Đại hội đồng cổ đông PV GAS (GAS): Gặp thách thức cạnh tranh cung cấp LNG từ đối thủ bên ngoài

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sáng 16/4, Tổng công ty Khí Việt Nam (Mã chứng khoán: GAS - sàn HOSE) đã tổ chức Đại hội cổ đông năm 2021.
Đại hội đồng cổ đông PV GAS (GAS): Gặp thách thức cạnh tranh cung cấp LNG từ đối thủ bên ngoài

Theo ông Dương Mạnh Sơn, Tổng giám đốc PV GAS, năm 2020 gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, nhu cầu khí suy giảm và việc gia tăng năng lượng điện tái tạo đã ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu khí, một số sự cố về thượng nguồn dẫn tới sản lượng khí suy giảm. Bên cạnh đó, PV GAS đã song song chuyển đổi chuẩn mực kế toán từ tiêu chuẩn kế toán Việt Nam sang tiêu chuẩn kế toán quốc tế.

Kết thúc năm tài chính 2020, PV GAS ghi nhận doanh thu 64.134,97 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 7.971,8 tỷ đồng, lần lượt giảm 14,5% và 34% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 22,6% về còn 17,8%. Như vậy, kết thúc năm tài chính, PV GAS hoàn thành 120% kế hoạch lợi nhuận năm.

Doanh nghiệp tiếp tục thực hiện kế hoạch tái cơ cấu giai đoạn 2016 - 2020, chỉ đạo triển khai các thủ tục để thoái vốn tại PV Pipe và Gas South, nhận chuyển nhượng 20% phần vốn của PVE tại hợp đồng hợp tác kinh doanh tòa nhà PV GAS Tower, giải thể LNG VN, trình cấp có thẩm quyền chấp thuận phương hướng và chủ trương đầu tư vốn tại PETEC.

Dựa trên kết quả kinh doanh năm 2020, HĐQT GAS trình cổ đông kế hoạch cổ tức 30% và dự kiến năm 2021 là 25%.

Bước sang năm 2021, PV GAS đặt kế hoạch sản lượng khí vào bờ là 9.756 triệu m3, sản lượng khí sản xuất và tiêu thụ là 9.475 triệu m3. GAS dự kiến tổng doanh thu là 70.169 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 8.795 tỷ đồng, lần lượt tăng 6,9% và giảm 11,9% so với thực hiện trong năm 2020. Kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp dựa trên kịch bản giá dầu là 45 USD/thùng và tỷ giá là 23.500 đồng/USD.

Doanh nghiệp cho biết, năm 2021 gặp thách thức khi xuất hiện đơn vị ngoài tập đoàn cung cấp LNG là Công ty Năng lượng Hải Linh, đây sẽ là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với hoạt động của PV GAS trong năm 2021 và các năm tiếp theo.

Đối với thị trường LPG trong nước có sự cạnh tranh quyết liệt về nguồn cung (Hyosung, Pacific Petro), giá LPG biến động khó dự đoán. Trong khi đó, công tác tìm kiếm địa điểm/thị trường trong nước để triển khai các dự án/phát triển kinh doanh LNG là rất khó khăn. Trong trường hợp dự án đường ống dẫn khí Lô B-Ô Môn lùi tiến độ, tiếp tục gặp khó khăn.

Đối với kế hoạch đầu tư, PV GAS dự kiến nhanh chóng đầu tư, hoàn thiện hạ tầng công nghiệp khí theo quy hoạch phát triển ngành, đặc biệt là hệ thống hạ tầng nhập khẩu LNG làm nền móng cho sự phát triển lâu dài, ưu tiên thực hiện các lĩnh vực chính, đáp ứng kịp thời nhu cầu khí của các hộ tiêu dùng, chiếm lĩnh thị trường. Giá trị dự kiến giải ngân trong năm tài chính là 6.256 tỷ đồng.

Về đầu tư xây dựng, GAS đã giải ngân 1.713 tỷ đồng, bằng 101% kế hoạch quý I/2021. Cụ thể, các dự án lớn đang được triển khai và đạt kết quả tốt là Dự án kho chứa LNG 1 triệu tấn tại Thị Vải, Dự án mở rộng, nâng công suất kho chứa LNG 1 triệu tấn/năm tại Thị Vải lên 3 triệu tấn/năm, Dự án đường ống dẫn khí LNG Thị Vải - Phú Mỹ, Dự án cải tạo mặt bằng, tái bố trí bồn chứa LPG tại Kho cảng Thị Vải, Dự án kho LNG/LPG tại miền Bắc…; đồng thời thực hiện thanh quyết toán và chuẩn bị cho một số dự án khác.

Tại Đại hội, cổ đông thắc mắc cước phí các dự án tính như thế nào?

Trả lời câu hỏi này, ông Dương Mạnh Sơn cho biết, cước phí liên quan tới dự án mới và dự án hiện hữu đều do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt dựa trên vòng đời, sản lượng dự án và nhiều yếu tố khác, do giá trình phê duyệt sẽ có độ trễ so với chính thức. Việc tạm tính sẽ tương quan với phí cướp được phê duyệt vì vậy không có sự chênh lệch quá lớn.

PV GAS hoạt động trong trung và hạ nguồn, thượng nguồn chủ yếu mua ở trong nước. Trong tương lai, doanh nghiệp có thể nhập khẩu LNG để bổ sung vào nguồn khí trong nước đáp ứng nhu cầu. Cơ chế nhập khẩu sẽ tính theo giá thị trường và phụ thuộc vào điều kiện thị trường từng thời điểm và chiến lượng tồn kho.

PV GAS đang xây dựng chiến lược sử dụng hài hoà giữa nhập khẩu năng lượng và phát triển nguồn khí trong nước, để đảm bảo thu ngân sách cho quốc gia. Trong nước, nguồn khí có hai cơ chế tính giá, một số mỏ tính giá cố định, một số mỏ neo theo giá dầu thế giới.

Trả lời câu hỏi về trữ lượng khí hiện tại, lãnh đạo PV GAS cho biết, trong năm 2020-2021, các hoạt động đầu tư của PV GAS sẽ rất lớn, để tập trung vào các dự án hạ tầng. Các dự án Nhơn Trạch 3 và 4 chậm tiến độ, doanh nghiệp đã tìm khách hàng bổ sung như Genco 3.

Hiện nay, với trữ lượng dầu và khí của Việt Nam đã khai thác hết 50% và còn 50%, trong đó tiềm năng về khí còn tới 65 - 70% trong trữ lượng dầu và khí còn lại. Tương lai ngành khí trong nước vẫn còn khá triển vọng.

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục