UBND tỉnh Đắk Lắk vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương đề xuất cơ chế phát triển thương mại biên giới. Theo văn bản này, để phát triển kinh tế vùng biên, tỉnh Đắk Lắk đề nghị Chính phủ xem xét, ban hành cơ chế chính sách đặc thù phát triển kinh tế -xã hội tuyến biên giới đất liền cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương trong giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 tầm nhìn đến năm 2035.
Đề nghị xem xét ban hành cơ chế chính sách đặc thù và ưu đãi phát triển kinh tế xã hội gắn với quốc phòng- an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2025, trong đó đề nghị hỗ trợ 100% vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương đối với dự án đầu tư nằm trong chương trình hợp tác, kết nghĩa giữa các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh biên giới Campuchia và Lào.
Ngoài ra, tỉnh Đắk Lắk đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ chuỗi sản xuất đến tiêu thụ, có tem, nhãn nhận diện, truy xuất nguồn gốc, phát triển các chuỗi siêu thị tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt đối với doanh nghiệp lớn có vai trò “đầu kéo”, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để sản xuất các mặt hàng xuất khẩu.
Các Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu hỗ trợ tham gia sàn thương mại điện tử quốc tế, tìm kiếm mở rộng thị trường, nguồn cung nguyên vật liệu đáp ứng tiêu chí xuất khẩu. Tận dụng ưu đãi từ Hiệp định tự do mà Việt Nam là thành viên, mở rộng các thị trường xuất khẩu mới, tránh bị lệ thuộc vào thị trường truyền thống, thông tin kịp thời về thị trường mới, kết nối doanh nghiệp tham gia thương mại nông sản điện tử.
Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk có cửa khẩu Đắk Ruê- Chi Miết nhưng vẫn chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng, tuyến đường Quốc lộ 29 từ tỉnh Phú Yên nối với cửa khẩu chưa được đầu tư. Vì vậy hoạt động thương mại vùng biên giới trong nhiều năm qua chưa phát huy được hết tiềm năng. Thống kê 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu vào thị trường Campuchia có 1 mặt hàng cà phê nhân 96 tấn, kim ngạch 244.000 USD.