Dân nơm nớp sống dưới chung cư sắp sập

(ĐTCK) Hàng chục hộ dân với hàng trăm nhân khẩu đang ngày đêm nơm nớp, bởi khu chung cư với tuồi thọ gần 40 năm mà họ đang sống có thể sập đổ bất kỳ lúc nào.

 

“Sống trong sợ hãi”…

Mới đây, sau khi kiểm tra thực địa tại Chung cư 5 tầng số 1 Phan Chu Trinh (phường Điện Biên) - một trong những con phố lớn và đẹp nhất tại TP. Thanh Hóa, Sở Xây dựng Thanh Hóa đã có kết luận: “Công trình đã hư hỏng nghiêm trọng, có nguy cơ sập đổ bất kỳ lúc nào, gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của các hộ gia đình, cá nhân đang sống trong công trình”.

Trước kia, đây là khu gồm 4 tòa nhà cao 5 tầng, được xây dựng từ năm 1977. Tuy nhiên, do tình trạng xuống cấp, mất an toàn, khoảng 10 năm trở lại đây, 3 trong 4 tòa nhà đã được dỡ bỏ để xây dựng các công trình khác. Duy nhất còn lại một tòa nhà xập xệ, nơi sinh sống của 80 hộ dân cư, với gần 400 nhân khẩu chưa được phá dỡ do không thống nhất được phương án di dời.

Mặt ngoài của tòa nhà, cây cỏ và dương xỉ mọc lên tới tầng 5. Ảnh: Xuân Mai

Theo thị sát của phóng viên Đầu tư Bất động sản, phía ngoài tòa nhà, từng mảng tường bong tróc, rêu mốc, dương xỉ mọc lên tận tầng 5, nhiều đoạn tường mặt sau ngôi nhà bị nứt. Phía trong, cầu thang rộng chừng 1 m thường "rung rinh" khi có tác động mạnh, lan can cầu thang nhiều đoạn không còn, nhiều đoạn xiêu vẹo...

Bên trong từng căn hộ có diện tích chỉ 33 m2 luôn tối om, bốc mùi ẩm mốc, đường ống tiêu thoát bị hư hỏng, làm khoảng 80% số hộ trong nhà chung cư này bị dột mỗi khi trời mưa. Cùng với việc đường ống nước thải vệ sinh bị hỏng tắc, chất thải tràn ra bốc mùi xú uế vô cùng khó chịu.

Ngoài ra, với diện tích căn hộ quá bé, trong khi nhiều gia đình sống chung 3 thế hệ, nên việc sinh hoạt của người dân rất bất tiện. Bên cạnh đó, khu nhà không có chỗ gửi xe, nên mấy chục năm qua, các hộ dân có xe phải gửi qua đêm ở các nhà quen, hoặc các công trình gần kề...

 

… nhưng chưa thể chuyển đi

Việc di dời dân ra khỏi tòa nhà gần 40 tuổi để tránh những thảm họa đã trở thành vấn đề bức bách. Gần đây nhất, ngày 12/8/2013, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản yêu cầu TP. Thanh Hóa, bằng mọi biện pháp khẩn trương di chuyển các hộ dân tại nhà chung cư này đến nơi ở mới trước ngày 30/8/2013 để đảm bảo an toàn cho các hộ dân trong mùa mưa bão. Đồng thời, yêu cầu Sở Xây dựng kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn UBND TP. Thanh Hóa thực hiện quy định và theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Sau khi có văn bản này, UBND TP. Thanh Hóa đã họp dân, yêu cầu các hộ cư dân khẩn trương đăng ký và di chuyển đến nơi ở mới theo danh mục có sẵn, nhưng không hộ nào đăng ký với lý do giá đền bù, hỗ trợ quá thấp, trong khi chỗ ở mới lại không có hạ tầng.

Được biết, trước đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý cho các hộ dân chuyển đến các mặt bằng quy hoạch số 6275 (tại phường Nam Ngạn), mặt bằng số 1862 (tại phường Quảng Thắng), mặt bằng 90 (phường Đông Vệ), Khu tái định cư Công viên Tây ga và một số căn hộ tại Chung cư Đông Phát. Tuy nhiên, khi tìm hiểu nơi tái định cư mới, nhiều hộ dân đã không đồng ý do các mặt bằng chuyển đến đa phần là đất trống, nằm nơi hẻo lánh, đất ruộng bồi lên, chưa có cơ sở hạ tầng, thiểu điện nước...

Một nguyên nhân quan trọng khác khiến các hộ dân chưa đồng thuận di chuyển là vấn đề tiền bồi thường, hỗ trợ. "Chủ đầu tư của dự án mới chỉ bồi thường phần diện tích mặt đất với giá 30 triệu đồng/m2, (chứ không phải mặt sàn của cả 5 tầng) và phần đất cầu thang không được bồi thường. Theo đơn giá này, chúng tôi tự chia nhau số tiền bồi thường, mỗi hộ dự tính được khoảng 300 triệu đồng, chưa đủ mua mảnh đất mới chứ nói đến xây nhà", một cư dân nói và cho biết, theo kế hoạch, trên mặt bằng giải tỏa sau này sẽ xây dựng chung cư cao cấp 12 tầng. Tuy nhiên, cư dân ở đây không tin, bởi trước đó, khi giải tỏa 3 tòa nhà trước, các chủ đầu tư cũng đã nói tương tự, nhưng sau đó lại xây văn phòng cho thuê hoặc chia lô bán nền.

Theo nguồn tin của Đầu tư Bất động sản, mặt bằng tòa nhà này trước đó dự kiến giao cho CTCP Đầu tư và xây dựng HUD4 để xây dựng khu chung cư cao cấp. Tuy nhiên, do vướng mắc trong công tác di dời, cùng với việc phải lấy thêm mặt bằng phía sau (hiện là Trường THCS Điện Biên) để xây dựng, trong khi các cơ quan chức năng không thống nhất được vị trí chuyển trường tới khu vực mới. Do vậy, mặc dù đã lên phương án và bỏ tiền ra thiết kế, nhưng cuối cùng HUD4 đã “bỏ cuộc”.

Dù vì lý do gì, thì công tác di chuyển các hộ dân ra khỏi khu chung cư mất an toàn này là điều không thể trì hoãn và cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt là UBND TP. Thanh Hóa. Cần có sự hỗ trợ hợp lý đối với những hộ dân nơi đây để họ yên tâm chuyển tới nơi tái định cư mới, bởi đa số người dân sống tại đây là những người lao động tự do, công nhân hoặc cán bộ hưu trí với mức thu nhập thấp.

>> Hà Nội chuẩn bị kiểm định chất lượng tại 85 chung cư cũ

>> Hà Nội: Hai chung cư cũ có nguy cơ sập đổ 

>> Bối rối hướng dẫn xử phạt chung cư

>> Dân Thanh Hóa mua nhầm… “đất đa cấp”

Xuân Mai
Xuân Mai

Tin cùng chuyên mục