Danh mục quỹ nội tăng tỷ trọng cổ phiếu bất động sản

(ĐTCK) Thị trường tháng 11 có nhiều biến động mạnh khiến các quỹ nội bị ảnh hưởng giảm, tuy nhiên, luỹ kế 11 tháng năm 2015, các quỹ đều có mức tăng trưởng cao hơn VN-Index. 
Danh mục quỹ nội tăng tỷ trọng cổ phiếu bất động sản

Bên cạnh đó, danh mục cổ phiếu có sự thay đổi so với cùng kỳ năm ngoái, khi chiếm tỷ trọng lớn nhất không phải là nhóm cổ phiếu dầu khí mà là cổ phiếu bất động sản và các cổ phiếu trong diện SCIC thoái vốn như VNM, FPT, BMP được đa số các quỹ duy trì tỷ trọng cao.

Kết thúc tháng 11, VN-Index đóng cửa tại 573,2 điểm, giảm 34,17 điểm, tương đương giảm 5,62% so với cuối tháng 10. Sóng giảm của thị trường vẫn kéo dài từ tháng 11 cho đến nay, sau khi thị trường tạo đỉnh tại 617,93 điểm (ngày 6/11). Nguyên nhân chính là do lo ngại về khả năng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khiến tỷ giá biến động mạnh (trong tháng 12, Fed đã chính thức tăng lãi suất).

Trong giai đoạn này, khối ngoại bán hơn 2.600 tỷ đồng trên HOSE và 125 tỷ đồng trên HNX. Đáng chú ý, hoạt động cơ cấu của các quỹ ETF theo hướng bán ra nhiều cổ phiếu bluechip. Đồng thời, các quỹ ETF cũng bị rút vốn (Quỹ Market Vectors Vietnam ETF (VNM) bị rút vốn 2 triệu USD và Quỹ DB X-Tracker FTSE Vietnam Index ETF bị rút vốn 3 triệu USD) đã “đóng góp” lớn vào đà suy giảm của thị trường.

Có thể thấy, năm nay, diễn biến thị trường gắn khá chặt với giao dịch của khối ngoại. Thông thường, những giai đoạn khối ngoại bán ròng mạnh chính là lúc mà VN-Index giảm mạnh, cụ thể, đó là các giai đoạn tháng 3, tháng 8 - 9, tháng 11 - 12.

Đối với Quỹ Đầu tư chứng khoán Việt Nam (VFMVF1), chịu ảnh hưởng bởi đà giảm của thị trường, giá trị mỗi chứng chỉ quỹ giảm 4,1%. Theo VF1, một vài cổ phiếu trong danh mục tăng tốt như VNM (+5% ), KDH (+3,5%), SKG (+3,5%) và tỷ trọng ngành Ngân hàng trong danh mục thấp hơn trong chỉ số VN-Index (10,8% giá trị tài sản ròng - NAV so với 27%), trong khi Ngân hàng là ngành khiến VN-Index bị giảm nhiều nhất trong tháng 11.

Danh mục quỹ nội tăng tỷ trọng cổ phiếu bất động sản ảnh 1

Lũy kế từ đầu năm, Quỹ VF1 tăng trưởng 11,9%, cao hơn gấp 2 lần tăng trưởng của chỉ số tham chiếu và chỉ số VN-Index (5,1%). Top 10 cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn trong Quỹ gồm VNM, FPT, BMP, TCM, SKG, VCB, VIC, HPG, KDH, CII.

Tương tự, Quỹ Đầu tư Doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam (VFMVF4) chịu tác động của thị trường và giảm 3,8%, thấp hơn mức giảm của VN-Index nhờ sở hữu những cổ phiếu có xu hướng ngược lại thị trường như cổ phiếu thuộc ngành Bất động sản (KDH, BCI), ngành Vận tải (SKG) hay ngành Thực phẩm (VNM). Ngoài ra, nhóm Ngân hàng chiếm tới hơn 25% tỷ trọng thị trường nhưng do VF4 nắm giữ tỷ trọng thấp hơn (chỉ 10,4% NAV) nên mức độ ảnh hưởng cũng thấp hơn. Luỹ kế từ đầu năm đến nay, VF4 tăng trưởng 17,5%. Cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất vẫn là VNM (16,4%NAV).

Quỹ Đầu tư Năng động Việt Nam (VFMVFA) có NAV/chứng chỉ quỹ đạt 7.293 đồng/chứng chỉ quỹ, giảm 2,3% so với tháng trước. Theo VFA, thị trường cổ phiếu tháng 11 nhìn chung giảm điểm nhưng vẫn có một số ngành có sự tăng điểm như Thực phẩm và Nước giải khát hoặc Hàng tiêu dùng, vì thế các chiến lược đã thực hiện việc mua bán khá cân bằng. Do vậy, cơ cấu tài sản của Quỹ không có thay đổi đáng kể, tỷ trọng đầu tư cổ phiếu vẫn ở mức 58,0% NAV và còn lại 42,0% NAV Quỹ thực hiện đầu tư vào các tài sản phi rủi ro như tiền gửi kỳ hạn.

Đối với Quỹ Đầu tư giá trị MB Capital (MBVF), danh mục của Quỹ giảm -1,1%, tổng giá trị tài sản ròng của Quỹ đến cuối tháng đạt trên 54,9 tỷ đồng, tăng 3% so với tháng trước. Danh mục tiêu biểu, chiếm tỷ trọng lớn NAV Quỹ gồm SFG, PGC, SDT và CSV.

Quỹ Đầu tư cổ phiếu Hưng Thịnh (VEOF) có mức giảm 3% so với tháng trước, luỹ kế đầu năm đến nay tăng 10,4%. NAV/chứng chỉ quỹ tại ngày 30/11/2015 là 10.385 đồng/chứng chỉ quỹ. Trong tháng 11, VEOF thực hiện giải ngân với tổng giá trị gần 8 tỷ đồng, tích lũy thêm một số cổ phiếu thuộc ngành Bất động sản, Xây dựng và Vật liệu xây dựng. Top 5 cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn gồm FPT, NTL, MBB, DIG, KDH

Nhìn ngược lại cùng kỳ năm trước, kết thúc tháng 11 năm 2014, VN-Index đóng cửa ở 566,58 điểm, giảm 6% so với cuối tháng 10/2014. Thị trường chịu nhiều tác động từ Thông tư 36/2014/TT-NHNN giới hạn dư nợ cho vay đầu tư chứng khoán của ngân hàng, rút ròng của quỹ đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, cuối tháng 11/2014, giá dầu giảm mạnh đã ảnh hưởng tiêu cực đến cổ phiếu bluechip, cổ phiếu dầu khí.

Trong khi đó, danh mục của VF1 có tới 20% các cổ phiếu bluechip thuộc dòng dầu khí (GAS, PVD, PVS) - Top 5 tỷ trọng trong danh mục và bị sụt giảm xấp xỉ 20% trong tháng 11, nên đã ảnh hưởng đến tăng trưởng của Quỹ. NAV/chứng chỉ quỹ ghi nhận giảm 5,8%, tương đương với mức giảm của VN-Index. Luỹ kế 11 tháng 2014, VF1 tăng trưởng 13,4%

Tương tự, GAS và PVD chiếm tỷ trọng lớn trong NAV của VF4 nên đã ảnh hưởng tới tăng trưởng của Quỹ. Kết thúc tháng 11, NAV/chứng chỉ quỹ giảm 8% so với tháng 10/2014, luỹ kế tăng 12,5%.  Đối với MBVF, danh mục quỹ giảm nhẹ 0,3% so với tháng 10/2014, do trong danh mục của Quỹ, Top cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn không có nhiều cổ phiếu dầu khí. Đến cuối tháng 11/2014, NAV của Quỹ đạt gần 70 tỷ đồng.           

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục