Văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, UBND Tỉnh đã ban hành Công văn đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia vào công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Theo đó, để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các dự án trọng điểm giai đoạn 2022-2025, chính quyền tỉnh Đắk Nông yêu cầu phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác thu hồi đất, bồi thường GPMB.
Trong đó, xác định công tác GPMB là nhiệm vụ chính trị trọng tâm; tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 24/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh đến công tác tuyên truyền về các chủ trương của Đảng, quy định, chính sách của Trung ương và của tỉnh về GPMB và vai trò, ý nghĩa quan trọng, cấp thiết của công tác GPMB đối với việc thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Tỉnh Đắk Nông cũng chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác GPMB, xử lý nghiêm các vi phạm để tạo lòng tin của Nhân dân trong việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng. Thực hiện tiếp công dân, đối thoại giải quyết khiếu nại, tố cáo, theo quy định, đảm bảo tốt nhất quyền lợi của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật, phòng ngừa khiếu kiện phức tạp, kiên quyết không để hình thành “điểm nóng”.
Đồng thời ngăn chặn kịp thời các trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng, tạo lập trái phép tài sản trên đất nhằm mục đích trục lợi khi Nhà nước thu hồi đất. Thực hiện nghiêm việc cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất và bảo vệ thi công đối với các trường hợp cố tình chống đối, không chấp hành Quyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Theo Sở KH&ĐT tỉnh Đắk Nông, đến nay tỉnh đã thu hút đầu tư 396 dự án với tổng vốn đăng ký trên 74.000 tỷ đồng.
Trong đó thu thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI là 12 dự án với tổng vốn đầu tư 7.261 tỷ đồng, chiếm 9,8% tổng vốn đăng ký; Thu hút vốn đầu tư trong nước là 384 dự án với tổng vốn đầu tư là 66.739 tỷ đồng, chiếm 90,2% tổng vốn đăng ký.
Cụ thể lĩnh vực công nghiệp và điện năng có 125 dự án, chiếm 31,5% tổng số dự án đầu tư, tập trung vào các dự án nhà máy sản xuất, chế biến gạch không nung, đá, các sản phẩm như cà phê, hồ tiêu, phân bón, nhà máy điện năng lượng mặt trời, điện gió, công trình thủy điện…
Lĩnh vực nông lâm nghiệp có 117 dự án, chiếm 29,5% tổng số dự án đầu tư, chủ yếu là các dự án trang trại nuôi heo, Dự án phát triển vùng tiêu sạch và tiêu sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, trồng rừng…
Lĩnh vực hạ tầng, đô thị có 45 dự án, chiếm 11,4% tổng số dự án đầu tư, tập trung vào các dự án về khu văn phòng nhà ở, hạ tầng kỹ thuật khu dân cư, khu nhà ở xã hội…