DaiABank sáp nhập với HDBank, ai lợi?

(ĐTCK) Nếu thực sự có chuyện DaiABank sáp nhập vào HDBank, mỗi bên sẽ được lợi gì?
DaiABank sáp nhập với HDBank, ai lợi?

Mặc dù chưa có thông tin nào chính thức được công bố từ phía hai tổ chức tín dụng này và cả hai đã hoãn ngày họp ĐHCĐ bất thường như dự kiến (30 và 31/10), nhưng thị trường gần đây đang lan truyền thông tin NHNN đã nhất trí chủ trương cho DaiABank sáp nhập vào HDBank. Câu hỏi đặt ra là, nếu thực sự có chuyện DaiABank sáp nhập vào HDBank, mỗi bên sẽ được lợi gì?

DaiABank sáp nhập với HDBank, ai lợi? ảnh 1Hiện HDBank có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng

Bản chất sáp nhập

Trong hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) nói chung, trừ những thương vụ mang tính thù địch, mà theo đó, bên bị mua miễn cưỡng chấp nhận, hầu hết các thương vụ M&A tự nguyện đều được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Một chuyên gia kinh tế cho rằng, hoạt động M&A tại Việt Nam thường thể hiện theo ba hình thức: một là, M&A chiến lược, bao gồm tích hợp theo chiều ngang, tích hợp theo chiều dọc và tiếp cận các phân khúc thị trường còn hạn chế; hai là, M&A tài chính, khi giá của doanh nghiệp mục tiêu thấp hơn giá trị thực do sự suy giảm của TTCK, nhằm tận dụng cơ hội mua vào để đón đợi mức tăng trưởng có thể tăng cao của nền kinh tế và thị trường tài chính; ba là, M&A đa dạng hóa, kết hợp lợi ích tài chính, lợi ích từ việc hạ thấp chi phí vốn của doanh nghiệp và tạo giá trị ngay cả khi hoạt động của doanh nghiệp không sinh lợi. Nếu xét ở ba giác độ đó, sẽ thấy thương vụ sáp nhập giữa DaiABank vào HDBank được thực thi như một M&A chiến lược kết hợp đặc tính đa dạng hóa, nhiều hơn là M&A tài chính.

HDBank và DaiABank là hai doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đặc biệt - ngân hàng, nên quá trình sáp nhập nếu có cũng sẽ phải tuân theo những quy định đặc thù để đảm bảo không gây ra những xáo trộn trong hệ thống. Tuy nhiên, việc sáp nhập cũng sẽ có những thuận lợi nhất định từ kinh nghiệm của các trường hợp đã diễn ra thành công, như Habubank sáp nhập vào SHB.

 

Lợi ích cho nhiều phía

Ở phương diện M&A chiến lược, nếu việc tích hợp giữa HDBank và DaiABank thành công, điều này sẽ mang đến lợi ích cho cả hai bên. Thứ nhất, hiện tại, theo báo cáo tài chính có kiểm toán của hai bên thì vốn điều lệ của DaiABank là 3.100 tỷ đồng, của HDBank là 5.000 tỷ đồng. Nếu sáp nhập, tổng vốn điều lệ của ngân hàng sau sáp nhập sẽ đạt 8.100 tỷ đồng, nhanh chóng đáp ứng được yêu cầu về quy mô vốn ngân hàng cũng như tăng sức mạnh tài chính, cạnh tranh.

Ngân hàng sau sáp nhập sẽ có vốn điều lệ thuộc nhóm dẫn đầu toàn ngành ngân hàng. Tổng tài sản, theo số liệu kế hoạch 2012 mà hai ngân hàng đã công bố, sẽ là khoảng 82.810 tỷ đồng, trong đó, của HDBank là 58.000 tỷ đồng và của DaiABank là 24.810 tỷ đồng.

Theo nguồn tin đáng tin cậy, việc hoán đổi cổ phần được dự kiến như sau: 1 cổ phần DaiABank được hoán đổi ngang với 1 cổ phần HDBank. Xét về quy mô, hiệu quả hoạt động, thương hiệu, thị trường… thì các cổ đông của DaiABank được lợi hơn, vì trong thời điểm hiện nay, việc có được một cơ hội nâng cao giá trị cổ phiếu và tính thanh khoản là điều mà nhiều cổ đông của ngân hàng này mong muốn.

Bên cạnh đó, một sự tăng cường về quy mô, tài chính, năng lực quản trị cũng sẽ giúp ngân hàng sau sáp nhập có thể tận dụng được các mạng lưới chi nhánh hiện có để tăng cường huy động vốn và cho vay, cũng như cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính - ngân hàng, điều mà mỗi ngân hàng hiện nay, đặc biệt là DaiABank không có.

Trường hợp DaiABank và HDBank không giống trường hợp 3 ngân hàng hợp nhất thành SCB, vì không phải là các ngân hàng gặp vấn đề về thanh khoản hay nợ xấu. HDBank vẫn đang là ngân hàng ăn nên làm ra, với ROA là 1,06% và ROE là 14,22%. Còn DaiABank thì hiện đang ổn định, quy mô nhỏ nhưng khá an toàn.

Theo một chuyên gia ngân hàng, nếu thực sự thương vụ DaiABank sáp nhập vào HDBank thành công, thị trường cũng sẽ được hưởng lợi. Thêm một thương vụ sáp nhập có chất lượng, đồng nghĩa môi trường đầu tư tiến gần hơn tới thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, những mục tiêu mà NHNN đã đặt ra khi khuyến khích các ngân hàng sáp nhập và tái cấu trúc để tạo thành các định chế tài chính mạnh cũng sẽ đến gần.

Sau một thời gian các NHTM có nhiều biến cố phức tạp, giới đầu tư đang nóng lòng chờ đợi một kết quả “có hậu” từ thương vụ M&A chiến lược này.

> DaiABank và HDBank được chấp thuận sáp nhập

> Chủ tịch HĐQT HDBank: Đang xem xét khả năng hợp tác với ngân hàng khác

> Chủ tịch HĐQT DaiA Bank: Ngân hàng chưa có quyết định sáp nhập

Vân Linh
Vân Linh

Tin cùng chuyên mục