Khu đô thị mới Đông Sơn nằm trên địa bàn phường An Hoạch (TP. Thanh Hóa) là một minh chứng cho hiện trạng trên. Khởi công xây dựng từ năm 2010, với tổng diện tích hơn 12 ha theo tiêu chuẩn đô thị hiện đại, Đông Sơn được kỳ vọng sẽ là một trong những điểm nhấn của khu vực phía Tây TP. Thanh Hóa. Nhưng đến nay, Dự án vẫn chỉ là những dãy nhà liên kế cao tầng cùng khu nhà vườn cao cấp được xây thô để bán. Thiếu các công trình công cộng và dường như thiếu cả sự quản lý của Nhà nước, nên chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng, các hộ gia đình đã tự ý cơi nới, lấn chiếm không gian công cộng, xây dựng cải tạo không đúng quy hoạch…
Tương tự, Khu đô thị mới Bắc Đại lộ Lê Lợi với hơn 47 ha do Công ty TNHH Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng Bình Minh triển khai xây dựng từ năm 2004. Nhưng sau 10 năm, hệ thống công trình công cộng tại Khu đô thị vẫn chưa được xây dựng. Các công trình tối thiểu như chợ, sân vận động liên tục được điều chỉnh… nhưng vẫn chưa được xây dựng.
Khu đô thị Đông Phát (phường Đông Vệ, TP. Thanh Hóa) được quy hoạch xây dựng trên diện tích hơn 16 ha, khởi công từ năm 2004, đến nay, khu đô thị này đã có tương đối đủ các công trình phụ trợ, công trình phúc lợi công cộng (nhà văn hóa, trường học, sân chơi thể thao, bãi đỗ xe, đất trồng cây xanh...). Nhưng sau gần 7 năm đưa vào sử dụng, hạ tầng Khu đô thị Đông Phát vẫn chưa được hoàn thiện. Đáng chú ý, Khu đô thị chưa có lối đi chính thức theo thiết kế. Nguyên nhân là do suốt gần 7 năm qua, chủ đầu tư không giải phóng xong mặt bằng để làm đường kết nối giao thông với hạ tầng bên ngoài Khu đô thị, dù cầu Đông Phát nằm trong quy hoạch của Khu đô thị đã được xây dựng xong và bị bỏ hoang đã 4 năm.
Một thực trạng nữa tại nhiều khu đô thị ở TP. Thanh Hóa là phần đất xây dựng công trình phúc lợi công cộng như công viên cây xanh, sân chơi thể thao, nhà văn hóa, chợ... được bàn giao cho chính quyền tổ chức đầu tư, xây dựng mà theo lô-gíc việc này thường phải thuộc về chủ đầu tư. Thực tế này đã gây ra không ít phiền phức cho người dân sinh sống trong khu đô thị, như tình trạng nhà không số, phố không tên; một số nơi phải sử dụng dịch vụ điện, nước do ban quản lý khu đô thị cung cấp với giá cao hơn so với khung giá quy định. Thậm chí, để có đèn chiếu sáng đường phố, người dân cũng phải góp tiền mua dây, lắp bóng và trả tiền hàng tháng…
Lý giải cho việc chậm, hoặc không đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội tại các khu đô thị mới, nhà đầu tư đưa ra hàng loạt lý do, như thị trường ế ẩm, nếu đầu tư ngay hạ tầng mà chưa bán được, thì sẽ lãng phí nguồn lực. Nhà đầu tư nào cũng khẳng định, khi tỷ lệ dân cư sinh sống tại khu đô thị đạt một mức nhất định, sẽ tiến hành đầu tư hoàn thiện hạ tầng như đã cam kết.
Tuy nhiên, điều này hoàn toàn ngược lại với mong muốn của những cư dân khi chuyển đến sinh sống tại các khu đô thị. Họ cho rằng, việc thiếu cơ sở hạ tầng về kỹ thuật, hạ tầng về xã hội tại các khu đô thị mới là nguyên nhân khiến họ không mặn với các chung cư, nhà liên kế… trong khu đô thị.
Về góc độ quản lý, ông Nguyễn Minh Huân, Phó giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa cho biết, thời gian tới, Sở sẽ rà soát lại cụ thể đối với từng dự án, qua đó phân rõ trách nhiệm để có biện pháp xử lý phù hợp.
Đã đến lúc cơ quan chức năng TP. Thanh Hóa cần rà soát lại hiện trạng các dự án bất động sản, khu đô thị mới đã và đang xây dựng, để chấn chỉnh và loại bỏ những dự án không đảm bảo yêu cầu, giám sát chặt chẽ hơn việc triển khai xây dựng ở các khu đô thị mới, khu chung cư mới nhằm phân định rõ trách nhiệm của nhà đầu tư và của chính quyền đô thị trong việc đảm bảo thi công đúng, đủ các hạng mục công trình theo dự án và theo luật định. Đây là việc cần làm ngay trong bối cảnh đô thị hóa đang bắt đầu trở nên mạnh mẽ. Đặc biệt, với TP. Thanh Hóa yêu cầu này càng trở nên búc xúc hơn khi Thành phố sẽ chính thức lên đô thị loại 1 trong năm nay.