Những câu chuyện trên có thể coi như những lời cảnh báo và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những bước đi đầu tiên. Tuần trước, cơ quan này đã gửi các ngân hàng thương mại lấy ý kiến về bản dự thảo sửa đổi Quyết định số 457/2005/QĐ-NHNN về đảm bảo các tỷ lệ an toàn trong hoạt động của ngân hàng thương mại. Bình luận về dự thảo này, một lãnh đạo ngân hàng thương mại nhà nước nói: "Dù hơi bất ngờ, nhưng rất nên làm".
Hợp lý…
Điều gây bất ngờ với vị lãnh đạo ngân hàng trên là điều chỉnh về tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Theo dự thảo, tỷ lệ này lần đầu tiên sau nhiều năm được điều chỉnh giảm từ 40% xuống còn 30%. Tháng 5/2003, tỷ lệ này được tăng từ 20% lên 30% và tháng 4/2005 tiếp tục được tăng lên mức 40% như hiện nay.
Như ĐTCK đã đề cập trong số báo trước, song song với việc giảm tỷ lệ này, NHNN còn thay đổi phương thức theo dõi dòng tiền qua kỳ hạn thực tế, thay vì kỳ hạn danh nghĩa như trước đây.
Có thể coi hai sự thay đổi này như hai bước siết chặt lại việc cung cấp tín dụng, vốn được nới lỏng nhằm phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong nhiều năm qua. Bởi lẽ, xưa nay các ngân hàng thường dùng cách riêng của mình để "biến" một phần khoản tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng thành trên 12 tháng để giảm bớt tỷ lệ dự trữ bắt buộc.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Thanh, Viện trưởng Viện Phát triển ngân hàng (trực thuộc NHNN), dù hiện nay rủi ro với hệ thống ngân hàng hoàn toàn trong tầm kiểm soát, nhưng bước đi cẩn trọng này là cần thiết. "Từ lâu, NHNN đã có kế hoạch giảm bớt tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, nâng cao sự an toàn của hệ thống; việc tiến thêm một bước để kiểm soát rủi ro vào thời điểm này cũng là phù hợp", bà Thanh nói.
Trên thực tế, việc nâng cao tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn giúp các ngân hàng có thể sử dụng nguồn vốn linh hoạt hơn khi người gửi tiền không muốn gửi dài hạn. Tuy nhiên, việc các ngân hàng, dưới áp lực lợi nhuận, lạm dụng điều này có thể gây ra mất an toàn cho cả hệ thống.
Cá biệt như trong năm 2007, một số ngân hàng thậm chí sử dụng vốn vay ngắn hạn trên thị trường liên ngân hàng để cho vay tại các kỳ hạn dài hơn với tỷ lệ cao. Hậu quả là năm 2008, chính những ngân hàng này "lĩnh đủ" khi phải chấp nhận huy động và vay lại các ngân hàng khác trên thị trường với lãi suất rất cao để bù đắp thanh khoản.
Do vậy, trong nhiều năm qua, các chuyên gia ngân hàng đã khuyến nghị một tỷ lệ hợp lý là 25 - 30%. Điều này cũng phù hợp với vai trò của ngân hàng thương mại là cung cấp dịch vụ và cho vay vốn thương mại, còn việc tài trợ vốn dài hạn cho doanh nghiệp nên sử dụng qua kênh TTCK, phát hành trái phiếu…
…nhưng cần thời gian
Hiện nay, theo tìm hiểu của ĐTCK, nhiều ngân hàng đang sử dụng 30 - 40% vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Để có thể điều chỉnh tỷ lệ này về mức 30% theo kỳ hạn tiền gửi thực tế, cần mất khá nhiều thời gian.
Trên thực tế, các ngân hàng đều có một sự lo ngại về thiếu hụt vốn cho vay trung và dài hạn, nếu tỷ lệ trên bị siết lại.
"Trong hoàn cảnh nền kinh tế chưa hồi phục hoàn toàn, người dân sẽ không gửi tiền dài hạn. Có lẽ, từ nửa cuối năm 2010 trở đi, khi nền kinh tế được kỳ vọng ổn định trở lại, áp dụng tỷ lệ này sẽ hợp lý hơn", vị lãnh đạo ngân hàng thương mại nhà nước nêu trên nhận định. Hiện tại, kỳ hạn tiền gửi trung bình của ngân hàng này chỉ xấp xỉ 6 tháng.
Trong hoàn cảnh lãi suất thị trường chưa ổn định, người gửi tiền có lý do để không gửi tiền dài hạn. Bởi lẽ, lãi suất có lẽ đã chạm đáy. Các ngân hàng đang liên tiếp tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài trên 12 tháng. Chỉ cần lãi suất cơ bản được tăng lên, mặt bằng lãi suất sẽ tăng theo.
Đương nhiên, NHNN sẽ phải cân nhắc thời điểm áp dụng quy định mới này. Siết tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn có thể khiến các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn trung và dài hạn hơn. Trong khi đó, ngoài nhiệm vụ đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, NHNN cũng phải chịu áp lực hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Nhiều ngân hàng tin rằng, rất khó triển khai quy định mới này ngay trong năm 2009.