“Đánh thức” nền kinh tế bằng TTCK, tại sao không?

(ĐTCK) Sự phát triển ổn định của TTCK có tác dụng góp phần phát triển thị trường vốn, tăng nguồn đầu tư và góp phần bình ổn các thị trường liên quan như bất động sản, vàng...
Ông Nguyễn Sơn Ông Nguyễn Sơn

Khó khăn của nền kinh tế, khu vực DN và TTCK trong 6 tháng đầu năm sẽ còn lớn, do độ trễ của việc thực thi các chính sách hỗ trợ và tác động từ việc tăng giá một số mặt hàng cơ bản như điện, xăng dầu đến chỉ số giá tiêu dùng, đến hoạt động của các DN.

Năm 2012, TTCK ảm đạm kéo dài, dẫn đến quá trình tái cơ cấu DNNN với hai nhiệm vụ mà Chính phủ đặt ưu tiên lên hàng đầu là đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn đầu tư ngoài ngành đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải hoàn tất trước năm 2015 đang ở vào tình thế giậm chân tại chỗ. Tình trạng này sẽ khó được cải thiện chừng nào TTCK còn ảm đạm.

Ngoài ra, nếu không có giải pháp hỗ trợ TTCK thì DN không thể huy động vốn, khi việc tiếp cận tín dụng ngân hàng còn rất hạn chế; các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, phá băng thị trường bất động sản, xử lý nợ xấu mà Chính phủ và các bộ, ngành đang triển khai sẽ khó có thể thực hiện. Bên cạnh đó, sự phát triển ổn định của TTCK còn có tác dụng góp phần phát triển thị trường vốn, tăng nguồn đầu tư và góp phần bình ổn các thị trường liên quan như bất động sản, vàng...

Để từng bước tháo gỡ khó khăn cho TTCK, qua đó hỗ trợ DN và khu vực ngân hàng, bất động sản, cần tập trung vào các nhóm giải pháp sau:

 

Tháo gỡ tín dụng cho chứng khoán

Việc quy định tín dụng chứng khoán vào diện phi sản xuất trong thời gian dài đã tác động tiêu cực đến tâm lý thị trường nhiều hơn ở khía cạnh dòng tiền. TTCK có vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ đạo của nền kinh tế, dòng vốn cung ứng cho thị trường này là dòng vốn hỗ trợ cho DN và tạo động lực đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa DNNN. Việc cho rằng, tín dụng bơm ra TTCK bị sử dụng để đầu cơ cổ phiếu là chưa thỏa đáng, mà một phần không nhỏ tín dụng chảy vào các DN, nhất là thông qua các đợt phát hành tăng vốn.

Cùng với việc mở rộng tín dụng trong năm 2013, với thông điệp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ không kiểm soát tỷ trọng cho vay với lĩnh vực không khuyến khích, việc Chính phủ và NHNN sớm ban hành quy định gỡ bỏ tín dụng cho lĩnh vực chứng khoán sẽ là giải pháp hợp lý nhằm tạo ra sức cầu cho phát triển thị trường tiền tệ và TTCK. Bên cạnh đó, thực hiện cơ chế kiểm soát tín dụng dựa trên quản trị rủi ro và kiểm soát hiệu quả dòng tiền sẽ là tối ưu hơn cho cả ngân hàng lẫn TTCK.

 

Xây dựng cơ chế phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, TTCK sụt giảm, việc tiếp cận vốn của các DN trở nên khó khăn hơn. Đặc biệt, giá cổ phiếu của nhiều DN trên thị trường thấp hơn mệnh giá, nên không thể huy động được vốn qua phát hành. Do đó, cơ chế cho phép phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá sẽ tháo gỡ được vướng mắc này. Quy định pháp lý cần dựa trên nền tảng tự chủ của DN như: có Nghị quyết ĐHCĐ thông qua; DN có lãi, không có lỗ lũy kế; sử dụng vốn đúng mục đích, trọng tâm; thông tin về DN minh bạch, công khai trong bản cáo bạch và đáp ứng đủ các điều kiện phát hành quy định tại Luật Chứng khoán.

 

Tăng sở hữu của nhà đầu tư ngoại

Nên nới lỏng sở hữu của NĐT nước ngoài trong công ty niêm yết theo hướng cho phép họ sở hữu trên 49% đối với công ty đại chúng với loại cổ phiếu không tham gia biểu quyết (non-voting share) và thí điểm cho phép NĐT nước ngoài sở hữu trên 49% cổ phiếu có quyền biểu quyết một số loại hình công ty niêm yết không thuộc lĩnh vực “nhạy cảm” đã hết room để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài đang chảy mạnh vào khu vực Đông Á.

 

Cổ phần hóa gắn với niêm yết

Cổ phần hóa DNNN không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với thị trường vốn, mà còn nâng cao hiệu quả của nền kinh tế. Do đó, cần đẩy nhanh việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, theo hướng tháo gỡ những bất cập hiện nay trên 4 vấn đề là: (1) chỉ nên áp dụng kiểm toán nhà nước đối với các DN theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ; (2) đưa giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị DN; (3) đối chiếu toàn bộ công nợ khi xác định giá trị DN; (4) quy định tổ chức đấu thầu chọn tổ chức tư vấn định giá.

Theo đánh giá chung, các DN niêm yết hoạt động có hiệu quả hơn và công khai, minh bạch hơn các DN ngoài sàn. Do vậy, nhiệm vụ trước mắt là định hướng cho các DN cổ phần hóa gắn với chào bán ra công chúng và đưa vào niêm yết, đặc biệt là các DN lớn xây dựng lộ trình niêm yết, tạo hàng hóa chất lượng cho TTCK, thu hút vốn đầu tư.

 

Tăng cường quản lý, giám sát thị trường

Tăng cường quản lý, giám sát thị trường thông qua cơ chế phối hợp với các cơ quan liên quan nhằm đảm bảo thị trường phát triển ổn định, hiệu quả. Trong đó, tập trung vào hoàn thiện dự thảo trình Chính phủ ký ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 85/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính đối với lĩnh vực chứng khoán và TTCK; yêu cầu các CTCK nghiêm túc thực hiện quy định quản lý tiền gửi giao dịch chứng khoán của khách hàng tách biệt với tiền của CTCK; giám sát thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin đối với các tổ chức phát hành, tổ chức niêm yết và các tổ chức, cá nhân có liên quan; giám sát hoạt động giao dịch, phòng ngừa và kịp thời phát hiện các hành vi giao dịch không công bằng, giao dịch nội gián, giao dịch thao túng giá; phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra trong việc xử lý các tổ chức có dấu hiệu vi phạm hình sự; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

 

Ưu đãi thuế

Các chính sách ưu đãi về thuế đối với TTCK cần được xây dựng dựa trên nguyên tắc tháo gỡ khó khăn cho DN để nuôi dưỡng nguồn thu. Theo đó, cần tiếp tục trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét kéo dài ưu đãi thuế đối với giao dịch chứng khoán đến hết năm 2013 (miễn thuế cổ tức đối với cá nhân và giảm 50% thuế suất chuyển nhượng chứng khoán). Ngoài ra, cần có cơ chế miễn thuế trong 5 năm đầu đối với các định chế quỹ đầu tư mới thành lập như quỹ mở, quỹ bất động sản, quỹ ETF, quỹ hưu trí tự nguyện và công ty đầu tư chứng khoán.

 

Tái cấu trúc TTCK

Tiếp tục các giải pháp tái cấu trúc TTCK theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thông qua 5 nội dung: (1) tái cấu trúc hàng hóa chứng khoán; (2) tái cấu trúc thị trường trái phiếu; (3) tái cấu trúc cơ sở NĐT ; (4) tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán; (5) tái cấu trúc mô hình tổ chức các Sở GDCK theo hướng hợp nhất, sáp nhập thành một tổ chức thống nhất.

 

TTCK được ví như phong vũ biểu của nền kinh tế (Ảnh chụp trong một lễ khai trương phiên giao dịch đầu năm tại HOSE )

Hoàn thiện hệ thống lưu ký, thanh toán

Hoàn thiện hệ thống lưu ký, đăng ký, bù trừ, thanh toán chứng khoán trên cơ sở phát triển các chức năng thanh toán bù trừ đối tác trung tâm (CCP) và chức năng vay, cho vay chứng khoán (SBL) của Trung tâm Lưu ký chứng khoán. Từng bước thực hiện chuyển thanh toán giao dịch chứng khoán từ NHTM sang Ngân hàng Nhà nước.

 

Xây dựng TTCK phái sinh

Xây dựng TTCK phái sinh theo lộ trình phát triển các sản phẩm phái sinh từ đơn giản đến phức tạp, phù hợp với năng lực quản lý, giám sát và quản trị các rủi ro trên thị trường. Trước mắt, phát triển các sản phẩm phái sinh gắn liền với chỉ số chứng khoán như Index future, Index option; Bond future; Bond option; về lâu dài sẽ phát triển các sản phảm phái sinh dựa trên cổ phiếu, vàng, lãi suất, hàng hóa.

 

Nâng cao chất lượng kế toán, kiểm toán

Nâng cao chất lượng kế toán, kiểm toán và hạch toán tỷ giá trên cơ sở ban hành đầy đủ và đồng bộ các chuẩn mực kế toán, kiểm toán mới và cơ chế hạch toán tỷ giá từng bước theo các chuẩn mực quốc tế. Ngoài ra, ban hành các chuẩn mực về công cụ tài chính, các chuẩn mực liên quan đến đặc thù các ngành như: khai khoáng, nông nghiệp..., theo hướng phù hợp với nền kinh tế thị trường, tiệm cận các chuẩn mực kế toán quốc tế. Qua đó, cải thiện chất lượng các báo cáo tài chính, bảo đảm các thông tin công bố là tin cậy, đầy đủ, chính xác và kịp thời, đặc biệt là thông tin về các vấn đề tài chính trọng yếu của DN.

TS. Nguyễn Sơn, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
TS. Nguyễn Sơn, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Tin cùng chuyên mục