Đánh thức đô thị biển Cần Giờ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Là một huyện đảo giàu tiềm năng phát triển, thế nhưng Cần Giờ dường như ngủ quên nhiều năm qua…
Cần Giờ có thể trở thành một đô thị biển tầm cỡ. Ảnh: Trọng Tín Cần Giờ có thể trở thành một đô thị biển tầm cỡ. Ảnh: Trọng Tín

Đô thị biển Cần Giờ?

Những ngày này, dư luận đưa ra nhiều ý kiến về xu hướng của TP.HCM là tiến ra biển và cửa ngõ duy nhất là Cần Giờ. Trong tương lai, huyện Cần Giờ sẽ không lên quận, mà tiến thẳng lên thành phố du lịch mang tầm cỡ khu vực Đông Nam Á. Nhưng có lẽ không phải ai cũng biết, ý tưởng phát triển nơi đây thành một đô thị du lịch sinh thái đã từng là niềm trăn trở của một vị lãnh đạo có tâm, có tầm.

Cách đây gần 20 năm, trong bức thư Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi ông Nguyễn Minh Triết (khi đó là Bí thư Thành ủy TP.HCM) đã trình bày những trăn trở về sự chậm phát triển của huyện Cần Giờ, trong đó chỉ rõ những ưu điểm của Cần Giờ và để đánh thức tiềm lực nơi đây thì chỉ có cách tiến ra biển, xây dựng vùng biển duy nhất của TP.HCM trở thành một khu đô thị nghỉ ngơi, giải trí, du lịch tầm cỡ khu vực.

Cần Giờ có nhiều tiềm năng để phát triển, nhưng ít ai hay. Điều này từng được lãnh đạo Sở Du lịch TP.HCM chia sẻ rằng, có khoảng 60% người dân TP.HCM không biết thành phố này có biển, qua đó cho thấy những đóng góp của Cần Giờ vào phát triển kinh tế của TP.HCM những năm qua khá nhạt nhòa.

Đáng lẽ, với lợi thế sẵn có, du lịch của Cần Giờ có thể khai thác những giá trị từ biển, khai thác những không gian xanh của rừng, trở thành khu du lịch yên bình để người dân thành phố tìm về thư giãn, nghỉ ngơi giải trí, giảm sức ép đô thị..., vậy nhưng Cần Giờ vẫn chưa thể phát triển xứng tầm với tiềm năng vốn có, du lịch Cần Giờ vẫn như “nàng công chúa ngủ trong rừng” suốt bao năm qua.

Kinh tế của huyện đảo Cần Giờ hiện chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Ảnh: Trọng Tín

Kinh tế của huyện đảo Cần Giờ hiện chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Ảnh: Trọng Tín

Tất nhiên, mọi nghịch lý đều có nguyên nhân và nói đến Cần Giờ, điều đầu tiên được đề cập đó là hạ tầng giao thông yếu kém. Dù chỉ cách TP.HCM khoảng 60 km, nhưng để đi đến Cần Giờ phải mất gần 3 tiếng đồng hồ do khó khăn ở cả đường bộ lẫn đường sông.

Tiếp đó là cơ sở lưu trú, giải trí lạc hậu, thiếu thốn. Hiện nay, Cần Giờ chủ yếu khai thác du lịch sinh thái, sông nước, mà không có một điểm vui chơi, mua sắm, nghỉ dưỡng chất lượng đúng nghĩa, hạ tầng xã hội nơi đây vẫn còn hoang sơ, tiện ích thiếu thốn. Vì thế, người dân sinh sống tại TP.HCM và khu vực lân cận thà chọn nơi xa nhưng đầy đủ tiện nghi, giao thông thuận tiện như Vũng Tàu, Phan Thiết, Phú Quốc…, hơn là đến với Cần Giờ.

Trong 2 năm qua, lượng khách du lịch đến Cần Giờ ngày một giảm. Theo thống kê của Sở Du lịch TP.HCM, khách đến Cần Giờ chiếm khoảng 25-30% tổng lượng khách tới TP.HCM, nhưng doanh thu chiếm chưa tới 1%, mỗi du khách đến đây chi tiêu chưa tới 1 triệu đồng.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, nhiều người khi được hỏi về du lịch Cần Giờ đều có chung câu trả lời rằng “không có gì vui”, “không có gì chơi”. Còn theo chia sẻ của một đơn vị chuyên tổ chức du lịch, vài năm trước, tour 1 ngày Cần Giờ do công ty này tổ chức trung bình 1 tour/tuần, nhưng thời gian gần đây giảm mạnh, chỉ còn 3-4 tour/năm.

Chính người dân ở Cần Giờ cũng chia sẻ, “biển Cần Giờ buồn vì chẳng ai tắm, khách du lịch đến chủ yếu chỉ để ăn hải sản rồi về. Hàng quán lụp xụp, người dân dựng lên tạm bợ để phục vụ du khách, hàng hóa cũng lèo tèo như các quán cóc ven những con phố nhỏ ở thành phố. Hàng chục năm nay, du lịch Cần Giờ vẫn đìu hiu và tẻ nhạt như thế”.

Chờ khởi công đại công trường đô thị

Lâu nay, nhắc đến Cần Giờ không phải là việc địa phương này phát triển ra sao, mà là thông tin về những cơn sốt đất âm ỉ trước những thông tin quy hoạch về hạ tầng giao thông. Sốt đất dài là vậy, nhưng trên địa bàn huyện Cần Giờ hiện chỉ có duy nhất một dự án bất động sản đã được triển khai là dự án Khu dân cư du lịch nhà vườn Phước Lộc, do Công ty TNHH Xây dựng - Kinh doanh nhà Phước Lộc làm chủ đầu tư, quy mô 56 ha với khoảng 500 căn biệt thự và nhà phố.

Mô hình phát triển trong tương lai của TP.HCM cần đặt kết nối vùng một cách quyết liệt, đầy đủ hơn để tận dụng và phát triển kinh tế biển, cảng biển, gắn với chuỗi đô thị biển mang tầm vóc quốc tế. Trong đó, phát triển vịnh Cần Giờ là cơ hội tạo bước ngoặt thay đổi phương thức và mô hình phát triển của TP.HCM, từ dựa vào đất đai sang phát triển dựa vào biển.

Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM

Tuy nhiên, khoảng 5 năm tới, bộ mặt của huyện Cần Giờ kỳ vọng sẽ thay đổi khi “siêu” dự án lấn biển Cần Giờ được hình thành. Theo kế hoạch, Khu đô thị lấn biển Cần Giờ có diện tích 2.870 ha, quy mô dân số khoảng 228.000 người với tổng mức đầu tư hơn 217.000 tỷ đồng (tương đương 10 tỷ USD) do CTCP Đô thị du lịch Cần Giờ làm chủ đầu tư.

Nói về hành trình lấn biển này, GS. Đặng Hùng Võ cho biết, từ năm 2000, lãnh đạo TP.HCM đã nhận thấy tiềm năng du lịch của Cần Giờ, nhưng vì kinh tế lúc đó còn eo hẹp nên tư duy tới diện tích hơn 600 ha đã là quá lớn. Sau gần 20 năm, dự án được điều chỉnh tăng diện tích lên 2.870 ha hướng tới một đô thị du lịch sinh thái tiến biển hiện đại, bởi một khu đô thị lớn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế theo cấp số nhân so với độ tăng diện tích theo cấp số cộng.

Trước động thái đó, có ý kiến băn khoăn rằng, việc tăng diện tích sẽ phá vỡ quy hoạch đã được duyệt, nhưng thực tế là quy hoạch thường phụ thuộc vào khả năng tài chính và khi có tiềm lực tài chính mạnh thì việc điều chỉnh quy hoạch cũng là điều bình thường.

Là người nhiều năm theo dõi dự án phát triển Cần Giờ, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cũng đồng tình với kế hoạch lấn biển này, nhưng khi thực hiện, ông cho rằng, dự án phải bảo đảm quy hoạch giao thông, đồng thời thực hiện đầy đủ các nội dung bảo vệ môi trường, tuân thủ chặt chẽ khung pháp lý của UNESCO về dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ để tránh gây ảnh hưởng xấu đến khu dự trữ sinh quyển này.

“Một dự án có đánh giá tác động môi trường tốt sẽ có hiệu quả kinh tế - xã hội về lâu dài và ngược lại, nếu không được đánh giá đầy đủ sẽ để lại hậu quả nặng nề, gây thiệt hại cho cả Nhà nước, người dân và chủ đầu tư”, ông Sơn nhấn mạnh.

GS. Đặng Hùng Võ cho hay, nhiều nơi trên thế giới đã thành công trong việc phát triển các thành phố lấn biển và Cần Giờ cũng có khả năng này, từ đó tiến tới liên kết vùng khi tiến ra biển để hình thành hệ sinh thái biển, bao gồm một hệ sinh thái cộng sinh, nương nhờ nhau, dựa vào nhau để sống, tạo thành địa giới hành chính vượt qua TP.HCM.

“Phát triển kinh tế biển sẽ giúp kinh tế TP.HCM cất cánh, khi không còn bó buộc ở đất liền, mà có thể chế ngự vùng biển trước mặt. TP.HCM có thể rút kinh nghiệm từ TP. Thủ Đức, khi cần có thể thành lập một thành phố độc lập trong lòng thành phố”, ông Võ chia sẻ.

Trọng Tín

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục