Tái cấu trúc danh mục
Vốn được xem là người khá trung thành với phong cách đầu tư giá trị, nhưng gần một năm trở lại đây, tần suất “khắc nhập”, “khắc xuất” của anh Hoàng đã nhiều hơn, ra - vào theo từng giai đoạn ngắn, thậm chí tính bằng tuần, thay vì nắm giữ cổ phiếu trung và dài hạn như trước.
“Tài khoản của mình bị lỗ khá nhiều sau sự kiện FLC. Giao dịch ngắn hạn là cách nhanh nhất để mình có thể lấy lại những gì đã mất. Đó là lý do mình giao dịch nhiều hơn để vừa tái cơ cấu danh mục, vừa tìm cơ hội giảm lỗ”, anh Hoàng nói và cho biết, bằng cách làm này, tài khoản của anh đã được cải thiện đáng kể, từ lỗ khoảng 50% xuống còn 40%, dù không phải lần giao dịch nào cũng thắng lợi.
Trường hợp như anh Hoàng dần xuất hiện nhiều hơn trong cộng đồng những nhà đầu tư vốn trước kia ít khi giao dịch ngắn hạn. Trên các diễn đàn, hội nhóm, room tư vấn, các câu hỏi về việc vào - ra theo nhịp ngắn hạn, thậm chí T+ ngày càng phổ biến, dường như đang tạo nên một xu hướng đầu tư mới: chộp giật với thị trường.
Theo ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán VPS, hoạt động tái cấu trúc danh mục sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong 2023. Trong đó, nhiều nhà đầu tư sẽ lựa chọn kỹ lưỡng một vài cổ phiếu và nắm giữ đến cuối năm, đồng thời lựa chọn 5 - 10 mã cổ phiếu riêng lẻ có câu chuyện riêng, có triển vọng tăng giá trong một vài tháng.
Về tỷ trọng danh mục xét theo thời gian nắm giữ, ông Khánh khuyến nghị, tỷ lệ chung mà nhà đầu tư có thể tham khảo đó là 50% cổ phiếu nắm giữ trung hạn, 10 - 20% cổ phiếu nắm giữ dài hạn, phần còn lại dùng để giao dịch ngắn hạn, tìm kiếm cơ hội sinh lời nhanh trên thị trường.
“Thị trường chung không quan trọng bằng nhóm ngành, mà cổ phiếu riêng lẻ quan trọng hơn nhóm ngành. Có thể có nhiều thương vụ M&A lớn chuẩn bị diễn ra, khiến giá cổ phiếu biến động mạnh trong năm 2023”, ông Khánh nói.
Phải “đọc vị” được cổ phiếu
Trước tình trạng một bộ phận nhà đầu tư giảm niềm tin vào đầu tư giá trị, mà chạy theo các con sóng ngắn, “vào nhanh - ra gấp” một cách “chộp giật” với thị trường, bà Nguyễn Ngọc Linh, Giám đốc Tự doanh, Công ty Chứng khoán DNSE cho rằng, có thể đây là hiện tượng tâm lý của những nhà đầu tư theo trường phái nắm giữ cổ phiếu giá trị và bị ảnh hưởng bởi đợt giảm sâu vừa qua của thị trường.
Tuy nhiên, những gì cốt lõi về giá trị của doanh nghiệp sẽ được phản ánh đúng bản chất của nó và đây luôn luôn là phương pháp kinh điển của việc đầu tư.
Theo bà Linh, phương pháp đầu tư hay “chơi” là do lựa chọn của mỗi người khi xây dựng chiến lược tham gia thị trường. Có nhà đầu tư xác định nắm giữ cổ phiếu dài hạn với lợi suất kỳ vọng 20 - 30%/năm; có nhà đầu tư lựa chọn giao dịch theo xu hướng, hoặc giao dịch T+…
Tất cả đều là những “tay chơi” điển hình trong bất cứ một thị trường nào. Năm 2023 sẽ tiếp tục mang lại cơ hội cho đa dạng các nhà đầu tư tham gia thị trường, miễn là kiên định và xác định được chiến lược, hiểu được điều kiện của bản thân để tinh chỉnh chiến lược.
Trong khi không ít nhà đầu tư giảm lòng tin vào phong cách đầu tư giá trị, thì từ góc nhìn ngược lại, cũng thật khó để phủ nhận vai trò và khả năng phòng vệ mà cách đầu tư này mang lại.
Vẫn theo bà Linh, trong ngắn hạn, yếu tố cung - cầu và tâm lý nhà đầu tư sẽ ảnh hưởng lớn đến thị giá của cổ phiếu, thậm chí có lúc bi quan quá đà đẩy cổ phiếu lùi sâu dưới giá trị của doanh nghiệp. Khi đó, nhà đầu tư nên học cách tận dụng yếu tố tâm lý để tranh thủ tích lũy cổ phiếu mà mình đã làm bài tập phân tích giá trị. Trường hợp thị trường lạc quan, thúc đẩy giá cổ phiếu vượt giá trị kỳ vọng thì chờ đợi nhịp điều chỉnh để mua, vì xét dài hạn, việc đầu tư cổ phiếu giá trị hầu như luôn phát huy tác dụng.
Đồng quan điểm, ông Bùi Nguyên Khoa, Phó trưởng phòng Phân tích Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán BIDV nhận xét, phương pháp đầu tư giá trị vẫn được nhiều nhà đầu tư sử dụng. Dù vậy, cách thức xác định giá trị doanh nghiệp mới là vấn đề then chốt. Giá trị của doanh nghiệp thực tế phụ thuộc vào nhiều yếu tố như hoạt động kinh doanh, chu kỳ sản phẩm, chu kỳ kinh tế, khả năng tăng trưởng, sức khỏe tài chính. Những yếu tố này nếu được đánh giá một cách tỉ mỉ, cẩn trọng thì thường sẽ dẫn đến những cơ hội đầu tư thành công.
“Tuy nhiên, gần đây có một số nhà đầu tư đánh giá giá trị của doanh nghiệp một cách khá hời hợt qua lời người khác, hoặc đơn thuần đầu tư theo tâm lý ăn may, mà không tìm hiểu kỹ càng. Hiện tượng này dẫn đến sự sai lệch về giá trị thực tế của doanh nghiệp so với giá các nhà đầu tư này bỏ ra và có thể gây nên những tổn thất đáng tiếc”, ông Khoa nói.
Ông Khoa cho rằng, với hệ thống Internet mang đến kho tàng tri thức, khối lượng thông tin khổng lồ như hiện nay, các nhà đầu tư có thể tiếp cận một cách dễ dàng các kiến thức tài chính để xác định giá trị doanh nghiệp một cách rõ ràng và kỹ càng hơn.
Mặc dù vậy, cơ quan quản lý và các công ty chứng khoán cần tiếp tục phổ cập và tăng cường phương thức đánh giá doanh nghiệp chuyên nghiệp cho các nhà đầu tư, nhằm hướng tới một thị trường minh bạch và ổn định hơn. Đối với các nhà đầu tư không có thời gian nghiên cứu chuyên sâu, họ có thể tìm đọc báo cáo phân tích doanh nghiệp của các tổ chức tài chính, các công ty chứng khoán hàng đầu.
Với những bất ổn và bất định kinh tế được dự báo trong năm 2023, ông Khoa đánh giá, chiến lược đầu tư đa dạng hóa, phòng thủ sẽ là chiến lược phù hợp trong năm nay. Hiện tại, sức ép từ tỷ giá, lãi suất không còn căng thẳng như những tháng trước, nhưng mặt bằng lãi suất cao dự kiến sẽ được duy trì trong năm 2023, nên sự thận trọng trong thời gian này vẫn là điều cần thiết. Nhà đầu tư nên có tâm lý phòng thủ trong ít nhất 1 - 2 quý tới, cho đến khi bức tranh về lạm phát và lãi suất rõ ràng hơn.
Theo ông Khoa, việc lựa chọn chiến lược đầu tư trong năm 2023 là tùy thuộc vào khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư. Với nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao, đầu tư theo phong cách lướt sóng trong bối cảnh hiện nay sẽ chịu nhiều rủi ro từ sự rung lắc của thị trường. Việc lựa chọn cổ phiếu kỹ càng, giảm kỳ vọng lợi nhuận và quay vòng cổ phiếu nhanh là giải pháp phù hợp. Với nhà đầu tư dài hạn, có thể nắm giữ các cổ phiếu tốt có mức giá chiết khấu hấp dẫn. Nếu mua trong các nhịp điều chỉnh, cơ hội có lãi trong dài hạn là rất cao. Điều quan trọng nhất là lựa chọn cổ phiếu của doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng.
“Không phải cổ phiếu nào rẻ cũng đầu tư, nhà đầu tư cần chọn lọc rất kỹ. Bối cảnh khó khăn cũng là cơ hội để nhà đầu tư sàng lọc, lựa chọn được cổ phiếu của những doanh nghiệp có sức khỏe tài chính tốt, qua đó sẽ có cơ hội bật tăng mạnh mẽ khi khó khăn qua đi”, ông Khoa nhấn mạnh.