Đại hội cổ đông PVM: Đặt mục tiêu lợi nhuận 50 tỷ đồng, sẽ niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sáng 27/4, CTCP Máy - Thiết bị dầu khí (PVM - UPCoM) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 để thông qua kết quả sản xuất kinh doanh năm 2020, bầu bổ sung thành viên HĐQT, BKS; sửa đổi điều lệ…
Đại hội cổ đông PVM: Đặt mục tiêu lợi nhuận 50 tỷ đồng, sẽ niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE

Liên quan đến việc thoái vốn của PVPowe, ông Phạm Thế Hiệp, Chủ tịch HĐQT PVM cho biết, năm 2016 PVN có nghị quyết thoái vốn các công ty không trong lĩnh vực cốt lõi, trong đó có PVM nhưng vì nhiều lý do nên chưa thoái vốn. Đến quý I/2021, PVPower đã thoái toàn bộ 51,56% vốn tại PVM, tương đương 18,9 triệu cổ phiếu. Việc thoái vốn diễn ra từ ngày 17 - 19/3/2021, PVPower đã làm đúng, làm đủ các quy định pháp luật.

Theo ông Hiệp, ban đầu đơn vị định giá xác định giá khởi điểm là 21.500 đồng/CP. PVPower quyết định thoái vốn với giá 22.500 đồng/CP. Việc thoái vốn theo hình thức khớp lệnh trên sàn với giá phân bổ từ 27.000 - 30.000 đồng/cp. PVPower đã thu về khoảng 540 tỷ đồng. Lợi nhuận kỳ vọng là trên 100 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh năm 2020, PVM đạt tổng doanh thu 1.500 tỷ đồng, vượt 113% so với kế hoạch; lợi nhuận sau thuế đạt 41,6 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch; chi trả cổ tức 10%.

Năm 2021, Công ty đặt mục tiêu doanh thu 1.005 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 50 tỷ đồng. Công ty sẽ niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE.

Tại ngày 31/12/2020, tổng tài sản hợp nhất đạt 706,8 tỷ đồng, tăng 51,4 tỷ đồng, tương ứng 8% so với thời điểm đầu năm; tổng tài sản công ty mẹ tăng 62 tỷ đồng, tương ứng 11%.

Lý do là tiền và các khoản tương đương tiền, đầu tư tài chính tăng do Công ty nhận được nguồn cổ tức từ các khoản đầu tư và thu hồi được công nợ khác hàng. Khoản mục tài sản dài hạn hợp nhất toàn Công ty tăng do trong năm công ty mẹ ghi tăng khoản tài sản vô hình là giá trị quyền sử dụng đất tại Hải Phòng từ việc đối trừ công nợ với CTCP Viccom.

Doanh thu mảng thương mại sụt giảm do trong năm Công ty tập trung vào mảng thương mại kỹ thuật có lợi nhuận và tính thanh khoản cao, dừng thực hiện các phương án kinh doanh thương mại tỷ suất lợi nhuận thấp.

PVM đang quản lý một số đất vàng như nhà, đất tại số 8 Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; khu đất 2,36 ha Đông Anh, Hà Nội; khu đất tại phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, Hải Phòng, vốn góp dự án HH3 Nam An Khánh… Trong đó dự án 2,36 ha Đông Anh đang vướng thủ tục nên chưa thể triển khai.

Trả lời thắc mắc của các cổ đông về việc quản lý các khu đất trên, ông Hiệp cho biết, hợp đồng thuê đất ở số 8 Tràng Thi đã hết hạn từ năm 2016. Đến nay, Công ty đang làm việc với cơ quan chức năng để mong muốn được ký hợp đồng lâu dài. Tương tự, khu đất ở Đông Anh cũng hết thời hạn thuê đất. Công ty đang hợp tác với các đơn vị khác để tối ưu hóa quyền khai thác khu đất. Còn 2 tài sản khác ở Khương Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) và Hải Phòng, Công ty đã thu hồi đối trừ của các đối tác trị giá khoảng 10 tỷ đồng.

Ông Hiệp cũng khẳng định, PVM thành công như hiện nay là nhờ việc đầu tư vào 3 liên danh của Nhật Bản. Hàng năm cổ tức tương đối đều, 50 - 80 tỷ đồng. Năm 2020, cổ tức giảm một phần do ảnh hưởng đại dịch và dự kiến năm nay cũng bị ảnh hưởng.

Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục