Đánh giá rất cao kết quả thực hiện mục tiêu kép, kiềm chế tốt dịch bệnh, kinh tế vẫn tăng trưởng dương trong năm 2020, song đại biểu Quốc hội cho rằng, cần rất thận trọng trong đánh giá khả năng phục hồi kinh tế để có giải pháp phù hợp.
Không chủ quan, lơ là trong chống dịch
Bắt đầu đợt họp trực tiếp của Kỳ họp thứ 10, sáng 2/11, Quốc hội đã thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội 2020, kế hoạch năm 2021, các vấn đề đầu tư công trung hạn, tái cơ cấu nền kinh tế.
Khái quát tình hình 2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Việt Nam là một trong số ít nước có tăng trưởng dương, khả năng năm nay đạt và vượt 8/12 chỉ tiêu Quốc hội giao. Tính toán đến hết tháng 10 và dự báo 2 tháng cuối năm, nếu không có gì đặc biệt, không có sự cố bất thường, thì tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức 2,5 - 3%.
Kết quả nữa được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh là Việt Nam là một trong số ít nước được đánh giá thành công trong chống Covid-19, cơ bản kiểm soát được dịch bệnh với chính sách kịp thời, thực hiện quyết liệt, chi phí hiệu quả. "Việc kiểm soát tốt dịch bệnh, bảo vệ an toàn tính mạng cho người dân giúp chúng ta có cơ hội phục hồi kinh tế nhanh", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Ở tổ thảo luận khác, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh sự linh hoạt trong điều hành thực hiện mục tiêu kép là vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Theo Thủ tướng, trong đợt dịch thứ hai, phương thức chỉ đạo đã khác lần thứ nhất, không thực hiện giãn cách toàn quốc. "Nếu làm theo cách cũ thì kinh tế đã âm. Chỉ đạo là quan trọng, ưu tiên chống dịch, nhưng phải lo phát triển kinh tế. Thế giới đánh giá cao cách làm của Việt Nam", người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý, không thể chủ quan trong chống dịch, nếu chủ quan sẽ mắc sai lầm lớn, vì Covid-19 có thể xuất hiện trở lại bất cứ lúc nào.
Khát khao phát triển rất lớn lao, nhưng chưa thể đưa khách du lịch vào Việt Nam vì dịch bệnh lớn quá, mình không thể kiểm soát hết được. Nếu bình thường, khi chưa có dịch, Việt Nam đón 21 triệu lượt khách quốc tế một năm, với doanh thu trên 60 tỷ USD, song năm nay gần như bằng không, nhưng phải chấp nhận. Nêu thông tin trên, người đứng đầu Chính phủ chia sẻ rằng, cũng có ý kiến phản đối việc "đóng cửa" với du lịch, nhưng quan điểm của Chính phủ là không vì kinh tế mà chủ quan chống dịch. Quan điểm này là nhất quán, không thể chủ quan, lơ là.
Về kết quả thực hiện mục tiêu kép, Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam là một trong 16 nền kinh tế mới nổi tốt nhất hiện nay, với quy mô nền kinh tế năm ngoái đã vượt Malaysia, năm nay vượt Singapore và nếu quyết tâm đoàn kết, khát vọng mạnh mẽ hơn, thì tương lai có thể cạnh tranh với Philippines và Thái Lan.
Theo Thủ tướng, phải có khát vọng vươn lên để không để tình trạng quy mô GDP thấp, từ đó, nhân dân tin tưởng, dồn sức cho phát triển.
Nên có nhiều kịch bản tăng trưởng
Ghi nhận kết quả tăng trưởng năm nay, song nhiều ý kiến còn băn khoăn về dự báo tăng trưởng trong thời gian tới và chỉ tiêu GDP tăng 6% của kế hoạch năm 2021.
Đại biểu Trương Quang Nghĩa, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh, việc đánh giá đúng tình hình của năm 2020 và xây dựng kế hoạch năm 2021 rất quan trọng. "Chúng ta đánh giá phục hồi kinh tế theo hình chữ V có vội vàng không? Tôi thấy, khi Covid-19 quay lại Đà Nẵng thì rủi ro có thể xuất hiện ở bất cứ địa phương nào, có thể ở Đà Nẵng, cũng có thể ở TP.HCM. Nếu xảy ra ở TP.HCM, thì tác động đến nền kinh tế thế nào? Có lẽ, ta đánh giá hơi chủ quan", ông Trương Quang Nghĩa phân tích.
Khẳng định kết quả chống Covid-19 vừa qua của Việt Nam rất thành công, nhưng đại biểu Trương Quang Nghĩa cho rằng, phát triển kinh tế là vấn đề cần xem xét thận trọng, vì nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn. Như châu Âu trước đây mở cửa, chủ quan, nên nay đã phải đóng cửa trở lại. “Các con số của kế hoạch năm sau có cần xem xét thêm không?”, ông Nghĩa đặt vấn đề.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nhìn nhận: “Chúng ta vừa bước vào Top 4 ASEAN về quy mô nền kinh tế. Nhưng quan trọng nhất là hạ tầng, thể chế, nguồn nhân lực. Sức mạnh của quốc gia ở chỗ đó, chứ không chỉ thuần tuý là quy mô”.
Cho rằng, năm 2021 vẫn quá nhiều yếu tố bất định, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) đề nghị Chính phủ xây dựng nhiều kịch bản tăng trưởng hơn, thay vì chỉ để 1 phương án phấn đấu là 6%. Ông Ngân gợi ý, có thể tham khảo dự báo của các định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) với kịch bản cao là 6,8% và thấp là 4,5%.
Về các giải pháp điều hành cụ thể, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị sử dụng dự phòng ngân sách để tăng cường hỗ trợ nhiều hơn cho đồng bào miền Trung và ưu tiên kiểm soát dịch bệnh. Triển khai đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ; xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư trực tuyến; thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao… cũng là các giải pháp được ông Ngân đề nghị tập trung thực hiện.
Nhấn mạnh yêu cầu xây dựng nền kinh tế tự chủ, tự cường, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, ông Vũ Hồng Thanh (đại biểu tỉnh Quảng Ninh) đề nghị quan tâm hơn đến năng lực doanh nghiệp trong nước. “Doanh nghiệp dệt may, da giày có hàm lượng giá trị còn cao hơn điện tử, điện thoại của Samsung. 100 USD của xuất khẩu điện tử, điện thoại chỉ sinh ra 27 USD giá trị gia tăng và 14 USD cho lao động; còn dệt may, da giày đóng góp tương ứng 31 USD và 18 USD”, ông Thanh phát biểu.
Còn nhiều ý kiến về giải pháp phục hồi kinh tế, song ở cả 19 tổ thảo luận, các đại biểu đều đặc biệt quan tâm chia sẻ và đề nghị dành nguồn lực thỏa đáng cho phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu, trước mắt là ổn định đời sống đồng bào vùng bị thiệt hại do bão, lũ vừa qua.
Dồn lực cho phòng chống thiên tai
Phát biểu thảo luận tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khái quát: từ đầu năm đến nay đã diễn ra 16 loại hình thiên tai, với 9 cơn bão, hiện tại chuẩn bị bão số 10; 263 trận giông lốc mưa lớn; 49/63 tỉnh, thành phố bị thiên tai các loại; 15 trận lũ lớn gây sạt lở đất; 72 trận mưa lớn gây ngập úng lũ, có 79 trận động đất.
"Bây giờ, bà con vùng lũ lụt khổ lắm, nhà không có, không có gì ăn, mỳ tôm không có nước để nấu, phải ăn sống. Kế hoạch năm 2021 phải dành nguồn lực để khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là kỳ này đang bàn về phân bổ ngân sách Trung ương", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát lại tất cả các kịch bản biến đổi khí hậu xem có đúng như dự báo hay không để điều chỉnh. Bên cạnh đó, cần đánh giá những nguy cơ tổn thương do thiên tai gây ra để có chuẩn bị nguồn lực để ứng cứu. Phải lồng ghép nội dung phòng ngừa thiên tai, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch, chiến lược cho cả nhiệm kỳ tới.