Đằng sau khoản lợi “khủng” từ những thương vụ mua bán dự án tai tiếng - Bài 4: “Phù thủy” tài chính biến không thành có

Để đủ điều kiện thâu tóm dự án, doanh nghiệp thường dùng chiêu “kinh điển” là bắt tay nhau chạy dòng tiền khống, tăng vốn ảo.
Cảnh hoang tàn tại Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh.

Bài 4: “Phù thủy” tài chính biến không thành có

Để đủ điều kiện thâu tóm dự án, doanh nghiệp thường dùng chiêu “kinh điển” là bắt tay nhau chạy dòng tiền khống, tăng vốn ảo. Có doanh nghiệp tuy năng lực yếu kém, nhưng vẫn “thu xếp” để được làm dự án và khi được duyệt chủ trương thì lập tức “lướt sóng”. Qua đó cho thấy, có quá nhiều khe hở pháp lý.

Chạy dòng tiền khống, tăng vốn ảo

Đây chính là sự lỏng lẻo pháp lý trong kiểm soát ở rất nhiều đại án kinh tế khu vực kinh tế tư nhân. Điển hình mới nhất là đại án liên quan Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (Dự án Đại Ninh) do Công ty cổ phần Đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh (Công ty Sài Gòn Đại Ninh) làm chủ đầu tư.

Như đã đề cập ở bài 1, Công ty Sài Gòn Đại Ninh ban đầu do bà Phan Thị Hoa giữ chức Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc. Ngày 12/6/2020, Thanh tra Chính phủ ban hành Kết luận thanh tra số 929, kiến nghị thu hồi đất, chấm dứt hoạt động đầu tư Dự án Đại Ninh.

Biết rõ như vậy, nhưng nhận được cam kết giúp đỡ của quan tham, nên Nguyễn Cao Trí tự tin ký thỏa thuận đặt cọc, sau đó ký hợp đồng với bà Hoa (vào ngày 2/12/2020) mua 100% cổ phần Công ty Sài Gòn Đại Ninh với giá 5.000 tỷ đồng để sở hữu Dự án Đại Ninh.

Dù có quan tham chỉ lối, thì vẫn phải chứng minh năng lực tài chính của doanh nghiệp. Thế nên, Nguyễn Cao Trí và bà Hoa thống nhất tăng vốn điều lệ “ảo” cho Công ty Lavender của bà Hoa, từ 800 tỷ đồng lên 1.530 tỷ đồng. Cách thức cụ thể là, Nguyễn Cao Trí sử dụng 360 tỷ đồng huy động được từ Tập đoàn Bến Thành (do Nguyễn Cao Trí làm Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc), rồi quay vòng 5 lần rút - nộp liên tục cùng ngày 22/12/2020 qua tài khoản của bà Hoa và tài khoản của Công ty Lavender tại Sacombank.

Mục đích của hành vi rút - nộp tiền này là tạo doanh số chuyển tiền 1.530 tỷ đồng (thực chất chỉ có 360 tỷ đồng tiền thật xoay vòng), để hợp thức hóa việc bà Hoa góp 100% vốn. Ngày 23/12/2020, Công ty Lavender thay đổi đăng ký kinh doanh, tăng vốn điều lệ lên 1.530 tỷ đồng và thay đổi người đại diện pháp luật từ bà Hoa sang Nguyễn Cao Đức (em ruột của Nguyễn Cao Trí).

Sau đó, ông Trí và bà Hoa thống nhất tạo dựng Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 20/02-HĐCNCP, lấy lùi ngày ký là 20/2/2020 (thực tế ký ngày 2/12/2020), về việc chuyển nhượng 51% cổ phần Công ty Sài Gòn Đại Ninh đứng tên bà Hoa sang cho Công ty Lavender với giá 1.530 tỷ đồng (100% vốn điều lệ Công ty Lavender).

Tới ngày 18/12/2020, ông Trí và bà Hoa lại ký tiếp hợp đồng bán 51% cổ phần của Công ty Sài Gòn Đại Ninh từ Công ty Lavender cho Công ty TNHH Capella Hospitality (công ty của Trí) với giá 1.530 tỷ đồng.

Ngày 28/12/2020, ông Trí và bà Hoa thống nhất sử dụng 360 tỷ đồng từ nguồn tiền của ông Trí chạy dòng tiền thể hiện Công ty TNHH Capella Hospitality thanh toán 645 tỷ đồng cho bà Hoa nhằm chứng minh vốn tự có, để công ty này vay vốn của Sacombank thanh toán tiếp cho bà Hoa số tiền 1.530 tỷ đồng, mục đích là để hợp thức cho việc sở hữu 100% Công ty Lavender và nắm giữ 51% cổ phần Công ty Sài Gòn Đại Ninh.

Ngày 28/12/2020 và 5/2/2021, từ nguồn vốn giải ngân của Sacombank, Nguyễn Cao Trí thanh toán được thêm cho bà Hoa hơn 865 tỷ đồng.

Từ đây, người đại diện pháp luật Công ty Sài Gòn Đại Ninh từ Phan Thị Hoa được thay đổi sang Nguyễn Cao Trí để Trí “chính danh” lo các thủ tục cho Dự án Đại Ninh được giãn tiến độ, không bị thu hồi.

Như vậy, từ ngày 2/10/2020 đến 5/2/2021, bà Hoa được Nguyễn Cao Trí thanh toán tổng số 985,28 tỷ đồng (gồm 119,83 tỷ đồng đặt cọc tiền mặt và 865,45 tỷ đồng vay vốn của Sacombank) mua 100% vốn điều lệ Công ty Lavender để sở hữu 51% cổ phần Công ty Sài Gòn Đại Ninh.

Mặc dù mới thanh toán 985,28 tỷ đồng, nhưng bà Hoa và Trí thống nhất đã thanh toán đủ 1.000 tỷ đồng.

Tháng 5/2022, Nguyễn Cao Trí lấy pháp nhân Công ty Lavender ký thỏa thuận bảo mật thông tin về việc chuyển nhượng Dự án Đại Ninh. Tới ngày 12/8/2022, Công ty Lavender chính thức ký Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần (100% vốn điều lệ) của Công ty Sài Gòn Đại Ninh cho Công ty Thiên Vương với giá 27.600 tỷ đồng.

Khi Công ty Thiên Vương thanh toán bước đầu 2.700 tỷ đồng, Trí lấy từ số tiền này để trả bà Hoa 680 tỷ đồng (trả nốt tiền mua 7% cổ phần Công ty Sài Gòn Đại Ninh của bà Hoa).

Lỗ hổng kiểm toán

Kiểm toán có vai trò rất quan trọng khi bảo vệ lợi ích nhà đầu tư, ngân hàng, cổ đông và các bên liên quan khác. Nhưng qua nhiều vụ án kinh tế và điển hình là tại Dự án Đại Ninh, có thể thấy, thực trạng quản lý hoạt động kiểm toán đang có vấn đề lớn.

Cụ thể, theo hướng dẫn của ông Trần Văn Minh (nguyên Phó tổng Thanh tra Chính phủ) và Lê Quốc Khanh (Tổ trưởng Tổ công tác Thanh tra Chính phủ), thì Công ty Sài Gòn Đại Ninh cần chứng minh có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng và số dư tiền mặt trên 1.800 tỷ đồng, mới có thể làm căn cứ cho gia hạn Dự án Đại Ninh.

Nguyễn Cao Trí bèn ký hợp đồng thuê Công ty TNHH Kiểm toán DFK Việt Nam (Công ty DFK) với phí 50 triệu đồng để xác nhận báo cáo kiểm toán giá trị vốn điều lệ Công ty Sài Gòn Đại Ninh là 2.000 tỷ đồng.

Ngày 22/3/2021, ông Phạm Đức Thắng, Phó giám đốc Công ty DFK và Trần Mai Hải Đăng, kiểm toán viên Công ty DFK ký ban hành Báo cáo Kiểm toán độc lập về tình hình góp vốn điều lệ của các cổ đông tại ngày 31/12/2020, xác định vốn góp của chủ sở hữu là 2.000 tỷ đồng.

Khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) vào cuộc, dư luận mới “té ngửa” với sự thật là các kiểm toán viên không kiểm tra, đối chiếu tài liệu, chứng từ gốc; không có chứng từ chứng minh như sao kê, sổ quỹ tiền mặt; không làm việc với Hội đồng Quản trị, Ban Tổng giám đốc, đại diện pháp luật, mà chỉ căn cứ vào tài liệu, chứng từ bản photo, đóng dấu treo, phiếu thu, giấy chứng nhận sở hữu cổ phần để ký, bất chấp các quy định của chuẩn mực kiểm toán.

Nguyễn Cao Trí còn huy động 600 tỷ đồng nguồn tiền của Công ty Văn Lang và Công ty Grand Riverside chuyển sang Công ty Sài Gòn Đại Ninh và vay Sacombank 1.400 tỷ đồng để Sacombank xác nhận số dư 2.000 tỷ đồng. Tổng cộng cổ phần góp vốn và số dư tiền mặt trên tài khoản của Công ty Sài Gòn Đại Ninh là 4.000 tỷ đồng, đạt yêu cầu hợp thức tài liệu, số liệu chứng minh năng lực tài chính theo hướng dẫn của ông Minh và ông Khanh.

Không chỉ vụ việc trên, tại đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn I, Hội đồng Xét xử cũng đề nghị C03 làm rõ vai trò, trách nhiệm của các công ty kiểm toán tại Ngân hàng SCB.

SCB đã thuê các công ty kiểm toán lớn kiểm tra báo cáo tài chính từ năm 2012 đến năm 2021, đều không cho thấy điểm bất thường nào về tài chính. Thậm chí, trong đợt kiểm toán trước khi khởi tố vụ án khoảng 4 tháng, SCB còn được kiểm toán ghi nhận lợi nhuận lũy kế hơn 1.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu gần 22.000 tỷ đồng.

Nhưng khi sai phạm vỡ ra, thì kết quả kiểm toán lại cho thấy, thời điểm 30/9/2022, SCB âm vốn chủ sở hữu lên đến 443.769 tỷ đồng và lỗ lũy kế 464.547 tỷ đồng.

Lỗ hổng kiểm soát năng lực làm dự án

Theo nguyên tắc, doanh nghiệp phải chứng minh được năng lực tài chính, được thẩm định, mới được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.

Lật sâu vụ việc Dự án Đại Ninh, thấy rằng, doanh nghiệp thời bà Phan Thị Hoa làm chủ được cấp Giấy đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 7/1/2010, vốn điều lệ 300 tỷ đồng. 11 tháng sau, ngày 30/12/2010, UBND tỉnh Lâm Đồng cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Sài Gòn Đại Ninh thực hiện Dự án Đại Ninh, với tổng vốn đầu tư 25.243 tỷ đồng.

Gần 10 năm sau, khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc mới phát hiện, công ty của bà Hoa không đủ năng lực tài chính, không nộp tiền sử dụng đất, vi phạm tiến độ dự án, vi phạm các luật liên quan cần phải chấm dứt hoạt động, thu hồi dự án (Kết luận thanh tra số 929, ngày 12/6/2020). Thế nên, bà Hoa mới xoay xở bán Dự án, sau đó Nguyễn Cao Trí “phù phép” như đề cập ở trên.

Tương tự, theo công bố của Thanh tra Chính phủ về sai phạm tại tỉnh Gia Lai, thì UBND tỉnh này ra 2 quyết định số 325/QĐ-UBND và số 326/QĐ-UBND cùng một ngày 21/7/2020 cấp chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy điện gió Phát triển miền núi (công suất 50 MW, mức đầu tư 1.916 tỷ đồng, do Công ty cổ phần Điện gió Chư Prông Gia Lai làm chủ đầu tư) và Nhà máy điện gió Chế biến Tây Nguyên (công suất 50 MW, mức đầu tư 1.917 tỷ đồng, do Công ty cổ phần Năng lượng gió Chư Prông Gia Lai làm chủ đầu tư).

Cả hai công ty trên đều thành lập vào tháng 4/2020, có cùng trụ sở, đều đăng ký vốn điều lệ là 25 tỷ đồng, cổ đông chi phối là bà Nguyễn Thị Sen, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần chè Bầu Cạn.

Nhưng theo Thanh tra Chính phủ, chủ đầu tư không đảm bảo năng lực tài chính (không có tài liệu thuyết minh năng lực tài chính của nhà đầu tư, không có tài liệu chứng minh vốn góp chủ sở hữu tương đương 20% tổng mức đầu tư của dự án).

Sau khi được cấp chủ trương đầu tư 1 tháng, cả Công ty cổ phần Điện gió Chư Prông Gia Lai và Công ty cổ phần Năng lượng gió Chư Prông Gia Lai đều chuyển nhượng cổ phần. Từ ngày 19/8/2020 đến ngày 6/11/2021, 2 công ty này đã bán 99,7 % cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.

“MẮT XÍCH” THẨM ĐỊNH GIÁ TRONG DÂY CHUYỀN GÂY THIỆT HẠI

Trong thương vụ mua bán Dự án Khu công nghiệp đô thị Việt Phát rồi thế chấp phát hành trái phiếu, việc định giá cũng có vấn đề.

Cụ thể, sau khi Trương Mỹ Lan mua dự án này với giá khoảng 1.700 tỷ đồng, “tay chân” của bà đã cùng SCB định giá gần 300 ha đất công nghiệp lên tới giá 7.300 tỷ đồng; định giá hơn 177 ha đất đô thị khoảng 12.000 tỷ đồng. Việc định giá giữa “tay trái” và “tay phải” đã giúp các doanh nghiệp thế chấp phát hành trái phiếu thu về 15.000 tỷ đồng.

Tại đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn I, hàng loạt nhân sự của nhiều công ty thẩm định giá đã bị tuyên án tù, vì đóng vai trò “mắt xích” quan trọng trong “dây chuyền” gây thiệt hại cho SCB, khi bắt tay thẩm định, thổi giá bất chấp pháp luật để giúp sức cho Trương Mỹ Lan.

(Còn tiếp)

Ngô Nguyên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục