Đảm bảo an toàn hệ thống tài chính, nhưng không "thắt mạch máu" của bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo quan điểm của Ngân hàng Nhà nước, việc ban hành Thông tư 06 là để đảm bảo an toàn hệ thống tài chính, tuy nhiên, đại diện nhiều hiệp hội, doanh nghiệp cho rằng, cần điều chỉnh cụ thể, rõ ràng hơn để tránh đánh đồng tất cả doanh nghiệp đều bị "trói".
Đảm bảo an toàn hệ thống tài chính, nhưng không "thắt mạch máu" của bất động sản

Cuộc họp rà soát Thông tư 06/2023 và Thông tư 03/2023 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì với sự tham dự của Thống đốc, 3 phó thống đốc và đại diện của các bộ, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội sáng 17/8 nhận được sự quan tâm của các thành viên thị trường.

Trước thời điểm cuộc họp diễn ra, Báo Đầu tư Chứng khoán ghi nhận ý kiến góp ý của nhiều chuyên gia khi cho rằng, Thông tư 06/2023/TT-NHNN ban hành ngày 28/6/2023 nếu có hiệu lực từ 1/9/2023 sắp tới sẽ tạo thêm "rào chắn" cho thị trường.

Cụ thể, quy định tăng thêm từ 6 lên 10 trường hợp mà tổ chức tín dụng không được cho vay, sẽ dẫn đến tình trạng một số khách hàng có nhu cầu vay vốn, trong đó có các doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà và nhà đầu tư sẽ không tiếp cận được tín dụng.

Trong đó, nổi bật nhất là quy định tổ chức tín dụng không được cho vay để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn (hoạt động M&A).

Tại cuộc họp sáng 17/8, dù đồng tình với việc NHNN cần triển khai các biện pháp để bảo đảm an toàn hệ thống tổ chức tín dụng, tránh tình trạng sở hữu chéo, cho vay đối với doanh nghiệp nội bộ, doanh nghiệp sân sau, nhưng đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội cho rằng, khoản 8, Điều 8, Thông tư 39, được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 06/2023/TT-NHNN, cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn, để tránh gây ảnh hưởng tới các hoạt động bình thường của doanh nghiệp bất động sản trong đầu tư, M&A, tái cơ cấu...

Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho hay, nếu áp dụng đúng các quy định của Thông tư 06, rất nhiều dự án đang bị vướng mắc pháp lý hoặc đang thiếu vốn chưa đủ điều kiện để triển khai tiếp, nếu không được cho vay thì doanh nghiệp coi như “đứng hình”, không có cơ hội xoay chuyển. Chưa kể, hiện nay M&A đang được coi là một kênh góp phần hỗ trợ tích cực, mở ra lối thoát cho doanh nghiệp và cho cả thị trường.

"Thay vì tạo điều kiện, nới lỏng và hỗ trợ cho hoạt động M&A, Thông tư 06 có nguy cơ khiến hoạt động này trở nên khó khăn hơn", ông Thanh nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, đưa ra điều kiện “dự án bất động sản đủ điều kiện đưa vào kinh doanh” mới cho vay theo quy định tại Điều 9 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 là không hợp lý. Nếu dự án “đã đủ điều kiện đưa vào kinh doanh” thì chủ đầu tư không dại gì đi vay tín dụng ngân hàng với lãi suất cao, bởi lúc này, chủ đầu tư đã được phép huy động tiền từ khách hàng (được bán nhà hình thành trong tương lai).

Ngoài ra, quy định cấm cho vay của khoản 9 Điều 8 Thông tư 39/2016/TT-NHNN (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 06/2023/TT-NHNN) không chỉ tác động đến hoạt động kinh doanh bất động sản thuộc “ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện”, mà còn tác động “tiêu cực” đến đầu tư phát triển nói chung. Bởi lẽ, nó áp dụng đối với mọi dự án đầu tư, nên một số dự án đầu tư khác cũng sẽ bị rơi vào trường hợp bị cấm cho vay, như các dự án đầu tư hạ tầng theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Theo quan điểm của ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), “trường hợp các dự án không đủ điều kiện pháp lý" thì quy định đã rất chính xác, bởi mặc nhiên các dự án này không đủ điều kiện để đưa vào khai thác.

Tuy nhiên, ông Hiệp cho rằng, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh Bất động sản đều cho phép chủ đầu tư bán nhà ở hình thành trong tương lai khi đủ điều kiện theo quy định, đây là đặc thù của bất động sản Việt Nam. Do vậy, nếu chúng ta hiểu không chính xác câu chữ trong quy định tại Thông tư 06 thì tự nhiên nguồn tín dụng này bị thắt chặt lại, trở nên rất khó cho các chủ đầu tư.

Kết luận tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, Chính phủ rất quan tâm, luôn lắng nghe phản ánh từ thực tế để kịp thời có những chỉ đạo nhằm tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp ổn định và phát triển bền vững, trong đó có doanh nghiệp bất động sản.

Phó Thủ tướng nêu rõ, NHNN có 2 chức năng rất quan trọng. Một là điều hành chính sách tiền tệ, đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế. Hai là đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Đây là việc rất khó, đòi hỏi phải có sự kết hợp các giải pháp hài hòa, linh hoạt, hiệu quả.

Phó Thủ tướng đề nghị NHNN căn cứ quy định của pháp luật, chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao, cũng như tình hình thực tế, nghiên cứu kỹ lưỡng những kiến nghị, đề xuất xác đáng của doanh nghiệp, làm rõ bản chất vấn đề để có giải pháp điều chỉnh phù hợp, đúng pháp luật, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản trong điều kiện hiện nay.

Ninh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục