Đánh giá báo cáo thường niên năm 2021

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cuộc Bình chọn Doanh nghiệp niêm yết với tiền thân là Cuộc Bình chọn Báo cáo thường niên được đổi tên đến năm nay là năm thứ tư, gồm các giải thưởng cho các doanh nghiệp niêm yết ở các hạng mục Báo cáo thường niên, Quản trị công ty và Báo cáo Phát triển bền vững.
Đánh giá báo cáo thường niên năm 2021

Ban tổ chức Giải Báo cáo thường niên năm 2021

Giải báo cáo thường niên năm 2021 đã đưa vào đánh giá 500 doanh nghiệp trong bộ chỉ số VNX-All share, bao gồm 313 doanh nghiệp niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) và 187 doanh nghiệp niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). So với năm 2020, số lượng doanh nghiệp được đánh giá tăng thêm 30%.

Báo cáo thường niên là cơ hội để các công ty có thể giới thiệu về hoạt động kinh doanh cho các nhà đầu tư một cách đầy đủ về các hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp trong quá khứ, hiện tại để giúp khách hàng, nhà cung cấp, nhà đầu tư và tất cả các bên có liên quan có thể đánh giá cũng như nắm được tình hình hoạt động của doanh nghiệp.

Tình hình khó khăn do dịch bệnh trực tiếp ảnh hưởng đến doanh nghiệp trong năm 2020 và 2021 ít nhiều ảnh hưởng đến công tác tổng hợp thông tin, đúc kết soạn thảo và công bố báo cáo thường niên. Tuy vậy, doanh nghiệp vẫn nỗ lực vượt qua các khó khăn để soạn thảo báo cáo thường niên, cung cấp thông tin hữu ích cho người đọc. Điểm số đánh giá báo cáo thường niên của doanh nghiệp đã có sự cải thiện trong năm 2021 với nhiều doanh nghiệp đạt mức điểm cao hơn so với năm 2020.

Điểm số năm 2021 đã có mức tăng khá so với năm 2020, điểm trung bình và trung vị đã cao hơn mức điểm năm 2019 - là năm chưa bị ảnh hưởng của dịch Covid. Có thể thấy, doanh nghiệp đã có sự thích ứng trong năm 2021 và cải thiện công tác soạn thảo báo cáo thường niên.

Đi đầu về điểm số ở cả nội dung lẫn hình thức vẫn là nhóm vốn hóa lớn với điểm trung bình chung và điểm trung bình các phần cao hơn hai nhóm còn lại. So sánh điểm số các nhóm doanh nghiệp có thể thấy, các doanh nghiệp tốt nhất ở ba nhóm vốn hoá đều đầu tư tốt cho phần hình thức và đạt điểm cao ngang nhau. Tuy vậy, ở phần nội dung thì doanh nghiệp nhóm vốn hoá lớn vẫn có sự đầu tư khá hơn các doanh nghiệp ở các nhóm quy mô trung bình và nhỏ.

Nhóm vốn hoá trung bình gồm 145 công ty đã có sự cải thiện điểm so với năm 2020 ở cả hình thức lẫn nội dung. Ở nhóm các doanh nghiệp Top 10 của nhóm vốn hoá trung bình, chúng tôi nhìn thấy không có sự khác biệt rõ ràng về chất lượng so với nhóm Top 10 doanh nghiệp nhóm vốn lớn. Các báo cáo của các doanh nghiệp vào Top 10 có sự nổi bật với nội dung rõ ràng, chi tiết, cụ thể và đa dạng, cho thấy các doanh nghiệp này đã đầu tư kỹ lưỡng cho báo cáo thường niên.

Các báo cáo được trình bày bắt mắt với nhiều slogan mới lạ cho thấy sự làm việc hết sức nghiêm túc và có trách nhiệm của nhóm cán bộ phụ trách soạn thảo các báo cáo. Những nỗ lực này thật sự đáng trân trọng mặc dù trong điều kiện khó khăn của dịch bệnh. Ban tổ chức hy vọng, việc có được sự vinh danh trong Giải báo cáo thường niên sẽ là một sự ghi nhận cho những nỗ lực cố gắng của doanh nghiệp để tạo ra những báo cáo có chất lượng thông tin như vậy đến với cổ đông, nhà đầu tư.

Nhóm vốn hóa nhỏ có số lượng doanh nghiệp nhiều nhất, với 306 công ty, nhưng chất lượng báo cáo vẫn còn yếu với điểm trung bình và trung vị đều còn thấp, dưới mức trung bình, cho thấy doanh nghiệp ở nhóm này chưa đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của báo cáo thường niên.

Tuy điểm trung bình của nhóm vốn hóa nhỏ không cao, nhưng những gương mặt đoạt giải trong Top 5 Báo cáo thường niên nhóm vốn hóa nhỏ thực sự là những báo cáo xứng đáng được vinh danh. Kết quả trao giải năm nay cũng xuất hiện gương mặt mới trong giải thưởng ở nhóm vốn hóa nhỏ cho thấy Cuộc Bình chọn thật sự đã tác động đến nhận thức của doanh nghiệp trong việc lập báo cáo để ngày càng có nhiều báo cáo chất lượng cung cấp thông tin quan trọng cho cổ đông, nhà đầu tư.

Ban Tổ chức hy vọng rằng, những giải thưởng ghi nhận nỗ lực của doanh nghiệp trong việc soạn thảo các báo cáo ngày càng có chất lượng ở cả 3 nhóm vốn hóa sẽ góp phần tạo ra sự thay đổi nhận thức được lan tỏa đến mọi đối tượng doanh nghiệp niêm yết, đặc biệt có tác động nhiều hơn nữa đối với doanh nghiệp nhóm vốn hóa nhỏ hiện còn có cách biệt khá xa so với hai nhóm vốn hoá còn lại.

Cải thiện soạn thảo báo cáo thường niên được nhìn thấy về cả hình thức lẫn nội dung. Về khía cạnh hình thức, trong môi trường kinh doanh cạnh tranh hiện nay, việc tập trung xây dựng hình ảnh doanh nghiệp trở nên ngày càng quan trọng. Báo cáo thường niên là bộ mặt của doanh nghiệp trong truyền thông đến tất cả các bên liên quan. Tổng thể về hình thức, phần lớn các doanh nghiệp niêm yết trình bày rất chi tiết, công phu đầu tư cho hình ảnh và cực kỳ nghiêm túc trong cung cấp thông tin minh hoạ. Tuy vậy, không ít doanh nghiệp vẫn chưa chú trọng việc đầu tư cho hình ảnh và xây dựng slogan, cũng như tinh thần xuyên suốt của báo cáo thường niên vẫn còn chưa được doanh nghiệp chú trọng. Còn khá nhiều doanh nghiệp chỉ đáp ứng các yêu cầu thông tin theo quy định của cơ quan quản lý, hơn là dùng báo cáo thường niên như công cụ truyền thông đến thị trường.

Về các nội dung, bao gồm nội dung về hoạt động kinh doanh và tài chính, nội dung về quản trị công ty, nội dung về báo cáo liên quan đến môi trường và xã hội, trong đó cải thiện nội dung báo cáo Hoạt động kinh doanh và tài chính là khá lớn với điểm số tăng lên nhiều so với năm đánh giá 2020. So với năm 2020, đã có nhiều doanh nghiệp hơn công bố đầy đủ thông tin về công ty, ban lãnh đạo, cơ cấu cổ đông, kết quả kinh doanh trong năm, các chỉ tiêu tài chính, kế hoạch và định hướng kinh doanh, thông tin về quản trị công ty… Đây là những cải thiện thông tin cơ bản đối với một báo cáo thường niên.

Ngoài những nội dung cơ bản, đa số doanh nghiệp vẫn còn chưa đáp ứng mức độ chi tiết của việc phân tích thông tin. Mặc dù chúng tôi nhìn thấy rằng, một số doanh nghiệp đã có các nội dung phân tích hoạt động kinh doanh và tài chính chi tiết, chứa đựng nhiều thông tin bổ ích cho cổ đông, với những nội dung phân tích khá cụ thể về ảnh hưởng từ những biến động của thị trường đến kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy vậy, còn nhiều doanh nghiệp vẫn còn trình bày chưa chi tiết, chỉ trình bày vài chỉ số với thông tin được đưa ra rất hạn chế về năng lực tài chính của doanh nghiệp trong năm 2020.

Phân tích chỉ số tài chính là một phần nội dung rất quan trọng, giúp người đọc có thể đánh giá được tình hình hoạt đồng, nhìn ra được xu hướng phát triển cũng như tình hình sức khỏe tài chính của doanh nghiệp, doanh nghiệp cần chú ý thực hiện tốt các phân tích này.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp lại không thực hiện báo cáo các khoản đầu tư tài chính và đầu tư dự án lớn và cũng không trình bày cụ thể tình hình, tiến độ thực hiện, nguyên nhân vì sao chưa thực hiện được theo kế hoạch.

Bên cạnh các công ty soạn thảo tỉ mỉ về báo cáo thường niên, thì cũng có đa số các công ty làm rất sơ sài, kế hoạch sản xuất kinh doanh trong năm chỉ được trình bày qua các số liệu về tài chính nhưng lại thiếu sự phân tích sâu cũng như đánh giá tình hình thực hiện. Các doanh nghiệp thường chỉ đề cập đến các sự kiện xảy ra có ảnh hưởng thuận lợi đến hoạt động của công ty và bỏ qua những diễn biến ảnh hưởng không tốt cùng việc phân tích về những ảnh hưởng đó. Đồng thời các doanh nghiệp cũng chưa đưa ra được các kế hoạch trung và dài hạn mà chỉ dừng lại ở các kế hoạch ngắn hạn.

Về các nội dung liên quan đến trách nhiệm doanh nghiệp với môi trường và xã hội, năm 2021 đã ghi nhận sự tăng điểm về các nội dung này, với mức điểm đạt được là 11,59 so với 9,46 năm 2020. Tuy nhiên, so với mức điểm tối đa của nội dung này là 30 điểm, có thể nói doanh nghiệp vẫn cần cải thiện hơn công bố thông tin về các hoạt động trách nhiệm xã hội và môi trường. Cụ thể, có đến 25% doanh nghiệp chưa công bố các mục tiêu phát triển bền vững và chương trình chính liên quan đến ngắn hạn và trung hạn của Công ty, 42% doanh nghiệp công bố còn sơ sài, chỉ 33% là công bố chi tiết, cụ thể với diễn giải chi tiết. Năm 2021 lần đầu tiên Ban tổ chức giải đưa vào hai nội dung đánh giá, liên quan đến việc công ty có công bố thông tin về tổng lượng phát thải khí nhà kính trực tiếp và gián tiếp hay không, và liệu công ty có nêu các biện pháp, giải pháp để giảm thiểu phát thải khí nhà kính hay không. Đây là hai tiêu chí mới đem lại điểm thưởng cho doanh nghiệp, bên cạnh các tiêu chí đánh giá công bố thông tin nước thải và rác thải.

Kết quả đánh giá cho thấy, có 5,4% doanh nghiệp công bố tổng lượng phát thải khí nhà kính trực tiếp và gián tiếp, cùng 12,8% doanh nghiệp công bố các biện pháp và giải pháp để giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Đây là một trong những thông lệ tốt doanh nghiệp cần áp dụng để bắt kịp xu hướng kinh doanh bền vững của doanh nghiệp trên thế giới, đặc biệt khi mà các vấn đề kinh doanh gây tác hại môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng. Các nội dung về chính sách cho người lao động, các mức lương thưởng thù lao, chính sách lao động được doanh nghiệp chú trọng trình bày chi tiết. Các chính sách và hoạt động đối với với cộng đồng địa phương cũng được trình bày cụ thể chi tiết trong các báo cáo thường niên.

Nhìn chung, sự cải thiện qua từng năm được thấy rõ ràng qua việc báo cáo thường niên ngày càng đáp ứng tốt hơn các quy định công bố thông tin với mức độ chuyên nghiệp của báo cáo thường niên cũng ngày càng tăng lên. Đầu tư cho báo cáo thường niên - kênh thông tin quan trọng cho khách hàng, nhà cung cấp, nhà đầu tư và tất cả các bên liên quan khác, là công việc quan trọng đặc biệt mà doanh nghiệp ngày càng cần phải đáp ứng tốt hơn, để có thể bắt kịp các thông lệ công bố thông tin, truyền thông về doanh nghiệp, giúp cung cấp bức tranh toàn cảnh cho các nhà đầu tư về công ty trong quá khứ, hiện tại và tương lai.


Đặc san Doanh nghiệp niêm yết 2021

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục