi trường thiên nhiên, đa dạng sinh học, hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu... hay không.

Do vậy, những mô hình nông nghiệp mới như lúa - tôm, lúa - rươi, mô hình du lịch nông nghiệp tạo ra những sản phẩm OCOP… đã dần thay thế cho một con đường sản lượng như trước kia. Doanh nghiệp đã biết hướng đến các thị trường cao cấp hơn để tạo ra được lợi nhuận cao hơn cho cả doanh nghiệp và người nông dân.

Thời gian qua, Việt Nam đã mở ra rất nhiều thị trường, mở cửa cho nhiều loại nông sản tiếp cận thị trường khó tính để đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm. Trong năm 2022, Việt Nam đã đàm phán, hoàn thiện các thủ tục xuất khẩu xoài, thịt gà sang Hàn Quốc; bưởi, chanh ta sang New Zealand; lông vũ, yến và sản phẩm từ yến, sữa và sản phẩm từ sữa, sầu riêng, khoai lang... sang Trung Quốc; mật ong sang Liên minh châu Âu (EU).

Cùng với đó, Việt Nam đã khảo sát vùng trồng, nhà máy chiếu xạ để quả bưởi tươi (citrus maxima) là loại trái cây thứ bảy của nước ta được nhập khẩu vào thị trường Mỹ. Như vậy, nông sản của Việt Nam về mặt chất lượng đã có thể đáp ứng các thị trường khó tính nhất.

Với cách thức tiếp cận đa giá trị trên cùng những kết quả đạt được trong thời gian qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đang lựa chọn hướng đi đúng. Tuy nhiên đó mới chỉ là sự khởi đầu, phát triển nông nghiệp đa giá trị vẫn là một câu chuyện “dài hơi”, cần có lộ trình phù hợp để phát huy tối đa tiềm năng lĩnh vực này.

Nguyễn Linh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục