Đang chới với, giới đầu tư bất ngờ nhận được phao cứu trợ từ Fed

(ĐTCK) Đang bao trùm nỗi lo bùng phát đợt dịch mới, giới đầu tư bất ngờ nhận được phao cứu trợ từ Fed, nên nhanh chóng lấy lại sự bình tĩnh, giúp phố Wall có phiên đảo chiều ngoạn mục đầu tuần mới (15/6).
Ảnh AFP Ảnh AFP

Cũng giống chứng khoán châu Á và châu Âu, phố Wall cũng chứng kiến đợt bán tháo mạnh ngay khi bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới trước nỗi lo về làn sóng bùng phát dịch mới. Tuy nhiên, ngay sau đó, các chỉ số chính của phố Wall đã hồi phục, bật mạnh trở lại sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết, mở rộng chương trình mua trái phiếu doanh nghiệp.

Ngoài ra, việc giá dầu thô hồi phục mạnh trở lại, kéo nhóm cổ phiếu năng lượng tăng cũng hỗ trợ cho các chỉ số chính của phố Wall có phiên đảo chiều ngoạn mục đầu tuần mới.

Giới đầu tư cũng chờ đợi bài phát biểu của Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell trước lưỡng viện vào thứ Ba và thứ Tư để báo cáo về kinh tế.

Kết thúc phiên 15/6, chỉ số Dow Jones tăng 157,62 điểm (+0,62%), lên 25.763,16 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 25,28 điểm (+0,83%), lên 3.066,59 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 137,21 điểm (+1,43%), lên 9.726,02 điểm.

Giới đầu tư chứng khoán châu Âu cũng lo lắng về đợt bùng phát dịch mới nên đồng loạt bán tháo ra khi mở cửa phiên giao dịch đầu tuần mới. Tuy nhiên, đà giảm được hãm lại vào cuối phiên khi một số doanh nghiệp báo cáo hoặc đưa ra triển vọng kinh doanh tích cực.

Kết thúc phiên 15/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 40,48 điểm (-0,66%), xuống 6.064,70 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 37,93 điểm (-0,32%), xuống 11.911,35 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 23,54 điểm (-0,49%), xuống 4.815,72 điểm.

Trong khi đó, chứng khoán châu Á chứng kiến làn sóng bán tháo trong phiên giao dịch đầu tuần mới trước lo ngại về làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 2 xuất hiện ở nhiều quốc gia như Trung Quốc, Mỹ…

Ngoài ra, dữ liệu kinh tế vừa công bố cho thấy, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc đã tăng tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 5 nhưng mức tăng thấp hơn dự kiến cho thấy, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vẫn đang vật lộn để trở lại đúng hướng.

Kết thúc phiên 15/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 774,53 điểm (-3,47%), xuống 21.530,95 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 29,71 điểm (-1,02%), xuống 2.890,03 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 524,43 điểm (-2,61%), xuống 23.776,95 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 101,48 điểm (-4,76%), xuống 2.030,82 điểm.         

Giá vàng giảm trở lại trong phiên giao dịch đầu tuần mới, nhất là đầu phiên châu Á, châu Âu theo đà bán tháo của chứng khoán. Dường như nhà đầu tư xem vàng là một nguyên liệu hơn là kênh trú ẩn trong phiên giao dịch thứ Hai. Với nguy cơ làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 2 đang bùng phát ở nhiều nước quốc gia sẽ tác động tiêu cực tới nền kinh tế, qua đó làm giảm nhu cầu tiêu thụ nguyên liệu là kim loại quý, trong đó có vàng. Tuy nhiên, đà giảm của giá vàng cũng được hãm lại trong những phút cuối phiên.

Kết thúc phiên 15/6, giá vàng giao ngay giảm 6,9 USD (-0,4%), xuống 1.723,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 giảm 10,1 USD (-0,58%), xuống 1.727,2 USD/ounce.

Trong khi đó, giá dầu tăng hơn 2% vào thứ Hai khi các dấu hiệu cho thấy nhu cầu nhiên liệu đang phục hồi, trong khi các thành viên OPEC + đang tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản xuất, vượt xa nỗi lo về làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần thứ 2 có thể làm chậm hơn sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.

Kết thúc phiên 15/6, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,86 USD (+2,32%), lên 37,12 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,99 USD (+2,49%), lên 39,72 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục