Theo đó, trong năm 2017, DCM dự kiến tiêu thụ 752.000 tấn ure thương mại, 30.000 tấn sản phẩm mới các loại và kinh doanh 75.000 tấn phân bón khác trên thị trường với tổng doanh thu dự kiến đạt trên 5.300 tỷ đồng, tăng 10% so với doanh thu năm 2016.
Tính riêng trong 2 tháng đầu năm, Nhà máy Đạm Cà Mau đã luôn duy trì công suất gần 110%, sản lượng sản xuất 153.000 tấn và sản lượng tiêu thụ đạt trên 120.000 tấn.
Việc Bộ Công thương đã đề xuất Chính phủ đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế giá trị gia tăng ở mức 0% thay vì miễn thuế như hiện tại cũng sẽ giúp giảm chi phí giá vốn cho các doanh nghiệp trong ngành phân bón đạt được hiệu quả sản xuất kinh doanh tốt hơn.
Ngoài ra, nhu cầu phân bón trong nước năm nay có thể tăng trưởng do thời tiết bớt gay gắt hơn. Ngay trong 15 ngày đầu tháng 2/2017, theo tin từ Bộ Công thương, giá phân Ure trong nước đã tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước khoảng 100 – 200 đồng/kg, phổ biến ở mức 7.300 – 7.600 đồng/kg.
Cùng với đó, mới đây DCM cũng đã hoàn thành việc lắp đặt và vận hành hệ thống điều khiển quy trình công nghệ nâng cao (APC) với mục đích tiếp tục ổn định quy trình công nghệ, tiết kiệm tiêu hao năng lượng, đảm bảo nhà máy hoạt động ổn định ở công suất cao.
Nhờ đó, nhà máy đạm Cà Mau đã cán mốc sản lượng 4 triệu tấn thương mại chỉ sau 5 năm nhà máy đi vào vận hành, sớm hơn kế hoạch ban đầu nhiều tháng.
Trong năm 2016 vừa qua, DCM đã tiêu thụ trực tiếp xuống nông dân của ure Đạm Cà Mau chiếm gần 40% thị trường, trong đó tại Tây Nam Bộ, tỷ lệ này là 56%.
Tại thị trường Campuchia, năm 2016, DCM đã xuất khẩu 75.725 tấn ure với doanh thu đạt 411.2 tỷ đồng, tăng 89,8% so với năm 2015.
Năm 2017, DCM dự kiến xuất khẩu sang thị trường này khoảng 80.000 tấn ure, đồng thời xuất khẩu thêm một số sản phẩm khác như NPK, DAP mang thương hiệu Đạm Cà Mau.