Đắk Lắk kiến nghị xử lý trách nhiệm 2 giám đốc sở liên quan đến Việt Á

0:00 / 0:00
0:00
Thanh tra tỉnh Đắk Lắk đề nghị kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức xử lý phù hợp đối với Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Sở Tài chính và các cá nhân liên quan đến sai phạm trong mua sắm thiết bị y tế.
Trụ sở Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk. (Nguồn: Suckhoedoisong.vn). Trụ sở Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk. (Nguồn: Suckhoedoisong.vn).

Tại Kết luận thanh tra chuyên đề số 07/KL-TTr ngày 1/8, Thanh tra tỉnh Đắk Lắk đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm, vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Cùng với việc kiến nghị chuyển cơ quan Công an điều tra, xử lý theo pháp luật 4 gói thầu có dấu hiệu sai phạm hình sự, Thanh tra tỉnh còn kiến nghị thu hồi số tiền hơn 9 tỷ đồng; kiểm điểm và xử lý nhiều tổ chức, cá nhân có liên quan.

Theo Kết luận thanh tra, trong hai năm 2020-2021, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện 402 gói thầu mua sắm tra thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống COVID-19 với tổng số tiền là 375,3 tỷ đồng. Trong số đó, năm 2020 thực hiện 67 gói thầu, năm 2021 thực hiện 335 gói thầu mua sắm.

Thanh tra tỉnh đã thanh tra tại 9 đơn vị, gồm Sở Y tế và một số đơn vị trực thuộc, Ủy ban nhân dân một số huyện, thành phố.

Sở Y tế Đắk Lắk thực hiện 44 gói thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống COVID-19, với tổng số tiền 281,5 tỷ đồng. Thanh tra tỉnh đã thanh tra 33/44 gói thầu, trong đó có 7 gói đấu thầu rộng rãi, 26 gói chỉ định thầu rút gọn.

Qua quá trình xác minh, Thanh tra tỉnh Đắk Lắk đã chỉ ra những tồn tại. Trong việc mua sinh phẩm xét nghiệm, sau khi có chủ trương mua sắm, đơn vị đã xác định và giao cho nhà thầu có năng lực thực hiện ngay gói thầu. Tuy nhiên, qua kiểm tra hồ sơ chưa thấy thể hiện việc công khai, minh bạch trong việc lựa chọn loại test nhanh để mua sắm, chỉ lựa chọn một loại test duy nhất để thẩm định, xây dựng giá gói thầu.

Sở Y tế không tổ chức họp Hội đồng khoa học, Đảng ủy, Ban lãnh đạo đơn vị... để phân tích, đánh giá ưu, nhược điểm, giá cả, năng lực để quyết định lựa chọn.

Đối chiếu với danh sách các trang thiết bị y tế, sinh phẩm, xét nghiệm SARS-CoV-2 đã được cấp sổ đăng ký, giấy phép nhập khẩu kèm thông tin hiệu năng, khả năng cung ứng và giá bán do Bộ Y tế thông báo cho thấy, Sở Y tế Đắk Lắk phê duyệt dự toán 6 gói thầu mua sắm sinh phẩm xét nghiệm thuộc nhóm 6, có đơn giá cao hơn so với một số loại sinh phẩm xét nghiệm thuộc nhóm 5 hoặc cùng nhóm 6.

Đối với việc xác định nhu cầu mua sắm trang thiết bị, Sở Y tế Đắk Lắk đã lựa chọn một số trang thiết bị y tế để mua sắm có số lượng vượt, hoặc không có trong đề xuất của Hội đồng khoa học, với tổng kinh phí 11,7 tỷ đồng.

Qua kiểm tra hồ sơ thẩm định giá của 33 gói thầu cho thấy, đơn vị tư vấn thẩm định giá (do chủ đầu tư là Sở Y tế thuê) chỉ thực hiện so sánh trên 3 báo giá hoặc đưa ra 3 đơn giá tài sản của các đơn vị cung cấp, nhưng không có tài liệu, báo giá chứng minh. Quá trình thẩm định giá chưa khảo sát thực tế, thu thập thông tin… về tài sản cần thẩm định giá, không đầy đủ các nội dung theo quy định.

Tại một số gói thầu, mặc dù thuê đơn vị tư vấn thẩm định giá và được cung cấp chứng thư nhưng Sở Y tế không căn cứ vào đơn giá của chứng thư thẩm định giá mà đưa ra một đơn giá khác (thấp hơn) để xác lập và xác định giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu để Sở đề nghị Sở Tài chính thẩm định giá.

Thanh tra tỉnh xác định sau khi nhận được văn bản của Sở Y tế đề nghị thẩm định giá, Sở Tài chính chưa tuân thủ đúng quy trình thẩm định giá theo quy định. Sở Tài chính chủ yếu căn cứ vào hồ sơ, tài liệu và chứng thư thẩm định do Sở Y tế cung cấp để xem xét và cho ý kiến về giá mua sắm.

Sau khi có kết quả thẩm định giá của Sở Tài chính, chủ đầu tư tiến hành xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Sở Tài chính thẩm định, tham mưu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, giao chủ đầu tư tiến hành thủ tục đấu thầu mua sắm.

Qua khảo sát giá trúng thầu của 6 trang thiết bị y tế so với giá nhập khẩu (sau khi trừ thuế, phí, lợi nhuận), về giá trị mua sắm chênh lệch bình quân là 212,18% với tổng số tiền là hơn 16,8 tỷ đồng (tổng giá trị trúng thầu là hơn 31,8 tỷ đồng), không cao hơn giá trị gói thầu được phê duyệt.

Sở Y tế lập và phê duyệt dự toán 4 gói thầu đầu tư hệ thống y tế trung tâm có khí nén và áp lực âm; hệ thống bồn chứa ôxy hóa lỏng phục vụ cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 tính thừa khối lượng với số tiền 378 triệu đồng…

Thanh tra tỉnh Đắk Lắk chỉ rõ trong công tác nghiệm thu, bàn giao, quản lý sử dụng Sở Y tế còn để xảy ra nhiều tồn tại như: một số gói còn chậm tiến độ, phải ra hạn thực hiện, ảnh hưởng đến yêu cầu cấp bách phục vụ phòng, chống dịch.

Thanh tra phát hiện đến thời điểm ngày 26/3/2022, Sở Y tế Đắk Lắk còn tồn kho 39.000 sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2.

Trong việc quản lý, sử dụng nguồn thu dịch vụ test nhanh COVID-19, Thanh tra tỉnh phát hiện 13 đơn vị trực thuộc Sở Y tế đã thực hiện thu phí chưa đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế với tổng số tiền thu vượt hơn 9,1 tỷ đồng.

Từ kết quả trên, Thanh tra tỉnh đề nghị Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có sai phạm nộp 9,1 tỷ đồng thu vượt vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra tỉnh.

Đồng thời, Sở chỉ đạo Phòng Kế hoạch-Tài chính và các đơn vị, cá nhân có liên quan giảm trừ quyết toán 427 triệu đồng của các gói thầu nêu trên; tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm theo thẩm quyền, có hình thức xử lý phù hợp với các tổ chức, cá nhân thuộc sở có liên quan trong việc tham mưu, tổ chức thực hiện việc mua sắm để xảy ra khuyết điểm, tồn tại như đã nêu tại kết luận.

Chánh Thanh tra tỉnh đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh giao Giám đốc Sở Nội vụ tham mưu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh tổ chức kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức xử lý phù hợp đối với Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Sở Tài chính và các cá nhân thuộc thẩm quyền có liên quan đối với các khuyết điểm nêu trong kết luận.

Tại bản Kết luận này, Thanh tra tỉnh Đắk Lắk kiến nghị chuyển hồ sơ 4 gói thầu mua sắm do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh làm chủ đầu tư, có dấu hiệu của hành vi thiếu trách nhiệm gây thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước, vi phạm quy định của pháp luật về đấu thầu sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, ngày 27/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh tống đạt quyết định khởi tố bị can 5 cán bộ, nhân viên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, gồm Giám đốc Trịnh Quang Trí, Trưởng Phòng Tài chính-Kế toán Trần Thanh Mỹ, nhân viên Khoa Xét nghiệm Trần Thị Nguyên Hằng, nhân viên khoa Dược Trần Thị Mai Anh, Phó Khoa Xét nghiệm Đặng Minh Tuyết.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh cũng khởi tố Đinh Lê Lê Na, nhân viên kinh doanh của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á.

Sáu bị can bị khởi tố tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Cơ quan điều tra bắt tạm giam ba bị can gồm: Trịnh Quang Trí, Trần Thanh Mỹ, Trần Thị Nguyên Hằng; còn lại bị cấm đi khỏi nơi cư trú.

Theo kết quả điều tra ban đầu, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã mua hơn 63.000 sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2, với tổng giá trị trên 13 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á.

Sau khi nhận tiền thanh toán, Công ty cổ phần công nghệ Việt Á đã chuyển vào tài khoản của Đinh Lê Lê Na hơn 3 tỷ đồng để chi hoa hồng cho những người nói trên.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục