Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam: Cải thiện môi trường đầu tư để thu hút thêm vốn Nhật

Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang ở thời kỳ đẹp nhất, đặc biệt là trong các lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 4 đến 8/6/2017, ngài Umeda Kunio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam trao đổi với Báo Đầu tư về triển vọng quan hệ hợp tác giữa hai nước trong những lĩnh vực này.
Đại sứ Umeda Kunio Đại sứ Umeda Kunio

Thưa Đại sứ, ngài kỳ vọng gì về chuyến thăm Nhật Bản sắp tới của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong việc thúc đẩy đầu tư tại Việt Nam?

Trong chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, một hội nghị xúc tiến đầu tư quy mô lớn dự kiến sẽ được tổ chức tại Tokyo. Tại hội nghị này, sẽ có một số dự án đầu tư trực tiếp vào Việt Nam được công bố tiến độ triển khai.

Đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản vào Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng trưởng, tập trung vào ngành sản xuất và lĩnh vực năng lượng. Đầu tư trực tiếp nước ngoài có thể thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản với doanh nghiệp ngành hỗ trợ của Việt Nam. Điều này có thể góp phần phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, một ngành được Chính phủ Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng.

Tuy nhiên, để tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam theo hình thức này, cần phải cải thiện và đổi mới hơn nữa môi trường đầu tư của Việt Nam và điều quan trọng là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ phát biểu nêu rõ quyết tâm cải cách này tại Tokyo.

Vậy xu hướng đầu tư của Nhật Bản trong thời gian gần đây là gì, thưa Đại sứ?

Đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam trong 3 năm nay gia tăng về số lượng dự án, nhưng chỉ đi ngang về số vốn đầu tư. Cùng với sự phát triển kinh tế của Việt Nam, đầu tư trong ngành sản xuất đang chuyển dịch từ đầu tư hướng vào xuất khẩu sang đầu tư để phục vụ thị trường trong nước.

Trong các doanh nghiệp Nhật Bản đã hoạt động lâu năm tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp có nhóm phát triển sản phẩm là người Việt Nam, tạo ra những sản phẩm phù hợp với khẩu vị người Việt Nam trên cơ sở vận dụng công nghệ sản xuất của Nhật Bản, như doanh nghiệp sản xuất mì ăn liền (Hảo Hảo) hay doanh nghiệp sản xuất bánh gạo (Ichi).

Việt Nam và Nhật Bản đang đẩy mạnh hợp tác nông nghiệp tại Việt Nam. Đại sứ có thể cho biết triển vọng trong hợp tác nông nghiệp giữa hai nước?

Về lĩnh vực nông nghiệp, trong khuôn khổ Đối thoại Hợp tác Nông nghiệp Nhật - Việt do hai Chính phủ thực hiện, hai bên đang thúc đẩy liên kết giữa hợp tác kinh tế và đầu tư tư nhân, nhằm xây dựng chuỗi giá trị thực phẩm tại Việt Nam.

Các pháp nhân và doanh nghiệp nông nghiệp của Nhật Bản bắt đầu kinh doanh nông nghiệp tại những khu vực có thời tiết mát mẻ và dễ áp dụng các kỹ thuật nông nghiệp của nước này như Đà Lạt (Lâm Đồng), Mộc Châu (Sơn La).

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam và Nhật Bản mong muốn sẽ tăng cường các hoạt động này trong thời gian tới.

Thưa Đại sứ, Sáng kiến chung Nhật - Việt đã đem lại nhiều thành quả trong việc cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam?

Sáng kiến chung Nhật - Việt được bắt đầu vào năm 2003, đang bước sang giai đoạn 6. Sáng kiến này đã đem lại nhiều thành quả và phía Nhật Bản đang trao đổi với các bộ, ngành liên quan nhằm cải thiện môi trường đầu tư trong 7 lĩnh vực như: lao động - tiền lương, cơ chế luật (Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp…), nhập khẩu dược phẩm…

Để cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư của Việt Nam, công việc cấp bách là phải giải quyết 2 vấn đề mang tính cơ bản và căn bản.

Thứ nhất là xây dựng cơ chế thực hiện các mục tiêu chính sách. Việt Nam được mong đợi sẽ hoàn thiện cơ chế giám sát trong tổ chức của Chính phủ để có thể thực hiện một cách chắc chắn các mục tiêu đề ra.

Thứ hai là, các chi phí phát sinh về thủ tục hành chính được gọi là “chi phí không chính thức” khiến cho kinh tế Việt Nam thiếu tính minh bạch và là một trong những nguyên nhân chính (trong đó có cả vấn đề lương thấp của công chức nhà nước) gây trở ngại cho việc tăng năng suất. Và để cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhảy vọt trong thời gian tới, thì đây là những vấn đề mà Việt Nam cần phải vượt qua bằng mọi cách.

Thanh Tùng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục