“Đại gia” địa ốc và chiến lược ra vùng ven

(ĐTCK) Quỹ đất để phát triển dự án ở TP.HCM ngày càng khan hiếm, nhất là ở khu vực trung tâm, khiến các doanh nghiệp địa ốc TP.HCM hướng ra vùng ven và các tỉnh lân cận để săn không gian mới phát triển dự án.
Nhiều chủ đầu tư đang dịch chuyển ra các địa phương lân cận TP.HCM để phát triển dự án

Đi xa để lớn mạnh

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đất Xanh hồ hởi cho biết, năm 2017 là một năm đánh dấu bước phát triển mới của Đất Xanh với kết quả kinh doanh ấn tượng.

Cụ thể, lợi nhuận sau thuế đạt 750 tỷ đồng, hoàn thành 107% kế hoạch năm (kế hoạch đặt ra 700 tỷ đồng); lượng tiêu thụ sản phẩm cũng tăng mạnh, toàn hệ thống của Đất Xanh trong năm 2017 đã phân phối thành công ra thị trường 22.108 sản phẩm, trong đó 5.000 sản phẩm do Đất Xanh trực tiếp đầu tư.

Chỉ với một doanh nghiệp đã tiêu thụ đến ngần ấy sản phẩm đủ cho thấy thị trường năm qua rất sôi động. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra, với tốc độ phát triển này, trong tương lai lấy đầu ra quỹ đất để phát triển dự án?

“Với TP.HCM quỹ đất đã bắt đầu khan hiếm, nhưng xét thị trường chung thì quỹ đất còn rất lớn, vấn đề là phát triển như thế nào và phát triển đến đâu”, ông Thìn nói và diễn giải, cách đây 15 - 20 năm về trước, nói đến TP.HCM, ai ra quận 9 hay Thủ Đức để ở thì xem như người không có tiền, còn bây giờ, ai muốn mua nhà đất ở các quận này phải có nhiều tiền, bởi giá đất ở đây bây giờ đã tăng rất mạnh.

Theo ông Thìn, câu chuyện của bất động sản các tỉnh lân cận TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu trong tương lai khả năng cũng sẽ giống như kịch bản vùng ven của TP.HCM 15 năm về trước. Bởi hiện nay, chính sách phát triển hạ tầng kết nối liên vùng ngày càng được hoàn thiện, thì câu chuyện người dân sinh sống ở TP.HCM ra vùng ven để ở sẽ trở thành xu hướng tất yếu.

“Ở Nhật Bản hay ở Mỹ, người dân đi làm với quảng đường 100 - 200 km là bình thường do hạ tầng phát triển quá tốt. Còn ở TP.HCM, với sức ép đô thị ngày càng gia tăng, trong tương lai, người dân có thể sống ở Đồng Nai, Bình Dương hay Bà Rịa - Vũng Tàu và đi làm ở TP.HCM là chuyên bình thường”, ông Thìn nói và cho rằng, xu hướng này đã bắt đầu đến giai đoạn chín mùi khi chính sách đầu tư hạ tầng liên vùng thời gian qua phát triển mạnh.

Với tầm nhìn này, nhằm đón đầu xu hướng thị trường, ông Thìn tiết lộ, ngoài địa bàn trong điểm là TP.HCM, thời gian qua, Đất Xanh đã chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất rất lớn ở các tỉnh vùng ven để thực hiện chiến lược mở rộng phát triển.

“Trong tháng 2/2018, Đất Xanh sẽ chính thức bắt tay với một nhà đầu tư hàng đầu của Nhật Bản để thực hiện chiến lược phát triển các dự án khu đô thị có quy mô lên đến hàng trăm héc-ta tại các tỉnh vùng ven như Đồng Nai, Bình Dương. Đây sẽ là một trong những chiến lược dài hạn của Đất Xanh trong thời gian tới”, ông Thìn nói.

Không chỉ với Đất Xanh, qua ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp địa ốc lớn ở TP.HCM cũng đang âm thầm có bước chuẩn bị phát triển quỹ đất ra vùng ven.

Hạ tầng kết nối vùng thông suốt sẽ thúc đẩy bất động sản vùng ven TP.HCM phát triển.   Ảnh: Lê Toàn
Ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng, Tổng giám đốc Công ty Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH) cho biết, trong bối cảnh quỹ đất sạch ở TP.HCM ngày càng khan hiếm, thì việc doanh nghiệp mở rộng địa bàn phát triển ra các địa phương là bước đi cần thiết.

“Trong năm 2017 và thời gian tới, TDH nhắm đến việc mở rộng quỹ đất bằng nhiều phương thức như hợp tác với doanh nghiệp có sẵn quỹ đất, đấu giá, đền bù trực tiếp... và đang chuẩn bị để công bố hàng loạt dự án mới”, ông Hoàng nói và tiết lộ, tại Bình Dương, TDH có một số dự án đã được chấp thuận đầu tư, trong đó đáng chú ý là dự án tại TP. Thủ Dầu Một, quy mô 65,6 ha.

Đây là dự án ven sông Sài Gòn, được chia thành hai phần, với giai đoạn 1 có quy mô 18,6 ha, gồm chợ truyền thống và khu phố chợ, nhà vườn, nhà liền kề. Giai đoạn 2, quy mô 47 ha, gồm nhà liền kề, biệt thự và nhà vườn.

Môt “đại gia” địa ốc khác cũng đang âm thầm thực hiện chiến lược “săn” quỹ đất vùng ven là Tập đoàn Hưng Thịnh. Sau khi thâu tóm và phát triển thành công Dự án Melody Vũng Tàu, nguồn tin từ Hưng Thịnh cho biết, tập đoàn này vừa chi ra cả ngàn tỷ đồng để mua đứt 4 dự án có quy mô khá lớn ngay trung tâm TP. Vũng Tàu. Dự kiến, các dự án này lần lượt sẽ chính thức được khởi động trong thời gian tới.

Tương tự, nguồn tin mới nhất từ Công ty Bất động sản Danh Khôi cũng cho biết, doanh nghiệp này vừa mua thành công một dự án có quy mô gần 10 ha ngay trung tâm TP. Bà Rịa đang phát triển thành khu đô thị mang tên Barya City.

Theo thiết kế, đây sẽ là một dự án khu đô thị kiểu mẫu với gần 430 căn nhà phố thương mại, khu căn hộ và trung âm thương mại được đầu tư bài bản, đồng thời là khu đô thị có hồ bơi đầu tiên tại Bà Rịa - Vùng Tàu.

Vùng ven sẽ trở thành bệ phóng mới

Nhận định về xu hướng doanh nghiệp chuyển ra vùng ven, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, không phải đến lúc này, câu chuyện giãn dân của TP.HCM ra các khu đô thị vệ tinh đã được các nhà quản lý nhìn thấy và tính toán từ trước đó.

Theo đó, chiến lược trước hết được đặt ra cho xu hướng này là phải phát triển hệ thống giao thông hạ tầng kết nối liên vùng, đồng bộ. Thời gian qua, hàng loạt công trình hạ tầng như đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Bến Lức - Long Thành, Metro số 1 nối TP.HCM với Bình Dương, Đồng Nai… được triển khai là những khởi đầu cho mục tiêu của các khu đô thị vệ tinh trong xu thế giãn dân của TP.HCM.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Đề án xác định mục tiêu phát triển vùng TP.HCM trở thành một vùng đô thị lớn, phát triển năng động và bền vững; có vai trò, vị thế quan trọng trong khu vực Đông Nam Á và hướng tới quốc tế.

TP.HCM trở thành một vùng kinh tế hiện đại, trung tâm kinh tế lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Trong đó, phạm vi vùng TP.HCM bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính TP.HCM và 7 tỉnh lân cận là Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Tiền Giang.

Về tầm nhìn phát triển đô thị TPHCM hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố sống tốt thời gian tới, ông Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM nhấn mạnh, muốn TP.HCM bớt "ôm đồm" thì phải thực hiện được chiến lược liên kết vùng để giãn dân. Theo ông Hòa, trong việc liên kết vùng để thực hiện chính sách giãn dân, các tỉnh miền Đông như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu được xem là hướng phát triển nhất hiện nay.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tăng Triển
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục