Với HAGL, bài báo đặt tít là câu hỏi “Khi nào HAGL vỡ nợ?” với những nội dung không đầy đủ, khiến giá cổ phiếu biến động mạnh bởi Công ty đứng trước tin đồn vỡ nợ. Trên mạng xã hội, rất nhiều người đã bày tỏ quan điểm không đồng tình và phê phán cách giật tít như thế, trước tiên là đứng từ góc độ đạo đức nghề nghiệp.
Đối với Hoa Sen, mặc dù giá cổ phiếu không chịu tác động của bài báo, nhưng uy tín của cá nhân ông Lê Phước Vũ bị tổn thương vì không ít người tin vào nội dung bài báo “Là Phật tử, ông Vũ đừng ép dân”. So với sự cố mà HAGL gặp phải, sự cố truyền thông của ông Vũ khó giải thích đúng sai hơn, bởi khi thực hiện một dự án có công tác giải phóng mặt bằng thì rất khó để phân định rạch ròi đúng sai, nhất là khi có một tỷ lệ nhỏ người dân không đồng thuận với chủ đầu tư về thỏa thuận giá đền bù.
Vấn đề lớn mà giới báo chí đề cập sau hai bài báo nêu trên là xu hướng gây tiếng vang thông qua giật tít, hay đề cập đến những nhân vật nổi tiếng của những tờ báo mạng muốn khẳng định tên tuổi trên thị trường. “Họ thường giật tít không giống ai”, một nhà báo lâu năm nhận xét.
Sự bùng nổ thông tin trên các trang báo, đặc biệt là báo mạng gần đây thực sự khiến nhiều doanh nghiệp bối rối trong công tác quan hệ với giới truyền thông và làm khó các nhân viên chịu trách nhiệm quan hệ với giới truyền thông của các doanh nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp niêm yết chịu sự giám sát chặt chẽ của cổ đông cũng như hướng đến tiêu chí công khai, minh bạch đều giữ mối quan hệ mật thiết với các cơ quan báo chí với mong muốn có được sự thấu hiểu về doanh nghiệp trong truyền thông, nhất là liên quan đến vấn đề tài chính.
Trước đây, việc doanh nghiệp quan hệ tốt với cơ quan báo chí thường được hiểu là để báo chí đề cập đến những mặt tốt của doanh nghiệp, còn những mặt chưa được sẽ được truyền thông từ góc độ tạo được thiện cảm nhất. Nhưng hiện nay, quan hệ với báo giới trước tiên là để “không bị bới móc hoặc bị soi xét một cách phiến diện vào những điểm yếu của doanh nghiệp”.
Chẳng hạn, một doanh nghiệp sử dụng nợ vay lớn thường bị đem ra soi xét là không an toàn, nhưng vì sao mà các chủ nợ, trong đó, có các ngân hàng vẫn giải ngân cho doanh nghiệp đều đều thì lại không được nhắc tới. Hay những doanh nghiệp có tiền mặt nhàn rỗi lớn thường được nhắc đến như điểm tích cực trên các trang báo tài chính, trong khi chính cổ đông lại không hài lòng khi doanh nghiệp không sử dụng đòn bẩy nợ để gia tăng lợi nhuận.
Khủng hoảng tài chính, những biến đổi trong môi trường kinh doanh đặt các doanh nghiệp trước rất nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, hoạt động của các doanh nghiệp nên được đánh giá dưới góc nhìn bao dung hơn của dư luận xã hội, nhưng dường như xu hướng đang diễn ra ngược lại. Có vẻ báo chí đang chứng tỏ “quyền lực thứ tư” của mình trên thị trường tài chính một cách rõ ràng hơn.
Sự cộng hưởng của trang mạng xã hội, đặc biệt là các diễn đàn tài chính tạo nên độ nhiễu về thông tin rất lớn cho các nhà đầu tư và khiến các nhân viên phụ trách truyền thông của doanh nghiệp bất lực. Lý do là nhiều trường hợp họ không biết ai viết một bài báo, ai đưa thông tin không tốt về doanh nghiệp lên diễn đàn để có thể gặp gỡ trao đổi thông tin.
Rất nhiều trường hợp, doanh nghiệp phải lần mò mãi mới biết người viết bài đăng trên báo A hay trang mạng B là ai. Doanh nghiệp luôn ở trong tình thế bất ngờ trước các thông tin bên ngoài mà không có quyền được biết, quyền được giải trình về thông tin bất lợi trước khi nó được đăng tải công khai.
Phải chăng, trong thời buổi bùng nổ thông tin hiện nay, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính - chứng khoán, doanh nghiệp đang ở thế yếu trước các “thế lực” truyền thông mà kỹ năng của công tác quan hệ truyền thông không thể xử lý được?