Đánh giá đúng vai trò, vị trí của kinh tế tập thể

Hôm nay (14/10), Hội nghị Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể diễn ra tại Hà Nội. Theo TS. Phùng Quốc Chí, Phó cục trưởng Cục Phát triển hợp tác xã (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), khu vực hợp tác xã (HTX) đã có đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho nhiều người lao động.
TS. Phùng Quốc Chí, Phó cục trưởng Cục Phát triển hợp tác xã (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). TS. Phùng Quốc Chí, Phó cục trưởng Cục Phát triển hợp tác xã (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Thực tế sau 15 năm triển khai Nghị quyết 13-NQ/TW (Nghị quyết Trung ương 5, Khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, tỷ lệ đóng góp của HTX vào GDP sụt  giảm. Ông nghĩ sao về điều này?

Nếu như năm 2003, HTX đóng góp 7,49% vào GDP, thì đến năm 2012, khi ban hành Luật HTX năm 2012, chỉ còn đóng góp có 4% vào GDP, hiện tại cũng chỉ đóng góp 3,7-3,8%.

Tỷ lệ đóng góp vào GDP của khu vực kinh tế tập thể giảm vì hàng loạt đơn vị hoạt động không đúng bản chất, không đúng nguyên tắc, bị thua lỗ, giải thể, phá sản hoặc phải chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Số lượng HTX giảm, nên tỷ lệ đóng góp vào GDP cũng giảm. Hơn nữa, trong những năm qua, Nhà nước thực hiện hàng loạt cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển các khu vực kinh tế khác. Các khu vực kinh tế khác phát triển mạnh mẽ, nên tỷ trọng đóng góp vào GDP của kinh tế tập thể giảm xuống.

Tỷ trọng đóng góp vào GDP của kinh tế tập thể giảm không có nghĩa là đóng góp giảm xuống, mà số tuyệt đối vẫn tăng, vì quy mô nền kinh tế năm 2018 đạt 5.542.332 tỷ đồng, gấp khoảng 10,5 lần năm 2003. Trong khi doanh nghiệp tư nhân nhận được rất nhiều sự hỗ trợ, giúp đỡ, khuyến khích, tháo gỡ khó khăn, nhưng đóng góp vào GDP cũng chỉ có 9,1% (năm 2018), thì kinh tế tập thể đóng góp 3,74% (năm 2018) cũng là điều đáng ghi nhận.

Nhưng rõ ràng, kinh tế tập thể chưa đạt được mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết 13/NQ-TW là đưa kinh tế tập thể thoát khỏi yếu kém, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, tiến tới có tỷ trọng ngày càng lớn hơn trong GDP, thưa ông?

Nội dung này được làm rõ tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW tổ chức hôm nay (14/10). Về việc kinh tế tập thể không đạt được mục tiêu ngày càng đóng góp tỷ trọng lớn hơn vào GDP thì tôi đã giải thích ở trên. Còn mục tiêu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn đã đạt được.

Cụ thể, nếu như năm 2005, kinh tế hợp tác chỉ tạo ra 60.781 tỷ đồng, thì đến năm 2012 đạt 129.821 tỷ đồng, tăng gấp 2,14 lần sau 7 năm; năm 2018 đạt 207.505 tỷ đồng, tăng gấp hơn 3,4 lần sau 13 năm. Hiện cả nước có khoảng 22.860 HTX, tăng 8.500 đơn vị so với năm 2003, thu hút 6 triệu thành viên tham gia. Những con số này khẳng định, chúng ta đã đạt được tốc độ tăng trưởng cao.

So với năm 2013, doanh thu bình quân của một HTX năm 2018 gấp 5,2 lần, lợi nhuận gấp 2,25 lần, thu nhập của người lao động gấp 2,33 lần.

Đánh giá một cách khái quát, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW, khu vực HTX đang phục hồi và phát triển khá ổn định. Số lượng HTX tăng theo từng năm, phát triển khá đồng đều trên khắp các vùng miền, chất lượng hoạt động được nâng lên. Quy mô, vốn và các lĩnh vực hoạt động của HTX được mở rộng… Nếu đánh giá cụ thể hơn, sâu hơn thì đóng góp của HTX còn nhiều hơn nữa.

Ông có thể dẫn chứng khu vực kinh tế tập thể đóng góp nhiều hơn nữa vào phát triển kinh tế - xã hội?

Khu vực kinh tế cá thể, hộ gia đình đóng góp vào GDP 30%, năm 2018 tạo ra khoảng 1.620.400 tỷ đồng. Kinh tế hộ gia đình, cá thể đóng góp rất lớn vào GDP một phần là nhờ 6 triệu người tham gia HTX. HTX cung cấp đầu vào (giống cây trồng, vật nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thức ăn chăn nuôi, dịch vụ làm đất, gặt hái, bảo quản sau thu hoạch; tạo công ăn việc làm); khâu trung gian (chuyển giao, hướng dẫn, đào tạo, tư vấn kỹ thuật) và đầu ra là thu mua sản phẩm nông nghiệp cho hơn 6 triệu hộ gia đình, cá nhân là thành viên, nên thành viên giảm được chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, không sợ tư thương ép giá, nhờ đó, thu nhập được cải thiện, hiệu quả sản xuất được nâng lên, đóng góp tới 30% vào GDP. Nếu không có HTX, chắc chắn khu vực kinh tế cá thể, hộ gia không đạt được hiệu quả như vậy.

Ngoài HTX, kinh tế tập thể còn có tổ hợp tác. Hiện cả nước có khoảng 101.500 tổ hợp tác, thu hút 1.341.000 thành viên tham gia, tăng hơn 57% so với năm 2003, doanh thu tăng 75,7% so với năm 2003. Nhờ tổ hợp tác nên các thành viên tăng được thu nhập, có việc làm ổn định. Theo tính toán, kinh tế tập thể đóng góp trực tiếp vào GDP một đồng, thì gián tiếp đóng góp vào GDP 2 đồng qua kinh tế hộ gia đình, cá nhân. Như vậy, nếu tính đúng, tính đủ thì kinh tế tập thể đóng góp vào GDP 12%, gồm 4% đóng góp trực tiếp và 8% đóng góp gián tiếp. Tức là, đóng góp của kinh tế tập thể vào GDP còn cao hơn cả doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp tư nhân).

Tôi cũng muốn nói thêm rằng, tính toán trên là đánh giá định lượng mức độ đóng góp vào GDP, đóng góp của kinh tế tập thể vào sự phát triển kinh tế - xã hội lớn hơn rất nhiều.

Không cân đo, đong đếm, định lượng được mức độ đóng góp của kinh tế tập thể vào phát triển kinh tế - xã hội, nhưng thưa ông, ít ra cũng có thể khái quát được?

Khoảng 7,4 triệu hộ gia đình, cá nhân là thành viên của HTX, tổ hợp tác. Thành viên HTX, tổ hợp tác có thu nhập ổn định hơn, cao hơn so với những người không tham gia. Các HTX thu hút 1.215.000 lao động (báo cáo của 55/63 địa phương), Liên hiệp HTX thu hút hơn 25.200 lao động.

Nhờ kinh tế tập thể, hàng triệu lao động ở khu vực nông thôn không phải đổ ra các đô thị “bán sức lao động”, mà yên tâm làm việc ở chính quê hương mình. Nhờ được bảo đảm việc làm, thu nhập cho người dân, nên HTX đã đóng góp phần không nhỏ trong việc giữ gìn an ninh, trật tự ở địa phương...

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục