Theo đó, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã ký hai điều khoản truy tố nhà lãnh đạo Mỹ là lạm quyền và cản trở cuộc điều tra của Quốc hội vào cáo trạng đệ trình lên Thượng viện.
Sau đó, đại diện cho Hạ viện gồm 7 nghị sĩ đóng vai trò là công tố viên, dẫn đầu là Chủ tịch Uỷ ban Tình báo đặc biệt Adam Schiff, đã tới Thượng viện.
Cáo trạng đã được bàn giao cho lãnh đạo của Đảng Cộng hòa chiếm đa số tại Thượng viện, Mitch McConnell.
"Chúng tôi chính thức mời các công tố viến đến Thượng viện vào ngày mai (thứ Năm, ngày 16/1) lúc 12h00 để tiến hành đọc cáo trạng luận tội. Vào lúc 14h00, Chánh án Tòa án Tối cao Mỹ John Roberts sẽ đến và tuyên thệ nhậm chức chủ toạ phiên toà", ông McConnell cho biết.
"Chánh án sẽ tuyên thệ với các thượng nghị sĩ. Sau đó, chúng tôi sẽ chính thức thông báo cho Nhà Trắng về phiên tòa", lãnh đạo đảng Cộng hoà tại Thượng viện cho biết.
Theo ông, phiên toà chính thức dự kiến sẽ bắt đầu vào ngày 21/1.
Trước đó, vào ngày 4/9/2019, Hạ viện Mỹ đã khởi động một cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump.
Đảng Dân chủ đã có thể bắt đầu quá trình này do thực tế là đảng này chiếm đa số ghế ở Hạ viên Mỹ.
Lý do mà phe Dân chủ đưa ra để khởi động luận tội là ông Trump đã gây áp lực lên Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong một cuộc điện đàm vào tháng 7 năm ngoái để Kiev giúp người đứng đầu chính quyền Washington tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2020.
Vào ngày 18/12/2019, Hạ viện đã phê chuẩn cáo trạng luận tội tổng thống.
Trong phiên tòa Thượng viện sắp tới, các thượng nghị sĩ sẽ đảm nhận tư cách là bồi thẩm đoàn, và Hạ viện sẽ đứng ra làm công tố viên. Phiên toà này sẽ được điều hành bởi Chánh án Toà án Tối cao Mỹ.
Để kết tội và phế truất ông Trump, cáo trạng cần có sự ủng hộ của ít nhất 2/3 thượng nghị sĩ (ít nhất 67 phiếu). Với thành phần hiện tại của Thượng viện, khả năng bỏ phiếu ủng hộ luận tội là gần như bằng không, vì đảng Cộng hòa chiếm 53/100 ghế trong Thượng viện của Quốc hội Mỹ.