Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam: Việt Nam đã thực hiện công tác chống dịch kiểu mẫu

Ông Daniel J.Kritenbrink, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam đã thực hiện công tác chống Covid-19 kiểu mẫu bằng việc áp dụng nhiều biện pháp để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc.
Ông Daniel J.Kritenbrink, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam. Ông Daniel J.Kritenbrink, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Thưa Đại sứ, là nước tiếp giáp Trung Quốc, nơi Covid-19 khởi phát, song Việt Nam đang kiểm soát dịch tốt với số ca nhiễm thấp và chưa có trường hợp tử vong. Theo ông, điều gì đã giúp Việt Nam đạt được kết quả như vậy?

Covid-19 đang có ảnh hưởng to lớn đến sức khỏe của hàng triệu người, đến các nền kinh tế và xã hội ở khắp mọi nơi. Việt Nam đã thực hiện công tác chống dịch Covid-19 kiểu mẫu bằng việc áp dụng nhiều biện pháp để ngăn chặn sự lây lan, bùng phát trên phạm vi lãnh thổ của mình. Đó là việc áp dụng cách tiếp cận toàn chính phủ bằng cách huy động các nguồn lực từ tất cả các thành phần trong Chính phủ; dựa trên đầu vào kỹ thuật của các đối tác quốc tế, như Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID); phát triển các hướng dẫn dựa trên bằng chứng và đào tạo các chuyên gia y tế và chuyên gia thí nghiệm để thực hiện các hướng dẫn này xuống địa phương; chủ động xác định các ca nhiễm và những người tiếp xúc, theo dõi để phát hiện dấu hiệu bệnh; chủ động trong công tác truyền thông bằng cách cung cấp thông tin qua trang web chính thống và hệ thống tin nhắn.

Trong nhiều năm qua, Hoa Kỳ đã tích cực hỗ trợ ngành y tế của Việt Nam. Ông có thể chia sẻ về sự hỗ trợ này?

Trong 20 năm qua, Mỹ đã dành hơn 706 triệu USD để hỗ trợ y tế và hơn 1,8 tỷ USD hỗ trợ chung cho Việt Nam. Là nước đi đầu trong phản ứng y tế và nhân đạo trước Covid-19, Hoa Kỳ đã hành động nhanh chóng để hỗ trợ các đối tác ASEAN, trong đó có Việt Nam. Kể từ khi dịch bệnh bắt đầu, Chính phủ Hoa Kỳ đã cung cấp khoảng 18,3 triệu USD hỗ trợ y tế và nhân đạo khẩn cấp cho các nước ASEAN.

Trên toàn cầu, kể từ ngày 26/3/2020, Hoa Kỳ đã cung cấp khoản đầu tư ban đầu trị giá gần 274 triệu USD cho hỗ trợ y tế khẩn cấp và nhân đạo để giúp đỡ các quốc gia có nhu cầu. Trong đó, có gần 100 triệu USD hỗ trợ y tế khẩn cấp từ Quỹ Dự trữ khẩn cấp y tế toàn cầu của USAID và 110 triệu USD hỗ trợ nhân đạo từ Tài khoản Hỗ trợ thiên tai quốc tế của USAID.

Dựa trên lịch sử hợp tác lâu dài với Việt Nam trong ngăn chặn, phát hiện và ứng phó với các mối đe dọa bệnh truyền nhiễm mới nổi, USAID sẽ cung cấp gần 4,5 triệu USD cho công tác chống Covid-19 của Bộ Y tế thông qua các đối tác như WHO, UNICEF, IMPACT MED, Save the Children…

Các đối tác của USAID sẽ hỗ trợ đào tạo nhân viên y tế để ứng phó với Covid-19, mua sắm vật tư cho giám sát dịch bệnh và quản lý các ca nhiễm; khám sàng lọc sức khỏe cộng đồng tại các điểm nhập cảnh; nâng cao năng lực chẩn đoán thí nghiệm; giáo dục và tham gia cộng đồng; phòng ngừa nhiễm lây nhiễm tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe.

Hai nước đang hợp tác thế nào trong phòng, chống Covid-19 và kế hoạch sắp tới của sự hợp tác này ra sao, thưa ông?

Hỗ trợ của Chính phủ Hoa Kỳ không chỉ về tài chính, mà còn tập trung vào hợp tác và hỗ trợ kỹ thuật. Sự phối hợp chặt chẽ trong theo dõi và ứng phó với Covid-19 giữa đội ngũ kỹ thuật giỏi của CDC Hoa Kỳ và Bộ Y tế Việt Nam đã cho thấy kết quả của sự hợp tác giữa hai bên suốt 20 năm qua. Thông qua đội ngũ nhân viên và các chương trình y tế công cộng, CDC của Hoa Kỳ hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp cho công tác giám sát, phân tích dữ liệu, thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, điều tra hiện trường và phòng ngừa, kiểm soát lây nhiễm.

CDC Hoa Kỳ hợp tác với WHO, Cục Quản lý dược, Cục Thú y và các viện y tế công cộng khu vực của Việt Nam để thường xuyên hỗ trợ xây dựng các hướng dẫn quốc gia về giám sát, kiểm dịch, xét nghiệm trong phòng thí nghiệm, phòng chống và kiểm soát lây nhiễm, đồng thời hỗ trợ đào tạo về thu thập mẫu và xét nghiệm Covid-19 cho 28 trung tâm CDC tại các tỉnh, thành phố, 30 bệnh viện và 9 phòng thí nghiệm thú y.

Qua đại dịch Covid-19, chúng ta có thể thấy, các mối đe dọa mới đối với sức khỏe cộng đồng nhanh chóng vượt qua biên giới. Bởi vậy, các nỗ lực y tế công cộng của chúng ta phải được chuẩn bị để phản ứng xuyên biên giới. CDC Hoa Kỳ đang trong quá trình thiết lập các nền tảng đa khu vực trên toàn cầu. Tôi vui mừng chia sẻ với bạn rằng, Hà Nội đã được chọn làm địa điểm cho trung tâm CDC Hoa Kỳ tại khu vực Đông Nam Á.

Trung tâm CDC này sẽ tập trung vào xây dựng năng lực giám sát và sử dụng dữ liệu, phòng thí nghiệm, phát triển nhân lực, chuẩn bị khẩn cấp và ứng phó với dịch bệnh. Cách tiếp cận này sẽ tăng cường khả năng thực hiện sứ mệnh của CDC Hoa Kỳ bằng cách phản ứng nhanh hơn, hiệu quả hơn đối với các mối đe dọa đối với sức khỏe con người ở bất cứ thời điểm nào.

Trong tương lai, chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục hợp tác với Chính phủ Việt Nam thông qua CDC Hoa Kỳ, USAID và các cơ quan khác, cũng như phối hợp với các đối tác khác.

Phương Hảo
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục