Đại hội cổ đông Mỏ Việt Bắc (MVB): Chưa rõ thời gian Vinacomin thoái vốn, giảm tỷ lệ cổ tức theo ý kiến của công ty mẹ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tổng công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc TKV - CTCP (MVB - HNX) vừa tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 thông qua phương án chia cổ tức 10% theo ý kiến từ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin).
Đại hội cổ đông Mỏ Việt Bắc (MVB): Chưa rõ thời gian Vinacomin thoái vốn, giảm tỷ lệ cổ tức theo ý kiến của công ty mẹ

Báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 của Mỏ Việt Bắc cho thấy, Công ty ghi nhận 2.595,4 tỷ đồng doanh thu, 131,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt đạt 133,2% và 100,5% kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, so với năm 2021, doanh thu tăng 11,73% trong khi lợi nhuận sau thuế giảm 47,73%.

Nhận định thị trường 2023 tiếp tục có nhiều yếu tố rủi ro, phức tạp, nhất là diễn biến bất ổn địa chính trị, cùng với khó khăn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, MVB đặt mục tiêu sản xuất – kinh doanh năm 2023 theo hướng “khiêm tốn": Mục tiêu tổng doanh thu 2.108,4 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 207 tỷ đồng.

Trả lời thắc mắc của cổ đông đại diện 82.000 cổ phần về việc năm 2022, giá than tăng mạnh trên thị trường toàn cầu, tại sao diễn biến lợi nhuận của MVB không theo sát xu hướng này, ông Lê Quang Bình, Chủ tịch HĐQT Mỏ Việt Bắc cho biết, mặc dù năm 2022 giá than tăng mạnh, nhưng giá bán than của Tổng công ty không tăng theo, tuân thủ theo chủ trương và quyết định của Vinacomin về việc không tăng giá bán với các hộ tiêu thụ lớn.

"Đây cũng là chỉ đạo chung của nhà quản lý trong việc đảm bảo nguyên vật liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất – kinh doanh được ổn định tại thị trường trong nước", ông Bình chia sẻ.

Tổng công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc có vốn điều lệ 1.050 tỷ đồng, cổ đông nhà nước là Tập đoàn Vinacomin nắm giữ 98,19% vốn điều lệ. Theo kế hoạch đến năm 2020, Tập đoàn sẽ thoái vốn xuống còn 65%, tuy nhiên đến nay chưa thấy triển khai.

Về vấn đề này, ông Bình cho biết, việc tái cơ cấu tại MVB giai đoạn 2021-2025 đã được Tập đoàn Vinacomin trình cấp thẩm quyền nhưng chưa có ý kiến phê duyệt. Vì vậy, tiếp tục đợi việc thoái vốn theo kế hoạch được phê duyệt.

Xét một số chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động và tài chính của Công ty trong năm 2022, cơ cấu tài sản của Tổng công ty biến động không lớn, nhưng báo cáo hợp nhất có sự chênh lệch đáng kể. Trong cấu phần tài sản ngắn hạn chủ yếu là các khoản phải thu khách hàng tăng cao, cho thấy MVB đang bị khách hàng chiếm dụng vốn khá cao trong năm 2022.

Về khả năng sinh lời, hiệu quả sử dụng vốn ở mức trung bình, tỷ suất ROE và ROA giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, đạt lần lượt 8,78 và 6,44; trong khi năm 2021 là 15,98 và 11,48 lần. Theo MVB, nguyên nhân là do giá bán đầu ra không đủ bù đắp lạm phát chi phí đầu vào, cũng như các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều tăng.

Đáng chú ý, chi phí quản lý doanh nghiệp đã liên tục tăng trong các năm qua. Năm 2019, chi phí này là 56 tỷ đồng, năm 2021 là 83,6 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi. Trong năm 2022, chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 227,2 tỷ đồng, tăng 2,7 lần.

Theo tờ trình ngày 31/3/2023 của HĐQT Tổng công ty trình đại hội đồng cổ đông, phương án phân phối lợi nhuận năm 2022 với tỷ lệ chi trả cổ tức là 12%. Tuy nhiên, ông Lê Quang Bình - đại diện cổ đông Vinacomin - cổ đông lớn nhất chiếm hơn 98% nêu ý kiến tỷ lệ chia cổ tức 10%. Theo đó, phương án phân phối lợi nhuận có sự thay đổi và tỷ lệ chia cổ tức thông qua là 10%.

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục