Chủ tịch NSC, bà Trần Thị Kim Liên cho biết, phương án này giúp Công ty huy động thêm 328 tỷ đồng, để đầu tư vào 3 việc chính: tăng tỷ lệ sở hữu ở các công ty mục tiêu; hiện đại hóa cơ sở vật chất, kỹ thuật, nâng cao năng lực tài chính. Cũng theo bà Liên, dù tăng vốn, NSC cam kết trả cổ tức từ 30-50% từ nay đến ít nhất là năm 2016. Có nhiều ý kiến tranh luận, nhưng cuối cùng, 95,7% cổ đông đồng thuận với phương án phát hành của HĐQT Về phía cổ đông, mặc dù rất ấn tượng với sự phát triển của NSC, cách trả cổ tức trong 9 năm sau cổ phần hóa, năm nào cũng trả cao (từ năm 2011, năm nào cũng trên 40%), nhưng có nhiều ý kiến đề xuất, Công ty nên tính lại về giá phát hành, để cổ đông hiện hành có thể “theo” được. Cổ đông Nguyễn Như Song đặt vấn đề: “Nếu phát hành giá cao, NSC sẽ gặp rủi ro nhiều cổ đông hiện hữu không đủ tiền mua tiếp, ý nghĩa vì quyền lợi của cổ đông ở đâu?”. Ông Song cho rằng, khi cổ đông không mua hết, NSC sẽ bán cho đối tác khác, có thể khiến NSC có nguy cơ bị thâu tóm.
Cũng là cổ đông NSC, ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó tổng giám đốc MaybankKimEng nhận định, NSC cần vốn mới để chủ yếu thực hiện M&A, nhưng “là người trong ngành chứng khoán, tôi muốn chia sẻ rằng, M&A không đơn giản, không dễ tạo ra giá trị”, ông Mạnh nói. Bên cạnh đó, ông Mạnh cũng bày tỏ lo ngại, khi cổ đông hiện hữu không đủ tiền mua thêm, thậm chí bán ra, NSC có nguy cơ bị thâu tóm bởi nhóm cổ đông mới, không tốt cho NSC về dài hạn. Một cổ đông khác nói, NSC cam kết trả cổ tức cao, 30-50%, nhưng nếu so với giá mua (65.000 đồng/CP), lãi suất thực tế không bằng gửi tiết kiệm…
Tranh luận sôi nổi hơn khi có cổ đông đề nghị NSC nên thay đổi phương án phát hành. “Theo đó, Công ty sẽ phát hành theo giá trị sổ sách (trên 30.000 đồng/CP), đồng thời phát hành trái phiếu chuyển đổi cho cổ đông”. Cách làm này đạt được 2 mục tiêu: NSC huy động được số vốn dự kiến, không gây áp lực giải ngân lượng tiền lớn cho HĐQT, đồng thời, cổ đông cũng dễ dàng tham gia hơn.
Trước tranh luận của cổ đông, Chủ tịch NSC chia sẻ, M&A đúng là chuyện không đơn giản, nhưng với ngành nghề đặc thù, nếu NSC phát triển được các công ty vệ tinh tại những khu vực sinh thái điển hình, thì đó là cơ hội “ngàn năm”. “Chúng ta đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội, vì thiếu cơ sở vật chất, thiếu kho dự trữ Chúng ta đang phải trả chi phí vận chuyển rất cao giữa các vùng miền”, bà Liên nói và cho biết, bà không thể chia sẻ hết chiến lược phát triển của NSC, nhưng NSC đang đứng trước cơ hội rất lớn để vươn mình, nhất là khi SCIC sắp thực hiện chủ trương thoái vốn tại nhiều DN, trong đó có những DN ngành giống.
Về nguy cơ bị thâu tóm, theo bà Liên, đã tham gia thị trường thì phải chấp nhận quy luật thị trường. “Cái NSC cần giữ duy nhất là ngành nghề kinh doanh cốt lõi và điểm này HĐQT đã thống nhất là ngành giống”, bà Liên nói. Liên quan đến các cổ đông hiện hữu, chủ yếu là CBCNV NSC, bà Liên cho biết, HĐQT sẽ có giải pháp hỗ trợ đối tượng này.
Cho đến trước giờ bỏ phiếu, Đại hội tiếp tục tranh luận sôi nổi về kế hoạch phát hành của NSC và theo bà Liên, quyền quyết định cuối cùng là của cổ đông, thông qua các lá phiếu. Kết quả, 95,7% cổ đông ủng hộ quan điểm của HĐQT về phương án phát hành, chỉ có hơn 4% cổ đông (khoảng 20 nhà đầu tư) bỏ phiếu không đồng ý. Cổ đông nhất trí ủy quyền cho HĐQT chọn thời điểm phát hành.
NSC dự kiến, năm 2016 sẽ chiếm 25% thị phần ngành giống cây trồng trên cả nước, đồng thời khẳng định vị thế số 1 về giống lúa thuần, giống ngô thực phẩm…
NSC đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất năm 2016 khoảng 2.000 tỷ đồng, trong đó, riêng NSC là 1.100 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2016 dự kiến 290 tỷ đồng, riêng NSC là 185 tỷ đồng.
Đại hội NSC: Hồi hộp đến phút chót
(ĐTCK) 90 cổ đông, đại diện cho 80,09% vốn điều lệ, tham dự Đại hội đồng cổ đông CTCP Giống cây trồng Trung ương (NSC) đã có cuộc thảo luận sôi nổi khi Công ty xin ý kiến việc chào bán 5,014 triệu cổ phiếu cho cổ đông, với giá 65.000 đồng/CP.