Sáng nay, Quốc hội khóa XV khai mạc Kỳ họp thứ bảy, dự kiến diễn ra trong hơn một tháng với 24 nội dung thuộc công tác lập pháp, 15 nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.
Như thường lệ, sau thủ tục khai mạc, lãnh đạo Chính phủ sẽ trình bày báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Đây là nội dung được các cơ quan của Quốc hội “soi” rất kỹ trong quá trình thẩm tra trước khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt lên bàn nghị sự trong phiên họp gần nhất với kỳ họp của Quốc hội.
Tại đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đánh giá tính đầy đủ, cân đối, hợp lý của báo cáo nói trên, xem đã đủ điều kiện để trình Quốc hội hay chưa.
Trong chương trình kỳ họp, chiếm nhiều thời gian thảo luận nhất cũng chính là tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (bao gồm cả phần bổ sung năm 2023 và những tháng đầu năm 2024). Bởi, có nhận diện đầy đủ, khách quan mọi mặt vấn đề kinh tế, xã hội nổi lên qua 2 kỳ họp, thì mới có thể đưa ra những quyết sách không chỉ trúng và đúng, mà còn phải kịp thời, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống.
Với dung lượng 56 trang chưa kể phụ lục, báo cáo của Chính phủ nêu 8 hạn chế, khó khăn và những nguyên nhân dẫn đến hạn chế đó, khi đánh giá bổ sung tình hình năm 2023. Với những tháng năm 2024, Chính phủ cũng nêu 5 hạn chế, khó khăn; nguyên nhân và bài học kinh nghiệm.
Đều ghi nhận và đánh giá cao các kết quả đã đạt được, như kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng, sản xuất - kinh doanh được thúc đẩy, các cân đối lớn cơ bản được đảm bảo, nhưng theo một số ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo vẫn cần bổ sung, điều chỉnh thêm cho sát hơn với tình hình, với quan điểm là không tô hồng, nhưng cũng không bôi đen.
Bởi, kinh tế rất khó khăn, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường nhiều hơn số trở lại và thành lập mới, nhưng trong phần báo cáo về năm 2023, có tới 16 trang nói về thành tựu, kết quả, nhưng mới có 4 trang nói về hạn chế, khó khăn. Như vậy là chưa thực sự phản ánh sát đúng tình hình thực tế.
Chưa kể, một số vấn đề đã và đang rất nóng giữa 2 kỳ họp của Quốc hội vẫn thiếu vắng trong báo cáo. Đó là sự “nhảy múa” của thị trường vàng, áp lực lạm phát, rồi một số quy định làm khó doanh nghiệp chậm được sửa đổi…
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nhấn mạnh khá nhiều vấn đề, trong đó có tình trạng đầu cơ bất động sản dẫn đến nguồn lực xã hội, nguồn lực của đất nước bị chôn vào thị trường bất động sản. Trong khi đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn khi nhà đầu tư chưa có đủ niềm tin; áp lực trả nợ trái phiếu đến hạn của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm bất động sản gia tăng càng gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Điểm lại những vấn đề mới, nóng, đang thách thức sự tăng trưởng như tỷ giá, giá vàng, thiếu điện, lạm phát… người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư (cơ quan tham mưu xây dựng báo cáo của Chính phủ) cho biết sẽ làm sâu sắc hơn những vấn đề này, đặc biệt là sẽ có những giải pháp cụ thể hơn.
Rất nhanh, lời hứa này phần nào đã được thực hiện tại báo cáo ngày 15/5 chính thức gửi Quốc hội. Tất nhiên, trong một báo cáo chung cũng không thể quá chi tiết mọi vấn đề mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã nêu. Nhưng qua các phiên thảo luận và chất vấn, câu trả lời về cả nguyên nhân lẫn trách nhiệm với những hạn chế, yếu kém sẽ rõ ràng hơn, đầy đủ hơn.
Và điều đó phụ thuộc rất nhiều vào trách nhiệm, kỹ năng của các vị đại diện cho dân ở cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.