Tại Đại hội, ông Đoàn Văn Nhuộm, Tổng giám đốc DPM cho biết, năm 2017 là năm tương đối khó khăn với các doanh nghiệp phân bón khi giá dầu ở mức cao, thị trường phân bón trong nước cạnh tranh cao khiến giá bán các sản phẩm giảm, lợi nhuận theo đó giảm so với năm 2016.
Năm 2018, trên cơ sở dự báo ngành phân bón tiếp thục đối mặ nhiều thách thức, DPM đề ra kế hoạch tổng sản lượng sản xuất ure đạt 800.000 tấn, trong đó tiêu thụ dự kiến 820.000 tấn, sản lượng NPK đạt 170.000 tấn, tiêu thụ dự kiến 150.000 tấn, sản lượng UFC 85 đạt 13.500 tấn, sản lượng NH3 đạt 55.500 tấn, còn lại là phân bón khác và hóa chất.
Theo đó, DPM đề ra các chỉ tiêu tài chính chủ yếu với doanh thu dự kiến 8.577 tỷ đồng, tăng nhẹ 4,8% so với 2017, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế 371 tỷ đồng, giảm 47% so với năm 2017. Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản dự kiến 1.571 tỷ đồng.
Về cơ sở cho kế hoạch, theo ông Lê Cự Tân, Chủ tịch HĐQT DPM chia sẻ, kế hoạch xây dựng căn cứ dự báo giá nguyên vật liệu và giá bán, đồng thời dựa vào kết quả kinh doanh năm 2017 và đã được cổ đông lớn nhà nước thông qua.
Sở dĩ lợi nhuận năm 2018 dự kiến giảm là do công ty mới đưa vào hoạt động 2 dự án sản xuất NPK và NH3, dự kiến khấu hao gần 500 tỷ đồng.
“Dự án tổ hợp NPK-NH3 theo dự kiến sẽ phải lỗ kế hoạch trong năm 2018 và 2019, tuy nhiên trong năm vừa rồi may mắn sản phẩm NH3 khi đưa vào khai thác đã bắt đầu có lãi”, ông Tân nói.
Về chính sách thay đổi thuế giá trị gia tăng, DPM đã xin chủ trương được miễn thuế VAT, nhưng dự kiến đến năm 2019 mới được miền trừ.
Thông tin tại Đại hội, ông Nhuộm cho biết, quý I/2018, sản lượng ure ước đạt 220.000 tấn, tiêu thụ 203.000 tấn, sản lượng NH3 thương mại đạt 15.800 tấn, sản lượng kinh doanh đạt 9.500 tấn, sản lượng NPK chạy thử đạt 11.300 tấn, phân bón khác đạt sản lượng 71.000 tấn.
Kết quả, quý I/2018 của DPM ghi nhận doanh thu 2.100 tỷ đồng, vượt 13% kế hoạch quý, lợi nhuận trước thuế 219 tỷ đồng, vượt 72% chỉ tiêu đề ra trong quý.
Một nội dung đáng chú ý khác là ĐHCĐ DPM đã thông qua chủ trương nới room cho nhà đầu tư nước ngoài. Hiện nay, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại DPM là 49% do trong danh mục ngành nghề kinh doanh hiện tại có 3 lĩnh vực bị giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài là bốc xếp hàng hóa, vận tải hàng hóa đường bộ và vận tải đường thủy nội địa.
Trong khi đó, theo kế hoạch tái cơ cấu của Tổng công ty giai đoạn 2016-2020, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ thoái vốn tại DPM từ 59,58% xuống dưới 51% vốn điều lệ DPM. Để tạo điều kiện cho Tổng công ty tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược tham gia, DPM cần xem xét việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài lên mức trên 49%.
DPM chưa thực hiện hoạt động sản xuất trực tiếp nào trong 3 ngành nghề bị giới hạn nói trên nên HĐQT DPM đề xuất ĐHCĐ thông qua việc xóa đăng ký 3 ngành nghề này và điều chỉnh ngành nghề “sản xuất truyền tải và phân phối điện” thành “sản xuất điện” để đáp ứng điều kiện về nới room cho nhà đầu tư ngoại.