Nawaplastic Industries (Saraburi) Co., Ltd đã sở hữu 50,12% vốn
Tại Đại hội, các cổ đông BMP tiến hành bầu thành viên Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2018 - 2023. Số lượng thành viên Hội đồng quản trị được bầu là 5, trong đó có ít nhất 1/3 là thành viên độc lập. Số thành viên Ban Kiểm soát được bầu là 3 (Trưởng ban là thành viên chuyên trách).
Trong nhiệm kỳ 2013-2018, cổ đông lớn Nawaplastic Industries (Saraburi) Co., Ltd - công ty nhựa thuộc Tập đoàn SCG của Thái Lan có 1 thành viên trong HĐQT BMP.
Sau khi mua gần hết số cổ phần SCIC nắm giữ tại Nhựa Bình Minh, và mua thêm thông qua khớp lệnh và thỏa thuận trên sàn, nếu không có gì thay đổi, trong vài ngày tới, thông tin cổ đông lớn này chính thức nâng sở hữu lên 50,12% vốn tại BMP.
Trong đợt bầu cử cho nhiệm kỳ mới 2018-2023, cổ đông Nawaplastics giới thiệu 2 nhân sự ứng cử là ông Sakchai Patiparnpreechavud, Phó chủ tịch Khối Polyolefins & Vinyl và ông Sumphan Luveeraphan, Giám đốc của Nawaplastic. Cả hai cá nhân này không sở hữu cổ phần BMP.
HĐQT BMP cũng giới thiệu 3 ứng cử viên, trong đó có 1 ứng viên độc lập, bao gồm ông Phan Khắc Long, là thành viên HDQT Asia Pile Holding (sàn giao dịch chứng khoán Tokyo), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cọc Việt Nam; Phó chủ tịch Hiệp hội Bê tông Việt Nam. Ông Long hiện không sở hữu cổ phần BMP.
Ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng giám đốc BMP, Phó chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam, đang sở hữu 618.550 cổ phần BMP.
Ông Wisit Rechaipichitgool, Trợ lý Giám đốc khu vực, Công ty SCG Việt Nam, không sở hữu cổ phần BMP.
Đại hội cũng tiến hành bầu Ban Kiểm soát, danh sách ứng cử viên bao gồm:
(1) Bà Nguyễn Lưu Thùy Minh, hiện là thành viên Ban kiểm soát, thành viên Tiểu ban Quản trị rủi ro và kiểm soát nội bộ. Bà Minh đang sở hữu 14.040 cổ phiếu BMP và được Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2013-2018 đề cử.
(2) Ông Praween Wirotpan, Tổng giám đốc Công ty SCG Việt Nam, do cổ đông lớn Nawaplatics đề cử.
(3) Ông Nguyễn Thanh Thuận, Trưởng phòng hỗ trợ tín dụng Vietinbank - Chi nhánh quận 3, TP.HCM, được Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2013-2018 đề cử.
Kết quả, tất cả các ứng viên ở trên đều trúng cử HĐQT, Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2018-2023.
Tại đại hội, HĐQT trình bày nội dung những nội dung chính cần lưu ý trong việc sửa đổi điều lệ. Trong đó, cổ đông có ý kiến về việc, trong phần dự thảo điều lệ mới, không có nội dung hủy niêm yết và đổi tên công ty.
Đây là điều quan trọng, bởi hiện BMP có thể xem là doanh nghiệp nước ngoài, cổ đông lớn Thái Lan đã chi phối, trong khi thương hiệu Nhựa BÌnh Minh đã lâu đời, là thương hiệu quốc gia.
Đại diện HĐQT, ông Lê Quang Doanh, Chủ tịch HĐQT BMP ghi nhận và đại hội đã đồng ý đưa nội dung này vào tờ trình và thống nhất: việc hủy niêm yết, đổi tên công ty chỉ được thông qua với tỷ lệ 75% số cổ phần có quyền biểu quyết.
Nhiều cổ đông cũng đặt câu hỏi về định hướng tiếp theo của BMP khi có chủ mới, cổ đông lớn sẽ có những hỗ trợ cụ thể nào để BMP lớn mạnh hơn.
Ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng giám đốc BMP chia sẻ, hiện nay, một công ty con của SCG cung ứng nguyên liệu cho BMP, chiếm khoảng 50% tổng lượng nguyên liệu mà BMP sử dụng với giá cạnh tranh.
“Đến nay, BMP chưa chịu áp lực gì tư cổ đông lớn về việc phải mua nguyên liệu và giá cao ở cổ đông lớn”, ông Ngân nói.
Có mặt tại đại hội, ông Sakchai Patiparnpreechavud, Phó chủ tịch Khối Polyolefins & Vinyl Tập đoàn SCG cho biết, Tập đoàn SCG là một trong những tập đoàn hoạt động đa ngành, tập trung vào 3 lĩnh vực chính là hóa dầu (SCG Chemicals), bao bì (SCG Packaging), xi măng - vật liệu xây dựng (SCG Cement-Building Materials).
Việc đầu tư của SCG không phải là đầu tư tài chính và nhất là những khoản đầu tư nước ngoài, SCG luôn chú trọng tìm kiếm những doanh nghiệp có nền tảng tốt, có sản phẩm phục vụ phát triển đất nước và có thể là “kênh” để Tập đoàn tiến sâu vào thị trường nội địa.
"Hiện nay, với BMP, chúng tôi tự tin với đội ngũ điều hành hiện tại. Nawaplatics - thành viên của SCG, sẽ có hỗ trợ với tất cả kinh nghiệm và thế mạnh đang có để có thể phát huy thế mạnh hai bên", ông Sakchai Patiparnpreechavud nói.
Ông Doanh không tham gia nhiệm kỳ mới và có kỳ vọng, dù có chủ mới, nhưng BMP vẫn giữ được chính sách hài hòa lợi ích các bên cổ đông – người lao động.
BMP "mất" 198 tỷ đồng lợi nhuận năm 2017 do chi phí nguyên liệu tăng
Ông Nguyễn Hoàng Ngân cho rằng, kế hoạch 2017 đề ra vẫn chưa lường hết được mức độ cạnh tranh khốc liệt trên thị trường và biến động giá nguyên liệu. Qua đó, ảnh hưởng đến kết quả, dù doanh thu đạt 4.057 tỷ đồng, tăng 10,3% và đạt kế hoạch doanh thu, tăng trưởng tốt về sản lượng (đạt 114,7%), nhưng mức tăng trưởng doanh thu chưa cao và để đạt được còn số trên, BMP cũng “khá vất vả”, còn lợi nhuận chưa chưa đạt kế hoạch.
Nguyên nhân chính là do chi phí nguyên liệu tăng và BMP tăng tỷ lệ chiết khấu cho khách hàng để bảo vệ thị phần.
Ông Ngân cho biết, bình quân chi phí nguyên liệu năm 2017 tăng khoảng 8,21% so với bình quân năm 2016, tương ứng BMP “mất” 198 tỷ đồng lợi nhuận.
Đồng thời, trong năm 2017, Công ty cũng tiến hành tăng thêm chiết khấu 4% và có thêm một số ưu đãi chiết khấu nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập công ty và chính sách ưu đã cho sản phẩm mới. Tỷ suất lợi nhuận/doanh thu khoảng 14%, thấp hơn 2016, nhưng so với các đối thủ khác thì tỷ lệ này vẫn tốt.
Cụ thể, lãnh đạo BMP cho biết, theo thống kê, NTP chỉ thực hiện khoảng 90% về sản lượng, 91% về doanh thu, tỷ suất lợi nhuận 12,5% (nếu loại trừ khoản lợi nhuận từ bán vốn công ty liên kết, thì tỷ lệ này là 10,9%); DNP chỉ thực hiện 73% kế hoạch, tỷ suất lợi nhuận 5,5%; HSG thực hiện 81% kế hoạch lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận khoảng 5,1%.
Về hoạt động đầu tư, theo kế hoạch đầu tư được phê duyệt trong năm 2017 là 680 tỷ đồng, BMP đã thực hiện đầu tư 480 tỷ đồng, trong đó hạng mục xây dựng và hạ tầng kỹ thuật đã hoàn tất. Các hạng mục chưa thực hiện hoặc thực hiện dở dang sẽ chuyển tiếp sang kế hoạch đầu tư năm 2018. Năm 2018, BMP chưa có kế hoạch mới về xây dựng và còn khoảng 50.000 m2 đất cho phát triển giai đoạn 2018-2020.
Đặt kế hoạch cẩn trọng
Năm 2018, Công ty đặt kế hoạch tăng trưởng 6% so với thực hiện năm 2017, với chỉ tiêu doanh thu 4.300 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 600 tỷ đồng. Cổ tức tối thiểu 20%.
BMP dự kiến chia cổ tức 2017 bằng tiền mặt với tỷ lệ 40%, trong đó đã tạm ứng đợt 1 là 15%.
Trong năm 2018, BMP có kế hoạch đầu tư 380 tỷ đồng (đầu tư hiện đại công nghệ, chuyển phần đầu tư dở dang từ năm 2017 qua, và đầu tư sản phẩm mới).
Kế hoạch lợi nhuận được xây dựng trên cơ sở biên lợi nhuận trước thuế/doanh thu dự kiến 14% với giả thiết giá nguyên liệu bình quân 2018 bằng giá nguyên liệu bình quân 2017.
Ông Ngân cho hay, ngay khi bước vào đầu năm 2018, tình hình biến động nguyên liệu hết sức phức tạp. Mức giá nguyên liệu PVC- nguyên liệu sử dụng chủ yếu của BMP tiếp tục biến động khó lường.
“Nếu chạy theo mục tiêu lợi nhuận giai đoạn này, BMP sẽ mất thị phần”, ông Ngân nói.
Cổ đông phát biểu tại đại hội về việc các đối thủ trong ngành, chẳng hạn HSG đã tăng công suất để vào thị trường, có chính sách chiết khấu mạnh và mở rộng hơn kênh bán hàng, BMP cần có giải pháp để giữ vững thị phần.
Ông Ngân cho biết, trong quý I, dù giá nguyên liệu có tăng nhưng mức tăng thấp hơn so với mức tăng của quý I/2017 so với qúy I/2016. Đồng thời, Công ty tiết giảm các chi phí nên biên lợi nhuận quý I có nhỉnh hơn so với cùng kỳ.
Hiện nay, tỷ lệ chiết khấu của nhiều đơn vị ở mức 1,3-1,7 lần so với chiết khấu bình quân mà BMP thực hiện. Đây là thách thức lớn, nhưng câu chuyện cạnh tranh về giá sẽ phải có điểm dừng nếu doanh nghiệp không muốn có tác động ngược.