Dẫn đầu số hóa tài chính nông nghiệp, nông thôn

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Là ngân hàng có mạng lưới lớn nhất cả nước phủ kín đến tận cấp xã, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, Agribank đang dẫn đầu trong số hóa các dịch vụ tài chính lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Dẫn đầu số hóa tài chính nông nghiệp, nông thôn

Không chỉ đóng vai trò chủ lực trên thị trường tài chính nông thôn, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) còn là ngân hàng thương mại đi đầu trong phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại với hơn 220 sản phẩm, dịch vụ. Trong đó có nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng điện tử, mang đến nhiều tiện ích cho khách hàng, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí…, góp phần tích cực vào thành công của chủ trương phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, thực hiện tốt sứ mệnh phục vụ “Tam nông”.

Đẩy mạnh dịch vụ thẻ khu vực nông nghiệp, nông thôn

Thời điểm năm 2008, Agribank là ngân hàng thương mại đầu tiên hoàn thành dự án Hiện đại hóa hệ thống thanh toán nội bộ và kế toán khách hàng (IPCAS) do Ngân hàng Thế giới tài trợ.

Theo đó, toàn bộ hơn 2.000 chi nhánh và phòng giao dịch Agribank trên toàn quốc được kết nối trực tuyến. Đây là một trong những nền tảng quan trọng để Agribank thực hiện đề án Phát triển và cung ứng sản phẩm dịch vụ, nhất là trên nền tảng ứng dụng công nghệ hiện đại, đáp ứng kịp thời nhu cầu thanh toán hiện đại của mọi người dân.

Với mốc chủ thẻ thứ 5 triệu đạt được vào tháng 7/2010, đến năm 2019, dịch vụ thẻ Agribank tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng, phát triển ổn định cả về quy mô, số lượng và chất lượng dịch vụ, giữ vững vị trí Top 3 ngân hàng dẫn đầu thị trường, dẫn đầu tại khu vực nông thôn.

Chưa dừng tại đó, từ tháng 9/2019, Agribank chính thức triển khai đề án Đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn.

Thẻ thấu chi cho bà con nông dân với hạn mức 30 triệu đồng/thẻ là một trong những sản phẩm mới nhất với mục tiêu góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, cung ứng đa dạng sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ, kênh thanh toán ngân hàng điện tử…

Tính đến 30/6/2020, đề án bước đầu phát huy hiệu quả, minh chứng qua những con số cụ thể: Số lượng phát hành gần 75.500 thẻ và 1.732 POS được lắp mới, hạn mức thấu chi đã cấp hơn 300 tỷ đồng, dư nợ thấu chi tài khoản đạt gần 214 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Nhiều, Phó chủ tịch UBND xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, Long An nói: “Cách đây 3-4 năm, tình trạng nông dân trên địa bàn mất đất, mất vườn vì 'tín dụng đen' không hiếm. Nhờ có vốn và đặc biệt là sản phẩm thẻ thấu chi nông nghiệp của Agribank, tình trạng này đến nay không còn xuất hiện”.

Việc triển khai đề án này sẽ sớm hiện thực hóa mục tiêu chủ động “đi tắt, đón đầu” của Agribank nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh có sự phát triển mạnh mẽ của các công ty Fintech, trung gian thanh toán trên thị trường.

Đồng thời, đề án tiếp tục khẳng định vai trò của Agribank trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn, là người bạn đồng hành đáng tin cậy của bà con nông dân, góp phần đầy lùi tín dụng đen trên địa bàn nông thôn.

Bên cạnh đó, Agribank mong muốn xây dựng hệ sinh thái khép kín qua ngân hàng giữa khách hàng sử dụng thẻ và nhà cung ứng sản phẩm dịch vụ, mở rộng mạng lưới đơn vị chấp nhận thẻ tại địa bàn nông nghiệp, nông thôn, nhất là các đơn vị cung cấp dịch vụ công như: điện, nước, viễn thông, học phí, viện phí… và các đơn vị/cá nhân cung ứng vật tư nông nghiệp, thu mua nông sản.

Mở rộng thanh toán dịch vụ công điện tử

Thực hiện đề án Khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế và đề án Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công của Chính phủ và kế hoạch, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, Agribank đã phối hợp cùng Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan xây dựng Cổng thanh toán thuế điện tử AGRITAX (Agribank Tax Payment System) để phục vụ thực hiện nộp thuế vào ngân sách nhà nước. Hệ thống này gồm giao dịch nộp thuế tại quầy, nộp thuế qua Internet Banking của Agribank và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Cổng thanh toán thuế điện tử AGRITAX của Agribank được xây dựng trên nền tảng công nghệ hiện đại, tập trung, kết nối trực tuyến với Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và có tương tác trực tiếp với Corebanking của Agribank.

Hệ thống AGRITAX được triển khai đồng bộ, rộng khắp đến 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn quốc, từ nông thôn, thành thị cho đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, góp phần hỗ trợ khách hàng thuận lợi như giảm thời gian thu - nộp thuế, chỉ cần có thiết bị được kết nối internet, khách hàng có thể thực hiện giao dịch mọi lúc mọi nơi 24/7, kể cả ngày lễ tết…

Đồng thời, giúp cơ quan quản lý nhà nước tăng cường hiệu quả công tác quản lý thuế, giảm thời gian và giảm tải giao dịch nộp thuế, phí, lệ phí, thu phạt giao thông, xử lý thông tin thu nộp dịch vụ công nhanh chóng, chính xác, góp phần đa dạng hóa các kênh thu ngân sách nhà nước.

Với nỗ lực đó, từ ngày 1/6/2020, Agribank vinh dự được lựa chọn là 1 trong 3 ngân hàng (Agribank, VietinBank, Vietcombank) được Chính phủ tin tưởng lựa chọn là kênh thanh toán trung gian với Cổng dịch vụ công quốc gia.

Giao dịch ngân hàng trực tuyến - phương thức giao dịch an toàn, tiện ích

Với số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ đạt khoảng 5,8 triệu khách hàng, Agribank E-Mobile Banking là một trong số dịch vụ ngân hàng điện tử được đông đảo khách hàng lựa chọn bởi cho phép khách hàng sử dụng nhiều dịch vụ tài chính - ngân hàng như vấn tin tài khoản, kiểm tra số dư, xem thông tin tài khoản và tra cứu lịch sử giao dịch; chuyển khoản; nạp tiền điện thoại trả trước; mua thẻ game, thẻ điện thoại; thanh toán hóa đơn; thông tin về ngân hàng; nộp tiền ví điện tử VnMart; báo cáo giao dịch…

Đồng thời, cho phép khách hàng sử dụng nhiều dịch vụ phi tài chính - ngân hàng như trao đổi thông tin; đặt vé máy bay; quản lý đầu tư; tra cứu thông tin, gửi tiền trực tuyến…

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, Agribank đã nỗ lực triển khai thực hiện đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020, đẩy mạnh cung ứng dịch vụ trên nền tảng công nghệ số, cải tiến, nâng cấp các sản phẩm, dịch vụ hiện có; phát triển, triển khai các dịch vụ mới; đa dạng hóa các kênh cung ứng sản phẩm, dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Cùng với lợi thế về mạng lưới, cơ sở dữ liệu khách hàng lớn (tính đến 31/12/2019, Agribank có trên 13 triệu tài khoản thanh toán, gần 10 triệu người dùng Mobile Banking, trên 200.000 khách hàng sử dụng Internet Banking), khách hàng của Agribank có thể trải nghiệm các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Trong giai đoạn tới, Agribank phát triển và hoàn thiện các kênh phân phối theo hướng mở rộng mạng lưới kênh phân phối truyền thống kết hợp với đẩy mạnh phát triển các kênh giao dịch ngân hàng điện tử E-banking, Mobile Banking, Internet Banking… trên nền tảng công nghệ hiện đại; hoàn thiện hệ thống sản phẩm, dịch vụ và nâng cao chất lượng và an toàn giao dịch trên kênh phân phối điện tử; nghiên cứu, phát triển kênh phân phối ngân hàng tự động (Auto Banking) nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường và đúng định hướng về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Triển khai đề án Chiến lược kinh doanh giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến 2030 với mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh, đa dạng hóa các hoạt động kinh doanh, Agribank xây dựng và triển khai đề án Chiến lược phát triển sản phẩm - dịch vụ (SPDV) giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, đề án SPDV sẽ lấy khách hàng là trung tâm, mở rộng cơ sở khách hàng, phát triển khách hàng mở mới tài khoản và sử dụng dịch vụ tiện ích, cung ứng các giải pháp thanh toán đồng bộ cho mọi đối tượng khách hàng...

Tính đến 31/12/2019, tổng thu dịch vụ toàn hệ thống đạt 6.695 tỷ đồng, tăng 24,5% so với năm 2018, hoàn thành 108,3% kế hoạch năm 2019, vượt mục tiêu chiến lược đến năm 2020. Đây là mức tăng trưởng lớn nhất từ trước đến nay về tổng thu dịch vụ của Agribank và tăng 2,2 lần so với thu dịch vụ năm 2015.

Trong đó, dịch vụ thanh toán hóa đơn đạt 16,78 triệu giao dịch (tăng 56,31%) với doanh số đạt 39.200 tỷ đồng (tăng 58,66%); dịch vụ thu ngân sách nhà nước đạt 7,38 triệu giao dịch với doanh số đạt 187.500 tỷ đồng; thanh toán song phương với Kho bạc Nhà nước đạt 8,26 triệu giao dịch (tăng 13,62%) với doanh số đạt 975.360 tỷ đồng (tăng 6,98%).

Thu từ dịch vụ thẻ tính đến cuối tháng 9/2020 của Agribank đạt 1.634 tỷ đồng, tăng 38% và chiếm tỷ trọng 24,4% trong tổng thu dịch vụ; tổng số thẻ đang hoạt động đạt trên 12,6 triệu thẻ, tăng 6%; số thẻ phát hành lũy kế đạt 27,48 triệu thẻ, chiếm thị phần 16%; doanh số thanh toán và doanh số sử dụng thẻ lần lượt đạt trên 572.000 tỷ đồng và 418.000 tỷ đồng; số lượng ATM đạt 3.061 máy (chiếm 16% thị phần); EDC/POS đạt 24.554 thiết bị; dư nợ cho vay qua thẻ tín dụng đạt 355 tỷ đồng (tăng 22%).

Đối với dịch vụ nộp thuế điện tử, có 160.000 tổ chức, doanh nghiệp đăng ký dịch vụ. Giao dịch nộp thuế thành công đạt gần 7,187 triệu món với tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước đạt gần 185.000 tỷ đồng.

Thu từ dịch vụ E-Banking tính đến 31/12/2019 đạt 646 tỷ đồng, tăng 65,6% - mức cao nhất từ tước tới nay. Số khách hàng sử dụng Mobile Banking đạt khoảng 9,86 triệu khách hàng (tăng 2,42 triệu khách hàng, tương ứng tăng 32,5%).

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục