Đại hội đồng cổ đông BIDV (BID): Đổi người đại diện theo pháp luật, cổ đông hỏi về tình hình Myanmar

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - mã chứng khoán BID) diễn ra sáng nay (12/3), nóng với câu chuyện tăng vốn điều lệ, lợi nhuận và đổi người đại diện theo pháp luật.
Đại hội đồng cổ đông BIDV (BID): Đổi người đại diện theo pháp luật, cổ đông hỏi về tình hình Myanmar

Liên quan đến việc tăng vốn điều lệ, tại Đại hội, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV chia sẻ, BIDV đã tiếp xúc, làm việc với các nhà đầu tư tài chính tiềm năng để mời tham gia mua cổ phần tăng vốn điều lệ của Ngân hàng.

BIDV cũng chủ động làm việc với các bên tư vấn quốc tế đề nghị giới thiệu cho BIDV các nhà đầu tư tài chính. Trong năm 2020, đã có một số nhà đầu tư tài chính nước ngoài bày tỏ quan điểm đến cổ phiếu BID, phát hành riêng lẻ.

“Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid trên toàn cầu, việc đầu tư chính thức vẫn còn được các nhà đầu tư cân nhắc. BIDV cũng đã trình Ngân hàng Nhà nước phương án chào bán cổ phần riêng lẻ để tăng vốn điều lệ . Tháng 1/2021, Ngân hàng Nhà nước đã có ý kiến đối với phương án chào bán cổ phần riêng lẻ để tăng vốn điều lệ của BIDV”, ông Tú cho biết.

Ngoài chào bán riêng lẻ, BIDV cũng phát hành cổ phiếu để trả cổ tức bằng cổ phiếu.

Cụ thể cho năm 2021, BIDV dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 8.304 tỷ đồng lên 48.524 tỷ đồng, tương đương tăng 20,6%.

Phương án tăng vốn gồm phát hành 207,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 (tỷ lệ 5,2%), phát hành 281,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 (tỷ lệ 7%). Thời gian thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu dự kiến trong quý III và quý IV/2021, trên cơ sở phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, BIDV lên kế hoạch phát hành thêm 341,5 triệu cổ phần mới bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ, tương đương 8,5% vốn điều lệ tại thời điểm 31/12/2020. Thời gian dự kiến trong giai đoạn 2021 - 2022 căn cứ phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trước câu hỏi tại ĐHCĐ về việc HanaBank có tham gia vào việc mua vốn sắp tới hay không, ông Tú cho biết: "Chúng tôi đã thông báo cho HanaBank với tư cách là cổ đông chiến lược. Bên phía HanaBank cũng đồng ý với việc phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, bởi họ cho rằng, sau tăng vốn tỷ lệ sở hữu của họ giảm không nhiều. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không dám khẳng định rằng HanaBank có tham gia vào quá trình bán vốn sắp tới hay không?".

Năm 2021, BIDV đặt kế hoạch với tăng trưởng huy động vốn phù hợp với sử dụng vốn, dự kiến tăng trưởng 12 - 15%; tăng trưởng dư nợ tín dụng đảm bảo tuân thủ giới hạn tín dụng của Ngân hàng Nhà nước giao, dự kiến tăng trưởng 10 - 12%. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến đạt 13.000 tỷ đồng, phù hợp với diễn biến của thị trường, hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn do dịch Covid, phục hồi, duy trì phát triển sản xuất kinh doanh…

“Các chỉ tiêu trên là chỉ tiêu dự kiến, có thể điều chỉnh theo tình hình dịch bệnh và yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2021 không thấp hơn 2020”, ông Tú nhấn mạnh.

Trước câu hỏi về tình hình ở Myanmar ảnh hưởng tới Ngân hàng như thế nào, ông Tú chia sẻ, BIDV nhận thấy đây là thị trường tiềm năng với dân số 54 triệu người, trình độ dân trí cao. BIDV đã nghiên cứu thị trường này cách đây từ 10 năm cho thấy, tỷ lệ sử dụng ngân hàng của người dân Myanmar rất thấp để thấy, dư địa kinh doanh ở đất nước này là rất lớn, trong khi mới chỉ có 44 ngân hàng, bao gồm cả BIDV.

“Thị trường này BIDV bắt đầu có lãi. Đồng thời, chính phủ nước sở tại đã đồng ý cho BIDV đổi từ chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành ngân hàng con. Điều này là thuận lợi, bởi trước đây là chi nhánh chỉ được tiếp cận các doanh nghiệp FDI. Sau khi chuyển đổi thành ngân hàng con sẽ có những khó khăn nhưng sẽ được khắc phục”, ông Tú nói.

Về bất ổn chính trị, ông Tú cho biết, do Myanmar là quốc gia đa sắc tộc, chế độ chính trị chưa theo đường hướng cố định nhưng không ảnh hưởng lâu dài về sự phát triển của BIDV.

“Tôi kỳ vọng, sang năm hoặc sang năm nữa thì tình hình chính trị ở đây sẽ ổn định hơn. Đây sẽ là thời điểm chúng ta nắm bắt cơ hội kinh doanh”, ông Tú tin tưởng.

Được biết, BIDV cũng trình chuyển đổi Chi nhánh Yangon thành ngân hàng con. Vốn điều lệ ngân hàng con sẽ là 100 triệu USD, tăng 15 triệu USD. Dự kiến ngân hàng con sẽ đem về lợi nhuận trước thuế hàng năm trung bình 1,5 triệu USD/năm.

Điểm đáng chú ý là người đại diện theo pháp luật được thông qua tại Đại hội được thay đổi từ “Chủ tịch Hội đồng quản trị” sang “Tổng giám đốc”. Ngân hàng dự kiến đổi tên tiếng Anh và đổi tên viết tắt. Cụ thể, tên tiếng Anh sẽ đổi từ “Joint stock Commercial Bank for Investment and Development of Viet Nam” sang “Vietnam Commercial Bank for Investment and Development JSC (VNB)”.

Lý giải về việc đổi tên tiếng Anh và tên viết tắt thành VNB, ông Tú cho rằng, đây là chiến lược rất dài hơi, nên mới chỉ đặt vấn đề về thay đổi tên tiếng Anh đầy đủ. "Chúng tôi đang làm việc với cơ quan chức năng để thực hiện", ông Tú chia sẻ.

Để nâng cao năng lực quản trị hệ thống, Đại hội đã thống nhất bầu ông Lê Ngọc Lâm (Phó tổng giám đốc phụ trách Ban Điều hành BIDV) và ông Nguyễn Quang Huy (nguyên Chủ tịch HĐQT Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam) tham gia HĐQT BIDV nhiệm kỳ 2017 - 2022, trong đó ông Nguyễn Quang Huy là Ủy viên HĐQT độc lập; bầu bà Nguyễn Thị Thu Hà (Phó giám đốc Ban Kế hoạch BIDV) tham gia Ban Kiểm soát BIDV nhiệm kỳ 2017 - 2022.

Với sự bổ sung này, HĐQT BIDV hiện gồm có 11 thành viên, trong đó 1 thành viên là người nước ngoài, 1 thành viên HĐQT độc lập; Ban Kiểm soát BIDV gồm có 3 thành viên.

Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020, tổng tài sản của BIDV đến cuối năm 2020 đạt 1.516.686 tỷ đồng, tăng trưởng 1,8% so với cuối năm 2019, tiếp tục là ngân hàng thương mại cổ phần có tổng tài sản lớn nhất tại Việt Nam.

Nguồn vốn huy động đa dạng, phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn, đảm bảo cân đối an toàn, hiệu quả; tổng nguồn vốn huy động năm 2020 đạt 1.402.248 tỷ đồng; trong đó, huy động vốn tổ chức, dân cư đạt 1.295.533 tỷ đồng, tăng trưởng 9,1% so với năm 2019, chiếm 11% thị phần tiền gửi toàn ngành.

Tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1.438.520 tỷ đồng, tăng trưởng 8,5% so với năm 2019; trong đó, dư nợ tín dụng đạt 1.230.569 tỷ đồng, tăng trưởng 8,5% so với năm 2019, chiếm 13,4% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.

Về hiệu quả, thu dịch vụ năm 2020 của BIDV đạt 7.219 tỷ đồng, tăng trưởng 19,6% so với năm 2019 - kết quả rất tích cực trong điều kiện môi trường kinh doanh khó khăn. Chênh lệch thu chi đạt 32.344 tỷ đồng, tăng trưởng 4,8% so với năm 2019.

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 9.026 tỷ đồng, vượt kế hoạch tài chính của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao; tuy nhiên giảm 15,9% so với năm 2019 do BIDV chủ động giảm thu nhập hơn 6.400 tỷ đồng để thực hiện cơ cấu nợ và miễn giảm lãi, phí cho khách hàng khó khăn do Covid-19 theo chỉ đạo của NHNN. Các chỉ tiêu an toàn đảm bảo theo quy định của NHNN.

Trong năm 2020, BIDV thực hiện chi trả cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt với tổng giá trị đạt 3.218 tỷ đồng, tỷ lệ chi trả đạt 8%/năm.

Giá trị vốn hóa thị trường năm 2020 đạt 193.000 tỷ đồng, đứng thứ 5 thị trường chứng khoán Việt Nam. Kết thúc phiên giao dịch ngày 31/12/2020, cổ phiếu BID đóng cửa ở mức 47.900 đồng/CP, tăng 56% so với thời điểm “đáy” tháng 3/2020, tăng 4% so với đầu năm 2020.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục