Đằng sau khoản lợi “khủng” từ những thương vụ mua bán dự án tai tiếng - Bài 5: Mua, “phá” để “lấy” vô cùng nguy hại

Trong các thương vụ mua bán dự án, đặc biệt là dự án bất động sản, bộ ba kẻ bán - đơn vị định giá - ngân hàng cùng “thổi giá” lên, mọi chi phí tất nhiên sẽ được tính vào giá thành và người phải “gánh” cuối cùng chính là “thượng đế”.
Dự án Khu công viên Mũi Đèn Đỏ nằm ở vị trí đắc địa nơi ngã ba sông Sài Gòn (TP.HCM), bị bỏ hoang nhiều năm.

Bài 5: Mua, “phá” để “lấy” vô cùng nguy hại

Trong các thương vụ mua bán dự án, đặc biệt là dự án bất động sản, bộ ba kẻ bán - đơn vị định giá - ngân hàng cùng “thổi giá” lên, mọi chi phí tất nhiên sẽ được tính vào giá thành và người phải “gánh” cuối cùng chính là “thượng đế”. Nhiều dự án treo ngược vì chỉ “lướt sóng” đã gây lãng phí tài nguyên lớn. Mà lãng phí là “phá”, thậm chí “phá” để “lấy” với những hậu quả tai hại hơn nhiều lần.

“Tham nhũng như hạt ngô, lãng phí như bắp ngô”

TS. Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) ví, tham nhũng là “hạt ngô”, lãng phí như “bắp ngô”. Bởi nếu như tham nhũng là “lấy”, thì lãng phí là “phá”, thậm chí “phá” để “lấy” với những hậu quả tai hại hơn nhiều lần.

Ông chỉ ra, lãng phí chính từ những dự án treo, những khu “đất vàng”, “đất bạc” bị bỏ hoang hàng chục năm, bởi tiền bạc, của cải, ngân sách của nhà nước, tài nguyên thiên nhiên… bị sử dụng một cách vô tội vạ; lãng phí đến từ sự vô trách nhiệm của không ít cán bộ, công chức nhà nước trong quá trình quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công.

Lật lại tận gốc thương vụ mua bán Dự án Đại Ninh (Lâm Đồng), có thể thấy rõ thực trạng nói trên.

“Siêu dự án” Đại Ninh được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Sài Gòn Đại Ninh vào cuối năm 2010, với diện tích đất gần 3.600 ha, trên địa bàn 4 xã của huyện Đức Trọng. Trong khi, doanh nghiệp này mới thành lập trước đó khoảng… 11 tháng, với vốn điều lệ 300 tỷ đồng.

Theo quyết định phê duyệt, Dự án Đại Ninh có 6 phân khu chức năng được triển khai xây dựng, tiến độ thực hiện từ năm 2010 đến năm 2018, dự kiến khi hoàn thành có quy mô dân số lưu trú thường xuyên khoảng 19.700 người. Dự án này bao quanh hồ Đại Ninh, được ví như “vịnh Hạ Long” của Lâm Đồng.

10 năm sau, khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc, thì phát hiện, chủ đầu tư Dự án Đại Ninh không đủ năng lực. Dự án chỉ mới thực hiện được khoảng 10% hạng mục công trình, bao gồm: 15 nhà làm việc và nghỉ dưỡng của chuyên gia, 1 hội trường, 6 trạm dừng chân, khoảng 20 km đường nội bộ và trồng hơn 10 ha rừng trên diện tích lấn chiếm đã được giải tỏa.

Trong khi đó, theo Kết luận thanh tra ban đầu của Thanh tra Chính phủ (chưa bị sửa đổi gây nên đại án), thì Dự án Đại Ninh chậm tiến độ, để xảy ra mất 257 ha rừng và để lấn chiếm 111 ha đất rừng.

Đến khi Dự án Đại Ninh được bán cho Nguyễn Cao Trí, thì Nguyễn Cao Trí cũng không tiếp tục triển khai, mà… bán cho Trương Mỹ Lan.

Kết cục, chỉ có kẻ bán, người mua được lợi, còn Dự án Đại Ninh sau gần 14 năm được cấp chứng nhận đầu tư, qua tay 3 “đại gia”, giờ này vẫn “đứng hình”, các công trình đang dần xuống cấp. Đó chính là sự lãng phí tài nguyên, lãng phí cơ hội đầu tư, lãng phí giá trị sử dụng. Sự lãng phí này còn đến từ sự quản lý vô trách nhiệm của cơ quan công quyền.

“Phá” để “lấy”

Nếu như tham nhũng là “lấy”, thì lãng phí là “phá”

TS. Đinh Văn Minh, Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ)

Những vụ việc tham ô, nhận hối lộ “triệu đô” trong các vụ án lớn được xử lý cho thấy, tham nhũng đã khủng khiếp và tệ hại đến mức nào cho nhân dân và đất nước. Nhưng tham nhũng vẫn chỉ là “hạt ngô”, lãng phí như “bắp ngô”. Bởi nếu như tham nhũng là “lấy”, thì lãng phí là “phá”, thậm chí “phá” để “lấy” với những hậu quả tai hại hơn nhiều lần.

Để thấy rõ điều này, hãy nhìn sâu vào thương vụ Trương Mỹ Lan mua Công ty cổ phần Lavifood (Lavifood) từ ông Lê Thành.

Lavifood thành lập năm 2014, bắt đầu là Nhà máy Lavifood (tại Khu công nghiệp Phú An Thạnh, xã An Thạnh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An), được quảng bá là sản xuất, chế biến trên 80 sản phẩm đông lạnh từ các loại rau, củ, quả và xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Mỹ, Canada, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Pháp…

Năm 2017, trên cơ sở phát triển thị trường, Lavifood tiếp tục xây dựng thêm một nhà máy sơ chế thanh long trái tươi để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Tháng 1/2019, Lavifood chính thức đưa vào hoạt động nhà máy Tanifood tại huyện Gò Dầu (tỉnh Tây Ninh). Nhà máy này được xây dựng trên khu đất có diện tích gần 15 ha, tổng vốn đầu tư lên đến 1.780 tỷ đồng, công suất 150.000 tấn nguyên liệu/năm. Tanifood là nhà máy đầu tiên ở Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế về xây dựng công trình tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường sống của con người (LEED Silver), cũng là nhà máy đầu tiên ở Việt Nam áp dụng công nghệ 4.0 trong quản lý, vận hành.

Sau nhiều lần thay đổi, đến tháng 1/2021, “đại gia” Lê Thành mới xuất hiện và là Chủ tịch HĐQT Lavifood.

Nhưng hơn 1 tháng sau, cuối tháng 2/2021, người giữ chức Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Lavifood thay ông Lê Thành là Nguyễn Phi Long - người của Vạn Thịnh Phát.

Kết luận điều tra đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn I của Cơ quan cảnh sát điều tra thể hiện, năm 2021, Trương Mỹ lan mua lại Lavifood từ ông Lê Thành và giao Trương Huệ Vân quản lý, điều hành thông qua Nguyễn Phi Long, Tổng giám đốc (được cho đứng tên sở hữu 31% cổ phần) và Đặng Quang Nguyên, Phó tổng giám đốc.

Sau đó, theo chỉ đạo của Trương Huệ Vân, Nguyễn Phi Long đã chỉ đạo Đặng Quang Nguyên thành lập, quản lý 26 công ty “ma” để chuyển thủ tục sang Ngân hàng SCB lập hồ sơ vay vốn khống; chỉ đạo Lê Văn Nhân, nhân viên Công ty Lavifood thành lập 26 công ty khác để Long sử dụng lập hồ sơ khống vay tiền tại SCB, rút tiền để Trương Mỹ Lan, Trương Huệ Vân sử dụng.

Như vậy, mục đích ban đầu của công ty, các nhà máy đã bị “tan tành” trong thương vụ mua bán trên. Đối chiếu với nội dung phân tích của TS. Đinh Văn Minh, đó chính là loại lãng phí “phá” để “lấy” với những hậu quả tai hại hơn nhiều lần.

Đẩy giá bất động sản lên mức “khủng”

Mới đây, trong Báo cáo về nhà ở và thị trường bất động sản quý III/2024, Bộ Xây dựng cho rằng, giá bất động sản tại một số địa phương vẫn còn tăng, đặc biệt là ở Hà Nội, TP.HCM. Giá bất động sản tăng do các nguyên nhân tác động như: biến động tăng đối với chi phí liên quan đến đất đai gần đây cũng như tác động khi áp dụng phương pháp tính và bảng giá đất mới; nhiều nhà đầu tư trả giá đất cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, rồi “bỏ cọc” nhằm mục đích thiết lập mặt bằng giá ảo để kiếm lời; chiêu trò tạo giá “ảo”, “thổi giá” của giới đầu cơ và các cá nhân hành nghề môi giới bất động sản; thiếu nguồn cung bất động sản, nhà ở để đáp ứng nhu cầu của đại bộ phận người dân; biến động của nền kinh tế liên quan đến thị trường chứng khoán, trái phiếu, vàng...

Theo góc nhìn của chúng tôi, các nguyên nhân được liệt kê ở trên vẫn chưa đủ. Có thể minh chứng từ các thương vụ mua bán dự án để thế chấp “rút ruột” SCB của Trương Mỹ Lan.

Đơn cử, Trương Mỹ Lan mua tổ hợp Dự án Khu công nghiệp đô thị Việt Phát ở Long An có diện tích hơn 1.800 ha (trong đó Khu đô thị có diện tích gần 626 ha) chỉ với giá 1.700 tỷ đồng từ ông Lâm Trúc Nhỏ. “Tay chân” của bà Lan tại Công ty Tân Thành Long An đã phối hợp với SCB (cũng dưới sự điều khiển của bà Lan) định giá hơn 177 ha đất đô thị tại dự án này lên tới 12.000 tỷ đồng để thế chấp đảm bảo cho Công ty Vạn Trường Phát phát hành trái phiếu, thu về 10.000 tỷ đồng.

Sau đó, bà Lan bán toàn bộ Dự án Khu công nghiệp đô thị Việt Phát (hơn 1.800 ha) cho Tập đoàn X (xin không nêu tên) với giá 30.000 tỷ đồng kèm theo điều kiện bên mua phải chịu trách nhiệm gần 20.000 tỷ đồng của 3 gói trái phiếu, gồm Tân Thành Long An, Vạn Trường Phát (tổng trị giá 15.000 tỷ đồng) và gói Bông Sen (4.800 tỷ đồng) cùng nghĩa vụ tồn đọng khác của Công ty.

Trong khi đó, ngày 23/6/2023, UBND tỉnh Long An đã ra Quyết định số 5497/QĐ-UBND thu hồi 2 khu đất tổng cộng hơn 1.300 ha tại dự án trên.

Như vậy, nếu sau đó được cơ quan chức năng xác minh làm rõ và cho phép triển khai, chủ đầu tư mới của Dự án sẽ buộc phải đưa tất cả chi phí trên vào giá thành sản phẩm.

Tương tự, tại đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn I, có nhiều công ty thẩm định giá đã giúp Trương Mỹ Lan thổi giá hàng loạt dự án lên mức “khủng”. Điển hình, Dự án Khu công viên Mũi Đèn Đỏ và Dự án tại số 100 - Hùng Vương (phường 9, quận 5, TP.HCM) được Công ty Hoàng Quân (cơ quan chức năng lấy làm cơ sở cáo buộc tội danh của Trương Mỹ Lan) định giá chỉ hơn 17.000 tỷ đồng.

Nhưng trước đó, đơn vị thẩm định giá đã giúp Trương Mỹ Lan nâng giá dự án này lên hơn 151.000 tỷ đồng để thế chấp “rút ruột” SCB.

Sau khi được cơ quan chức năng xử lý, tất cả chi phí rủi ro và mức giá trên đương nhiên sẽ được đưa vào giá thành dự án để bán ra, nếu dự án tiếp tục được triển khai. Như vậy, đương nhiên giá bất động sản sẽ vọt lên, khiến nhà đầu tư “bất động”, hoặc khiến người cần mua nhà “sạch ví”.

Làm giảm uy tín của tổ chức Đảng và chính quyền địa phương

Liên quan sai phạm tại vụ án đưa hối lộ, nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Dự án Khu đô thị Đại Ninh, tỉnh Lâm Đồng và các địa phương, đơn vị có liên quan, tại Kỳ họp thứ 45, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, những vi phạm đã gây hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục, nguy cơ thất thoát rất lớn tiền, tài sản của Nhà nước, gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức Đảng và chính quyền địa phương.

Hàng loạt cá nhân, tổ chức bị xem xét xử lý như Đảng đoàn HĐND tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2021 - 2026; Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021; Ban Thường vụ Đảng ủy Văn phòng Chính phủ nhiệm kỳ 2020 - 2025; ông Lê Minh Khái, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ, nguyên Bí thư Ban Cán sự Đảng, Tổng thanh tra Chính phủ và một số tổ chức Đảng, đảng viên khác.

Ngô Nguyên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục