Dẫn vốn vào “vùng trũng” bất động sản

(ĐTCK) Bên cạnh các thị trường công nghiệp trọng điểm, truyền thống, cũng cần tăng cường thu hút đầu tư cho các “vùng trũng” để tận dụng tốt xu hướng dịch chuyển đầu tư, sản xuất từ bên ngoài để nâng dần đều mặt bằng kinh tế các vùng miền.
Khu vực miền núi phía Bắc có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp và sinh thái

Ông Vũ Công Trụ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Vietnam Solution chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán.

Thời gian qua, chúng ta khá thành công trong việc thu hút vốn FDI vào các thị trường công nghiệp trọng điểm ở 2 miền Nam - Bắc, trong khi các “vùng trũng” như khu vực miền Trung, miền núi phía Bắc… còn nhiều hạn chế. Với kinh nghiệm hoạt động xúc tiến đầu tư lâu năm, theo ông, để gọi tên các rào cản chính, thì đó là gì?

Các rào cản có thể kể đến là phát triển công nghiệp còn phân tán, thiếu quy hoạch và chiến lược phát triển gắn với lợi thế tiềm năng kinh tế xã hội của vùng; bố trí vị trí địa điểm quy hoạch cũng như triển khai các dự án quy mô lớn còn chưa tốt; các dự án phát triển kinh tế quy mô lớn hoặc là chưa được nghiên cứu phát triển, hoặc là có đầu tư nhưng triển khai chưa quyết liệt và tập trung, chưa tối ưu về logistics và điều kiện phát triển kinh tế, chưa gắn với đòi hỏi của thị trường và nhu cầu tìm kiếm địa điểm đầu tư của các nhà đầu tư…

Ông Vũ Công Trụ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Vietnam Solution

Ngoài ra, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, công tác cải cách hành chính của các địa phương trên còn nhiều hạn chế, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI (là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh điểm đến đầu tư ưa thích của các nhà đầu tư) thường đứng trong nhóm nửa cuối bảng xếp hạng, ít có sự bứt phá.

Đây là những yếu tố khiến các “vùng trũng” thu hút đầu tư nước ngoài chưa thể tận dụng tốt các điều kiện, bối cảnh kinh tế thương mại và đầu tư toàn cầu đang diễn ra có lợi cho Việt Nam hiện nay.

Từ thực tế trên, việc thu hút các dòng vốn FDI trong những năm qua chủ yếu là những dự án gắn với khu vực công nghiệp hiện hữu, vùng dân cư tập trung quy mô lớn và điều kiện cơ sở hạ tầng tốt. Chẳng hạn, các dự án sản xuất linh kiện điện tử, ô tô, thực phẩm - đồ uống, dệt may, da giày, cơ khí… chủ yếu khai thác các lợi thế phát triển kinh tế của các đô thị lớn, mà thiếu đi các dự án cần khai phá và khai thác chiều sâu về công nghệ và vốn cho các vùng còn lại, chưa kể yếu tố chọn lọc dự án FDI cho các khu vực này còn yếu.

Vậy đâu là giải pháp để cải thiện tình hình?

Thực tế, khu vực miền Trung và miền núi phía Bắc có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp và sinh thái. Do đó, bên cạnh địa lý kinh tế của khu vực, các yếu tố cơ sở hạ tầng và chính sách ưu đãi cũng đang được Nhà nước quy hoạch và chuẩn bị đầu tư trọng tâm.

Theo tôi, trong 5 năm tới, cần đầu tư mạnh vào việc phát triển cơ sở hạ tầng và tăng tính kết nối cho khu vực bằng các dự án giao thông và đô thị công nghiệp. Trong đó, cần chú trọng tính “động” và “sống” trong nghiên cứu địa bàn, nghiên cứu thị trường và cạnh tranh; có các giải pháp thực tế mang tính chuyên môn sâu và bao quát để cụ thể hóa các quy hoạch địa phương được Chính phủ phê duyệt gần đây; đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy và sân bay gắn với điều kiện hiện có và tiềm năng của địa phương; thực hiện xúc tiến đầu tư đa kênh và có trọng tâm cả trong nước và nước ngoài.

Chẳng hạn, khu vực miền núi phía Bắc cần đầu tư mạnh và trọng điểm vào các tuyến đường cao tốc từ Hòa Bình lên Sơn La - Điện Biên, cao tốc Phú Thọ - Tuyên Quang - Hà Giang…

Hay với miền Trung, cần kêu gọi các nhà tài trợ cấp vốn và đầu tư tuyến hành lang kinh tế Đông Tây nối Việt Nam - Lào - Thái Lan - Myanmar, đồng thời quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp - nông nghiệp quy mô lớn (từ 500 ha đến vài nghìn héc-ta) theo hướng tích hợp và kinh tế xanh tại các vị trí thuận lợi cho hoạt động logistics và tiết kiệm chi phí đầu tư cho các nhà đầu tư nhất, tăng thêm các ưu đãi cho các dự án đầu tư vào các khu vực này.

Thêm nữa, khi đã có quy hoạch, một số công trình hạ tầng quy mô lớn được xây dựng, cần có những doanh nghiệp tiên phong đầu tư vào các dự án quy mô lớn đó, đồng thời tham gia các diễn đàn và sự kiện mang tính xúc tiến đầu tư quốc tế để xây dựng hình ảnh, công bố rộng rãi và minh bạch thông tin điều kiện kinh tế xã hội cũng như có các cam kết cụ thể của từng địa phương bằng chính sách ưu đãi và hỗ trợ bảo hộ đầu tư lâu dài tới các nhóm, quốc gia đầu tư, ngành nghề công nghiệp trọng tâm… mà địa phương và doanh nghiệp trong nước muốn thu hút, hợp tác.

Trong dài hạn hơn, Nhà nước cần cùng với các nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế đẩy mạnh phát triển công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao, phát triển vùng sản xuất xuất khẩu tập trung thông qua các dự án phát triển kinh tế quy mô lớn, đẩy mạnh xuất khẩu và hợp tác quốc tế với các ưu đãi lớn nhất dành cho đối tác đầu tư nước ngoài, có cơ chế thu hút nhân tài tới nghiên cứu, sinh sống và làm việc, phát triển kinh tế tại các khu vực đã được quy hoạch tốt. Việc này nếu thực hiện nghiêm túc, bài bản và quyết liệt sẽ tạo ra nhu cầu phát triển kinh tế rất lớn tại các vùng trũng.

Rõ ràng, ngoài các yếu tố “cứng” như cơ sở vật chất, hạ tầng kết nối…, còn có những yếu tố “mềm” là sự vào cuộc quyết liệt của địa phương, chính sách ưu đãi đặc thù… và ở phương diện này, các địa phương "vùng trũng" cần tiếp cận và tự tìm cho mình lời giải nào để tăng thu hút vốn đầu tư?

Ở đây, yếu tố “mềm” là các yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế địa phương và phụ thuộc nhiều vào ý chí chủ quan của chúng ta trong việc đưa ra những tuyên bố, chính sách và cam kết trong huy động, điều phối nguồn lực. Đó chính là phương pháp tư duy và cách nhìn cần có sự thống nhất và cộng hưởng giữa cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị làm chính sách, đơn vị tổ chức kinh tế và cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài.

Theo tôi, Nhà nước cần thành lập một cơ quan chuyên phụ trách và chịu trách nhiệm phát triển công nghiệp cho từng vùng, xây dựng và thúc đẩy hình thành các khu phát triển kinh tế đặc thù, khuyến khích các tổ chức kinh tế xây dựng các trung tâm công - nông nghiệp và xuất khẩu tập trung bằng các cơ chế ưu đãi đặc biệt hơn hiện nay, không chỉ về thuế và đất đai mà còn là đảm bảo điều kiện và không gian phát triển cho nhà đầu tư trong dài hạn, chẳng hạn ưu đãi đối với khu thương mại tự do trên thế giới; đồng thời, chú trọng xây dựng các kịch bản phát triển cụ thể, tạo ra các concept độc đáo bằng cách học hỏi và phát huy thành tựu phát triển kinh tế công nghiệp của thế giới áp dụng cho các dự án quy mô lớn mang tính động lực thực sự của từng vùng.

Từ đây, có thể thấy xu hướng thu hút đầu tư của các địa phương?

Tôi nhận thấy rằng, một số địa phương từng có mặt bằn kinh tế thấp đang có tiến trình phát triển tốt. Chẳng hạn, Sơn La gần đây phát triển thành công một số mô hình dự án nông nghiệp và công nghiệp chế biến phục vụ xuất khẩu ở quy mô nhỏ, nếu có lực lượng nhà đầu tư nước ngoài đông đảo hơn thì địa phương này sẽ phát triển rất mạnh và trở thành động lực tăng trưởng của cả khu vực miền núi phía Bắc.

Một địa phương khác là Lào Cai những năm vừa qua đã phát triển tốt thương mại biên giới gắn với các ngành công nghiệp thâm dụng tài nguyên thiên nhiên và một số cơ sở chế biến ở trình độ trung bình. Với làn sóng dịch chuyển, đầu tư sản xuất ra bên ngoài ngày một mạnh mẽ như hiện nay và Việt Nam đang là điểm đến ưa thích, đặc biệt là từ Trung Quốc, cộng với đặc trưng địa hình cửa ngõ ra khu vực và tiềm năng quan hệ cộng sinh kinh tế với miền Tây Nam của Trung Quốc (đặc biệt là tỉnh Vân Nam) và những tín hiệu tốt từ ngoại giao kinh tế của Lào Cai gần đây, tôi tin tưởng rằng, trong tương lai không xa, địa phương này sẽ tận dụng được tốt nhất các lực lượng kinh tế đó, tạo ra được các dự án động lực và trở thành “đầu tàu” trong phát triển công nghiệp và thương mại xuyên biên giới.

Để làm được điều đó, chúng ta cần thực hiện ngay việc khảo sát tiềm năng, lợi thế cụ thể của từng khu vực gắn với các dự án quy mô lớn, đồng thời tìm kiếm, thuyết phục các lực lượng kinh tế trong nước và quốc tế phù hợp có nhu cầu đầu tư vào các khu vực đó, đưa ra các cam kết ưu đãi đầu tư và tạo thuận lợi kinh doanh lâu dài để họ cùng tham gia vào quá trình nghiên cứu, phát triển và vận hành các dự án thành công tại các địa điểm đầu tư.

Thành Nguyễn thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục