Với thông tin tiêu cực tác động mạnh đến ngành ngân hàng cũng như thị trường chứng khoán trong tháng qua, hầu hết cổ phiếu lớn đều giảm giá, khiến tài sản của các đại gia cũng theo đó mà "đội nón ra đi". Chỉ trong tháng 8, tài sản của 10 người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt
Theo tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM, kết thúc tháng 8 vừa qua, cổ phiếu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã mất 8% thị giá, trái ngược với diễn biến của tháng trước. Với mức giảm 513,6 tỷ đồng, tài sản của ông chủ HAG chỉ còn 7.068 tỷ đồng.
Trong tháng 8, với việc thanh khoản khá thấp, 90 triệu USD trái phiếu của Hoàng Anh Gia Lai đã hủy niêm yết trên sàn chứng khoán Singapore chỉ sau một năm phát hành, đồng thời công ty này bỏ ra 15 triệu USD để mua lại trái phiếu từ chủ nợ Credit Suisse nhằm giảm thiểu rủi ro tỷ giá. Cùng lúc đó, Hoàng Anh Gia Lai phát hành 850 tỷ đồng trái phiếu trong nước, dấy lên lo ngại công ty này buộc phải dùng các khoản vay nội địa để trang trải cho các khoản chi mua trái phiếu ở nước ngoài.
Top 10 chỉ ghi nhận 2 trường hợp là cổ đông lớn của MSN có giá trị tài sản không thay đổi là bà Phạm Thị Hoàng Yến và ông Hồ Hùng Anh.
Ông chủ Tập đoàn Hòa Phát mất 117 tỷ trong tháng 8, trong khi tài sản Chủ tịch Hà Văn Thắm của Tập đoàn Đại Dương chỉ giảm 6,6 tỷ đồng. Sở hữu khá nhiều cổ phần tại các công ty ngành bất động sản, giá trị cổ phiếu mà ông Đặng Thành Tâm sở hữu giảm gần 230 tỷ đồng trong tháng này, nhiều gấp 2,4 lần tháng 7.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán, thị trường địa ốc tiếp tục đà trầm lắng, nhiều dự án đóng băng ngay cả khi buộc phải phá giá đã khiến cổ phiếu ngành này trở thành tâm điểm sụt giảm, bên cạnh các mã ngân hàng vào thời điểm tuần cuối tháng 8. Dấu hiệu hồi phục chưa xuất hiện cũng là rào cản lớn cho thị trường chứng khoán trong tháng còn lại của quý III này.
Đối với việc top 10 người giàu trên thị trường chứng khoán mất tới hàng nghìn tỷ đồng chỉ trong một tháng, vị này cho rằng con số ấy khó có thể khiến thị trường giật mình. Tâm điểm của thị trường hiện nay là dòng tiền thực của các dự án, tài sản thực của các "ông lớn", và việc họ còn giữ bao nhiêu cổ phần trong công ty. "Nếu các đại gia này vẫn giữ nguyên tỷ lệ sở hữu, không thoái vốn hàng loạt thì việc tài sản cổ phiếu tăng giảm trong ngắn hạn chắc chắn không tạo ra áp lực từ phía cổ đông", vị này nhận xét.