Trong ĐHCĐ CTCP Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền (HAR) diễn ra sáng nay (20/3), ông Nguyễn Gia Bảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị cho biết, hiện HAR có 4 dự án đầu tư bất động sản, trong đó một dự án khách sạn và một dự án thương mại (liên kết với đối tác) sẽ cùng triển khai trong quý II/2018.
Về kế hoạch phát triển thương hiệu xà bông Cô Ba, ông Bảo cho biết, việc HAR mua lại ít nhất 35% vốn CTCP Sản xuất Thương mại Phương Đông (tiền thân của thương hiệu nổi tiếng một thời Xà bông Cô Ba) vì có quỹ đất 10.000 m2 ở ngay trung tâm.
Còn lĩnh vực FMCG (hàng tiêu dùng nhanh) không phải là thế mạnh của Công ty, nên sẽ có kế hoạch hợp tác cùng đối tác. Trước mắt, nhà máy sản xuất sẽ được vận hành lại để đảm bảo tính liên tục (đã tạm dừng hơn 1 năm) và HAR đặt mục tiêu khiêm tốn cho ban điều hành Phương Đông, khôi phục được kênh phân phối truyền thống của thương hiệu Cô Ba và xây dựng thương hiệu. Sau đó sẽ làm marketing, sales phù hợp với thương hiệu.
Ông Bảo chia sẻ, HAR có định hướng chuyển qua công ty đầu tư (holdings), phục vụ cho ngành kinh doanh bất động sản cốt lõi, bao gồm 2 hướng chính bất động sản thương mại tạo ra dòng tiền và bất động sản nhà ở.
Cổ đông chất vấn về hoạt động tài chính của Công ty được quản lý rủi ro như thế nào?
Ông Bảo cho biết, hoạt động tài chính ở HAR không phải là mua cổ phiếu, trái phiếu, cho vay. Doanh thu tài chính đến từ tái cơ cấu, bán tài sản ở phần góp vốn tại các công ty có sở hữu đất, chuyển nhượng và tập trung nguồn lực cho các dự án lớn hơn. Việc tái cơ cấu đều mang lại lợi nhuận 15 - 18%/năm.
Các thương vụ thoái vốn hoặc M&A xảy ra không quá thường xuyên. HAR cũng thuê các đơn vị kiểm định tài chính để giảm bớt rủi ro trong các thương vụ M&A. Năm 2018 HAR tiếp tục hoàn thiện nhân sự chuyên trách về kiểm soát nội bộ.
Vấn để diễn biến giá cổ phiếu, cổ đông có mặt tại đại hội cho rằng, có hiện tượng thao túng của cổ đông lớn đã khiến cổ phiếu biến động bất thường, HĐQT HAR cần có biện pháp để bảo vệ cổ đông nhỏ lẻ.
Đại diện HAR cho biết, theo danh sách mới nhất tại ngày 6/3, công ty có 5.228 cổ đông, trong đó cổ đông nội bộ nắm giữ hơn 18 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 17,83%. Cổ đông lớn tổ chức có 2, nắm giữ gần 18,26%. Cổ đông lớn cá nhân không có. Các cổ đông khác nắm 63%.
Theo số liệu này, HĐQT thấy có sự thay đổi về cổ đông lớn tổ chức. HĐQT cho rằng việc tự do giao dịch là quyền lợi chính đáng của cổ đông, sẽ cung cấp đầy đủ thông tin kinh doanh của công ty để nhà đầu tư có quyết định đúng đắn khi đầu tư, tránh ảnh hưởng từ các thông tin tiêu cực.
Năm 2018, HAR đặt kế hoạch doanh thu 150 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 60 tỷ đồng, gấp đôi so với thực hiện 2017. HAR sẽ tăng vốn điều lệ từ mức gần 968 tỷ đồng lên 1.013 tỷ đồng thông qua phương án phát hành cho cổ phiếu chi trả cổ tức năm 2016 và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động.
Tại đại hội, cổ đông đề nghị chia cổ tức năm 2017, tuy nhiên theo ban lãnh đạo HAR, nếu chia cổ tức, phương án chỉ có thể chia 1,5%. Nhưng HĐQT nhận thấy, các thương vụ M&A còn nghĩa vụ thanh toán đến năm 2018, cộng với nhiều khoản trái phiếu hiện tại với ngân hàng khoảng 70 - 100 tỷ đồng.
HĐQT cho rằng việc chia cổ tức không phù hợp thời điểm này. Tất nhiên việc chia cổ tức hay không phụ thuộc vào quyết định cổ đông. Kết quả đại hội đã thống nhất cổ tức năm 2017 là 0%.