Đại hội đồng cổ đông Cadivi (CAV): Gelex sẽ tăng sở hữu, và CAV khó tránh rời sàn HOSE

(ĐTCK) Gelex muốn nâng sở hữu tại CAV lên 100%, trong khi theo quy chế niêm yết trên HOSE, cổ phiếu sẽ bị hủy niêm yết nếu không đủ tối đa 20% cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 300 cổ đông không phải là cổ đông lớn nắm giữ.
Đại hội đồng cổ đông Cadivi (CAV): Gelex sẽ tăng sở hữu, và CAV khó tránh rời sàn HOSE

Sáng nay (18/4), tại ĐHCĐ thường niên năm 2018 của CTCP Dây cáp điện Việt Nam (CAV), ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT CAV, đồng thời là Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam (GEX), công ty mẹ đang sở hữu 79,76% vốn của CAV, cho hay, GEX sẽ chuyển toàn bộ vốn góp của Tổng công ty tại CAV về công ty holdings do GEX sở hữu 100% để nhằm tối ưu hóa hoạt động các doanh nghiệp trong lĩnh vực thiết bị điện.

Ngoài CAV, GEX cũng sẽ áp dụng mô hình tương tự tại các đơn vị thành viên trong ngành thiết bị điện khác như HEM, THI…

Ông Tuấn nhấn mạnh, theo chiến lược của Tổng công ty, GEX sẽ tiến tới sở hữu 100% vốn CAV thông qua công ty holdings là GEX Electrics.

GEX Electrics tiền thân là Công ty TNHH MTV Thiết bị đo điện, có vốn điều lệ 2.668 tỷ đồng. Đại hội cũng đã thông qua chủ trương cho phép CAV sở hữu tối đa 100% vốn CAV mà không phải chào mua công khai. 

Hiện nay, GEX là cổ đông lớn sở hữu hơn 45,9 triệu cổ phiếu CAV, tương đương 79,76% vốn điều lệ.

Theo Quy chế niêm yết trên HSX, nếu GEX tăng sở hữu tại CAV lên trên 80%, dẫn đến cổ phiếu CAV sẽ không đủ điều kiện để tiếp tục niêm yết trên HOSE khi “không đủ tối đa 20% cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 300 cổ đông không phải là cổ đông lớn nắm giữ”.

Nhiều cổ đông lâu năm của CAV chất vấn, liệu quyền lợi cổ đông hiện hữu được giải quyết ra sao nếu CAV hủy niêm yết bắt buộc.

Ông Tuấn cho hay, thực chất năm ngoái đã muốn thưc hiện điều này, nhưng vướng quy định vấn đề niêm yết nên trì hoãn. Theo đó, để đảm bảo quyền lợi cổ đông và thực hiện đúng quy định, GEX sẽ chào mua cổ phiếu của các cổ đông đang nắm giữ cổ phiếu CAV.

Ông Tuấn nhấn mạnh, đây là thời điểm thuận lợi để các cổ đông bán cổ phiếu CAV với giá tốt nhất, vì cổ đông lớn GEX có mong muốn mua lại.

Về cơ sở đưa ra giá bán, ông Tuấn cho hay, sẽ căn cứ vào 2 yếu tố định giá cổ phiếu CAV và diễn biến giá thị trường. 

“Nếu trường hợp công ty không mua hết cổ phiếu, cổ đông muốn nắm giữ, nhưng tỷ lệ sở hữu của GEX từ 80%, CAV sẽ hủy niêm yết bắt buộc và sẽ giao dịch ở UPCoM, giá trị cổ phiếu CAV sẽ bị ảnh hưởng đáng kể”, ông Tuấn nói và cho biết thêm, chào mua cũng là cơ hội để cổ phiếu CAV tăng giá trên sàn, trước thời điểm diễn ra đại hội thì cổ phiếu đã tăng khá mạnh. 

Cụ thể, 3 phiên trước ngày diễn ra đại hội, cổ phiếu CAV đã bật mạnh từ mức 52.000 đồng/cổ phiếu lên 57.000 đồng/cổ phiếu, thời điểm cao nhất gần đạt 60.000 đồng/cổ phiếu. 

“Giá mua chắc chắn sẽ cao hơn giá thị trường, với mục tiêu mua 100%, nên Tổng công ty chấp nhận mua cao hơn giá thị trường. Khi mua sở hữu 65% hay 80% thì khác, nhưng khi mua huỷ niêm yết thì giá phải cao nhất. Tuy nhiên, sẽ không thể nào vượt xa so với định giá cổ phiếu CAV. Nếu mua quá cao, sẽ ảnh hưởng đến lợi ích cổ đông lớn”, ông Tuấn nói.

Đại hội đã thống nhất thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2018, CAV dự kiến doanh thu đạt 8.209 tỷ đồng, tăng 20,2%, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 455 tỷ đồng, tăng 10,9% so với thực hiện năm 2017. Cổ tức dự kiến tỷ lệ 35%,tương đương mức thực hiện năm 2016. 

Ngọc Nhi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục