Đằng sau các thương vụ bán “gà đẻ trứng vàng” của các ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VPBank vừa bán 49% vốn tại FE Credit, SHB đang lựa chọn đối tác để bán SHB Finance trong năm 2021, dù các công ty tài chính tốp đầu này đóng góp không nhỏ vào lợi nhuận hàng năm của ngân hàng.
FE Credit được định giá 2,8 tỷ USD FE Credit được định giá 2,8 tỷ USD

FE Credit với thương vụ đình đám

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank đã thông tin với cổ đông về kế hoạch bán 49% vốn tại FE Credit. Tương tự, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch SHB thông tin về việc sẽ thoái vốn tại SHB Finance cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và tin tưởng thương vụ sẽ thành công trong năm 2020. Tuy nhiên, đến cuối năm 2020, kế hoạch của VPBank và SHB đều chưa được thực hiện, nguyên nhân được cho là do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Trước ngày tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, VPBank công bố thông tin chuyển nhượng 49% vốn FE Credit cho đối tác Nhật Bản SMBC, với mức định giá cả Công ty là 2,8 tỷ USD.

Điểm được thị trường quan tâm là giá trị thương vụ này lớn nhất ngành tài chính - ngân hàng, bởi FE Credit là đơn vị đầu ngành trong nhóm 16 công ty tài chính tiêu dùng và dư địa thị trường còn lớn hơn so với các ngân hàng truyền thống.

Theo ông Lê Xuân Đồng, Giám đốc và Trưởng khối Nghiên cứu và Tư vấn của FiinGroup, FE Credit xứng đáng có được mức định giá này do FE Credit là công ty có thị phần lớn nhất trong khối các công ty tài chính tiêu dùng (chiếm gần 46% thị phần cho vay trong nhóm các công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động). Hơn nữa, mặc dù bị ảnh hưởng bởi Covid-19 dẫn đến tốc độ tăng trưởng giảm tốc và nợ xấu tăng lên đáng kể, nhưng tình hình tài chính của FE Credit về cơ bản vẫn ở mức cao hơn bình quân ngành, cả về biên lợi nhuận (NIM), nợ xấu, thanh khoản…

“FE Credit là công ty dẫn đầu trong ngành về phát triển các sản phẩm mới và đầu tư cho chuyển đổi số từ rất sớm. Vì vậy, khả năng cao là Công ty sẽ tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu ngay cả trong và sau đại dịch”, ông Đồng nhận định.

“Nếu theo phương án IPO thì định giá của FE Credit có thể còn cao hơn khoảng 1 tỷ USD. Nhưng chúng tôi quyết định hợp tác với SMBC để tận dụng nguồn vốn rẻ và kinh nghiệm từ họ nhằm tiếp tục phát triển FE Credit lên những tầm cao mới”, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch VPBank nói.

Với tỷ lệ sở hữu 50% còn lại, FE Credit vẫn là công ty con của VPBank, kết quả kinh doanh được hạch toán trong bảng cân đối hợp nhất.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank chia sẻ: “Việc bán 49% vốn FE Credit không phải là VPBank bỏ một con gà đẻ trứng vàng, mà chúng tôi tìm đối tác chiến lược để đem lại giá trị lớn hơn. Khả năng năm 2021 hoặc 2 năm đầu, lợi nhuận thu được từ FE Credit có thể giảm một chút hoặc không tăng, nhưng về dài hạn, FE Credit sẽ tiếp tục là mảng kinh doanh quan trọng của Ngân hàng”.

Không tăng được vốn sẽ… “chết”

Lãnh đạo cao cấp một công ty tư vấn cho biết, các công ty tài chính tổng hợp và cho thuê tài chính xuất hiện ở Việt Nam thời điểm đầu tiên với mục tiêu có thể thực hiện chức năng quản lý vốn cho tập đoàn hoặc là đơn vị chuyên làm về tài chính cho tập đoàn. Nhưng công ty tài chính tổng hợp hoặc cho thuê tài chính đều trực thuộc quyền quản lý của Ngân hàng Nhà nước và để có thể làm được đúng những việc đó phải là những người có nghề, còn những người tay ngang không hiệu quả sẽ dẫn đến thua lỗ.

“Trong bối cảnh tài chính vi mô tại Việt Nam đã hiện diện nhưng mức độ tiếp cận của người dân vẫn hạn chế thì việc cần thiết phải có những công ty tài chính đúng nghĩa hoạt động. Do đó, Ngân hàng Nhà nước đã hỗ trợ cho các công ty tài chính hoạt động đúng chức năng ra đời”, lãnh đạo công ty tư vấn nói.

Theo đó, các công ty tài chính hiện nay được bán cho các nhà đầu tư nước ngoài đa phần là từ các ngân hàng mua lại. Cụ thể, VPBank mua lại Tài chính Than - Khoáng sản Việt Nam (FE Credit ngày nay), HDBank mua lại Tài chính Việt Société Générale (HD Saison ngày nay), SHB mua lại Tài chính Vinaconex Viettel (SHB Finance ngày nay), MSB mua lại Tài chính cổ phần Dệt may Việt Nam (FCCOM ngày nay), SeABank mua lại Tài chính Bưu điện, Techcombank mua lại Tài chính cổ phần Hóa chất Việt Nam (sau đó đổi tên thành Techcom Finance và bán cho Công ty Lotte Card Co.,Ltd của Hàn Quốc, hiện có tên mới là Lotte Finance)…

Với sự tham gia của các ngân hàng, thực trạng thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đã chia thành hai nhóm:

Thứ nhất, nhóm những công ty tài chính nước ngoài biết nghề, hiểu nghề và vào Việt Nam làm tài chính tiêu dùng “thật” như Home Credit, Prudential Finance, Toyota Finance, JACCS…

Thứ hai, nhóm tập làm tài chính tiêu dùng như những ngân hàng mua lại các công ty tài chính. Sau khi mua các công ty tài chính về thực tập xong thì có ba trường phái: một là, tự vận hành công ty tài chính nhưng chưa thành công và lựa chọn liên doanh với một đối tác nước ngoài trên cơ sở bán 49% vốn để học hỏi kinh nghiệm nhằm “lên đời”; hai là, quá trình triển khai gặp khó khăn nên thoái hết vốn tại công ty tài chính; ba là, biết nghề, hiểu nghề và thành công, nhưng phát triển lên một quy mô lớn hơn nhiều sẽ cần đối tác ngoại để tiếp tục chiến lược kinh doanh, nếu không tăng vốn bằng hình thức bán vốn mà tiếp tục mô hình này thì dần dần có thể dẫn đến cái “chết”.

“Công ty tài chính tiêu dùng được các ngân hàng ban đầu “nuôi”, nhưng sau đó phải tự huy động vốn. Khó khăn của các công ty tài chính tiêu dùng Việt Nam là không được huy động vốn của người dân, theo đó, khi huy động vốn với lãi suất cao, lãi suất cho vay ra phải cao. Nếu tìm được nhà đầu tư chiến lược thì những công ty này sẽ có nguồn vốn dồi dào, áp lực huy động vốn giảm. Cùng với đó, công ty tập trung xử lý nợ xấu, thu hồi các khoản đã cho vay và tiếp tục cho vay thêm”, lãnh đạo công ty tư vấn nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, ông Lê Xuân Đồng nhận định, về dài hạn, sau giao dịch M&A, FE Credit sẽ được hưởng lợi từ sức mạnh tổng hợp với SMBC.

Khả năng cao là FE Credit sẽ tận dụng cơ hội để huy động mới và/hoặc cơ cấu lại nguồn vốn huy động hiện tại nhằm có được nguồn vốn rẻ từ Nhật Bản, giúp cải thiện chi phí vốn, NIM và lợi nhuận, trong khi không cần phải theo đuổi các sản phẩm và/hoặc phân khúc khách hàng quá rủi ro, tạo ra dư luận/hình ảnh xấu. Điều này có thể nhìn thấy rõ qua các chỉ số tài chính và hoạt động của các công ty tài chính có vốn đầu tư của Nhật Bản tại thị trường Việt Nam như HD Saison, MCredit, JACCS.

Bên cạnh đó, FE Credit sẽ học hỏi được kinh nghiệm quản trị rủi ro và phát triển sản phẩm mới trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng do SMBC đã có các công ty tài chính tiêu dùng ở cả Nhật Bản, Trung Quốc (bao gồm Hồng Kông, Đài Loan), Thái Lan.

Theo tính toán, VPBank thoái 49% vốn tại FE Credit mang lại cho FE Credit khoảng 154 triệu USD (tương đương 3.572 tỷ đồng) do VPBank tăng vốn điều lệ của FE Credit từ 7.328 tỷ đồng lên 10.900 tỷ đồng ngay trước giao dịch.

“Việc lựa chọn đối tác rất quan trọng, chúng tôi kỳ vọng có thể đưa FE Credit lên tầm cao mới”, Tổng giám đốc VPBank nói.

Với SHB Finance, tại Đại hội đồng cổ đông vừa qua, Ban lãnh đạo SHB cho hay, Ngân hàng đã lựa chọn 2 - 3 đối tác lớn có năng lực và dự kiến trong năm 2021 sẽ bán thành công.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục