Đằng sau quyết định mua lại cổ phiếu của SSC là gì?

(ĐTCK) Giá cổ phiếu SSC của Công ty cổ phần Giống cây trồng Miền Nam đang ở mức cao kỷ lục, gấp hơn 2 lần giá trị sổ sách mỗi cổ phiếu và thanh khoản ở mức thấp. Vậy nhưng, SSC quyết định sẽ chi gần 54% vốn chủ sở hữu để mua lại gần 10% số cổ phần hiện có để làm cổ phiếu quỹ.
Vì sao không thể chia cổ tức, nhưng SSC lại sẵn sàng chi lượng tiền lớn để mua lại cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ? Vì sao không thể chia cổ tức, nhưng SSC lại sẵn sàng chi lượng tiền lớn để mua lại cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ?

Ngày 16/10/2017, website của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) công bố thông tin về công bố giao dịch mua cổ phiếu quỹ của SSC, việc mua này được thực hiện theo công bố thông tin ký ngày 13/10/2017.

Theo đó, SSC sẽ thực hiện mua tối đa 1,47 triệu cổ phiếu, tương đương 9,8% số cổ phần của SSC. Mục đích của việc mua lại là “giữ giá trị cổ phiếu của SSC trên thị trường chứng khoán và gia tăng số lượng cổ phiếu quỹ đang nắm giữ”.

Tổng vốn SSC dự kiến dùng để mua lại cổ phiếu là hơn 197,5 tỷ đồng, với nguồn tài trợ là quỹ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối phối, thặng dư vốn cổ phần và quỹ đầu tư phát triển. Thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 24 - 31/10/2017 (6 phiên giao dịch), bằng phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận.

Khó khả thi từ yếu tố thị trường

Dữ liệu giao dịch của Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt cho thấy, trong 1 tháng qua, cổ phiếu SSC có khối lượng giao dịch trung bình phiên là 1.026 đơn vị. Tính trung bình 1 năm gần nhất, thanh khoản của cổ phiếu SSC ở mức 4.050 đơn vị/phiên.

Như vậy, nếu nhìn thuần yếu tố thị trường, việc SC dự kiến mua vào 1,47 triệu cổ phiếu trong 6 phiên giao dịch là không khả thi, trừ khi SSC có sẵn đối tác để mua vào.

Theo quy định hiện hành về việc doanh nghiệp mua cổ phiếu để làm cổ phiếu quỹ, mỗi phiên sẽ chỉ được giao dịch theo hình thức khớp lệnh trong khoảng 3 - 10% tổng khối lượng đăng ký mua. Như vậy, với 6 phiên giao dịch dự kiến mua vào trong khoảng thời gian từ ngày 24 - 31/10/2017, nếu muốn mua toàn bộ lượng cổ phiếu đăng ký, SSC có lẽ đã lên phương án giao dịch thỏa thuận, vì nếu không, Công ty sẽ chỉ mua được tối đa 60% lượng cổ phần đăng ký.

Trong khi đó, ở góc độ động lực giữ giá, giá cổ phiếu SSC đang ở mức cao kỷ lục. 1 năm trước, ngày 17/10/2016, giá cổ phiếu SSC là 44.700 đồng/cổ phiếu, trong khi kết thúc phiên giao dịch ngày 16/10/2017, cổ phiếu này có giá 64.400 đồng/cổ phiếu. Nếu dùng hết nguồn vốn dự kiến để mua (197,5 tỷ đồng), thì giá mua cổ phiếu của SSC để làm cổ phiếu quỹ trung bình hơn 134.300 đồng/cổ phiếu, gấp hơn 2 lần mức giá thị trường hiện nay.

Như vậy, ở góc độ thị trường, phương án mua cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ của SSC là kém khả thi.

... Và bất thường ở yếu tố tài chính

Ở góc độ tài chính doanh nghiệp, câu chuyện của SSC còn đáng lưu tâm hơn.

Báo cáo tài chính hợp nhất của SSC cho thấy, tại thời điểm 30/6/2017, SSC có vốn chủ sở hữu thuộc cổ đông công ty mẹ là 365,6 tỷ đồng trên vốn điều lệ 149,9 tỷ đồng. Công ty hiện có 61.412 cổ phiếu quỹ. Như vậy, giá trị sổ sách mỗi cổ phiếu SSC tại thời điểm 30/6/2017 là 25.376 đồng.

Với quyết định mua cổ phiếu quỹ trên, SSC có thể sử dụng tới 54% vốn chủ sở hữu hiện hành để mua vào gần 10% vốn cổ phần. Nếu mua vào với mức giá như hiện nay (khoảng 65.000 đồng/cổ phiếu), thì số tiền SSC bỏ ra là hơn 95 tỷ đồng.

Trong khi đó, báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2016 của SSC cho thấy, tại ngày 31/12/2010, tổng tài sản của SSC là 397,6 tỷ đồng. Tổng giá trị mua cổ phiếu quỹ của SSC sẽ dao động từ mức 24% tổng tài sản đến mức 49,68% tổng tài sản tại báo cáo tài chính gần nhất.

Khoản 2, Điều 162, Luật Doanh nghiệp quy định, Hội đồng quản trị chấp thuận các hợp đồng và giao dịch có giá trị nhỏ hơn 35% tổng giá trị tài sản doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính gần nhất hoặc hoặc một tỷ lệ nhỏ hơn. Với các trường hợp còn lại, Khoản 3 Điều này quy định, phải được Đại hội đồng cổ đông thông qua. Vậy nhưng, Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 của SSC không có nội dung ủy quyền cho Hội đồng quản trị thực hiện các giao dịch có giá trị từ 35% tổng tài sản trở lên.

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017, bà Trần Kim Liên, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị SSC cho biết, “kết quả kinh doanh năm 2016 và các năm qua chưa phản ánh đúng thực chất, vì vậy mặc dù Công ty vẫn có lợi nhuận (lãi) nhưng phải xử lý các vấn đề tồn đọng nên Hội đồng quản trị trình cổ đông không chi trả cổ tức cho năm 2016 này”.

Vì sao không thể chia cổ tức, nhưng SSC lại sẵn sàng chi lượng tiền lớn hơn rất nhiều để mua lại cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ? SSC sẽ thực hiện mua vào cổ phiếu như thế nào và sử dụng đến đâu trong tổng nguồn vốn dự kiến mua, mua từ ai, hình thức mua như thế nào để đảm bảo cân bằng lợi ích cho cổ đông cũng như doanh nghiệp?

Nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi, mục đích thực sự đằng sau quyết định mua lại cổ phiếu quỹ của SSC là gì?

Bùi Sưởng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục