Dân Việt “ồ ạt” tăng mua, doanh số xe bán tải “hồi sinh kỳ lạ“

Chỉ sau một tháng doanh số tụt dốc không phanh, nhưng đến tháng 5/2019, lượng bán xe dòng bán tải ở Việt Nam hồi sinh kỳ lạ bất chấp phí trước bạ dòng xe này tăng từ 30 đến gần 60 triệu đồng/chiếc. Lượng mua của người tiêu dùng đã cứu vãn cú trượt chân của các mẫu xe bán tải ở Việt Nam sau rủi ro chính sách và thuế phí. 
Dân Việt vẫn ồ ạt mua xe bán tải bất chấp phí trước bạ mỗi xe bị tăng hàng chục triệu đồng. Dân Việt vẫn ồ ạt mua xe bán tải bất chấp phí trước bạ mỗi xe bị tăng hàng chục triệu đồng.

Cụ thể, theo VAMA, riêng trong tháng 5, số xe pickup (bán tải) bán ra đạt hơn 1.850 chiếc, tăng hơn 650 chiếc so với tháng trước. 5 tháng đầu năm, lượng xe bán tải ghi nhận doanh số đạt 8.500 chiếc, vượt qua lượng bán ra của xe hatchback và Crossover, tăng hơn 3.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù so với 5 tháng đầu năm 2017, lượng xe bán ra hiện nay của các dòng pickup tại Việt Nam giảm hơn 700 chiếc. Tuy nhiên, lượng giảm này không đáng lo ngại bởi năm 2017 là thời "hoàng kim" của dòng xe bán tải, khi doanh số đang đứng thứ 3 chỉ sau sedan, MPV.

Điều đáng mừng là hầu hết các mẫu xe bán tải của các thương hiệu đều tăng doanh số. Cụ thể, ông vua bán tải tại Việt Nam là Ford Ranger có doanh số bán tháng 5 cao nhất với 1.100 chiếc, tăng hơn 660 chiếc so với tháng trước.

Lũy kế, 5 tháng mẫu xe này bán ra được hơn 4.300 chiếc, tăng hơn 1.500 chiếc so với cùng kỳ năm trước. Tiêu thụ dòng xe Ranger chiếm trên 50% tổng số các dòng xe pickup tại Việt Nam, thị phần này chứng tỏ mẫu xe nhập Thái đang rất được lòng người tiêu dùng Việt.

Mẫu xe có doanh số cao thứ 2 là Triton của Mitsubishi, trong 5 tháng qua, mẫu xe này bán ra được hơn 1.000 chiếc, tăng hơn 500 chiếc so với cùng kỳ năm trước. Mẫu BT50 của Mazda cũng có doanh số ấn tượng khi đạt hơn 850 chiếc, tăng hơn 110 chiếc so với cùng kỳ năm trước.

Mẫu Hilux của Toyota đạt doanh số hơn 550 chiếc, tăng hơn 400 chiếc so với cùng kỳ năm trước...

Trước đó, như Dân Trí đã đưa tin, theo Nghị định số 20/2019 của Chính phủ, ô tô pickup sẽ phải nộp lệ phí trước bạ lần đầu bằng 60% so với mức lệ phí ban đầu của ô tô dưới 9 chỗ ngồi trở xuống. Nghị định có thời gian thực hiện bắt đầu từ ngày 10/4/2019.

Như vậy, với phí trước bạ 10% đối với xe dưới 9 chỗ ngồi trở xuống đối với cả nước, phí trước bạ đối với xe bán tải được áp dụng là 6% thay vì 2%.

Đối với riêng Hà Nội, phí trước bạ xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi đang là 12%, xe bán tải sẽ là 7,2% thay vì mức cũ 2%. Như vậy, nếu áp dụng mức phí trước bạ 6%, các dòng xe bán tải của Ford bị cộng thêm 37,8 triệu đồng đến 71 triệu đồng/chiếc.

Ngoài Ranger, các dòng xe bán tải của các thương hiệu như Triton của Mitsubishi; BT50 của Mazda; Hilux của Toyota và Colorado của Chevrolet đều bị đội thêm giá từ 25 đến gần 50 triệu đồng/chiếc.

Thực tế, trong tháng 4/2019, doanh số các dòng xe pickup đều suy giảm mạnh, hầu hết mất doanh số. Tuy nhiên, bước sang tháng 5/2019, doanh số các dòng xe này bất ngờ tăng trở lại.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lượng xe bán tải nhập về Việt Nam trong tháng 5/2019 đạt hơn 2.000 chiếc, tăng hơn 500 chiếc so với tháng trước.

Các đại lý xe hơi cho biết, ngay sau khi Bộ Tài chính cho phép tăng phí trước bạ, hãng và đại lý đã chiết khấu phần phí tăng vào giảm giá xe, điều này khiến mức tăng phí vô nghĩa với người tiêu dùng.

Các hãng đã giảm giá, thậm chí tặng hoàn toàn tiền phí trước bạ cho khách mua xe để giữ ổn định thị trường. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến doanh số các dòng xe bán tải sớm lấy lại thị phần, không giảm sút sau rủi ro chính sách.


Theo dantri

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục