Đại gia bán thân trả nợ

Gánh nặng nợ nần, cùng bí bách đầu ra, nhiều doanh nghiệp đầu ngành không còn đứng vững, buộc phải bán mình cho nước ngoài.
Đại gia bán thân trả nợ

 

Chết trên thế mạnh

 

Tập đoàn Thái Hòa (THV) của Chủ tịch Nguyễn Văn An hồi tháng 7/2013 đã bị hủy niêm yết cổ phiếu do lỗ lũy kế 2012 vượt quá vốn điều lệ thực góp. THV đang hoạt động trong lĩnh vực thế mạnh của nền kinh tế nhưng lại đói doanh thu (6 tháng đầu năm chưa đầy 1 tỷ đồng), tồn kho chất đống và có lẽ đang là tâm điểm chú ý của các ngân hàng.

 

Với Gỗ Trường Thành (TTF), ông trùm gỗ Việt cũng đang ở trong tình trạng mấp mé phá sản, thiếu tiền trầm trọng, lợi nhuận không thấy đâu trong khi vẫn đang nợ cả chục ngân hàng số tiền lên tới trên 1.000 tỷ đồng, cao gần gấp đôi quy mô vốn của DN. Là một ông trùm trong lĩnh vực gỗ nhưng ông Thành đang phải cắm rất nhiều tài sản cho các khoản vay nợ của công ty.

 

Sự bết bát của ông lớn cà phê Nguyễn Văn An, ông trùm ngành gỗ Trường Thành hay sự thua lỗ triền miên của các DN vận tải tàu biển... đang cho thấy một thực trạng đáng buồn của các ngành vốn được coi là thế mạnh của nền kinh tế Việt.

 

Đại gia bán thân trả nợ ảnh 1

THV buộc phải hủy niêm yết vì có số lỗ lũy kế 2012 vượt vốn điều lệ thực góp - Ảnh: ĐTCK

Nhìn vào tình hình tài chính của các "ông lớn" nói trên nhiều NĐT không biết các DN này sẽ thoát khỏi vũng bùn lầy bằng cách nào bởi nợ quá lớn, doanh thu và lợi nhuận ảm đạm. Sự thất vọng của giới đầu tư được phản ánh phần nào qua giá cổ phiếu của các đơn vị này. Tính đến ngày cuối cùng trước khi bị hủy niêm yết bắt buộc THV có giá 400 đồng/cp (so với mệnh giá 10.000 đồng); Vận tải biển VSP đang có giá 1.500 đồng; TTF và HT1 khá hơn ở mức 5.200 đồng và 4.900 đồng/cp...

 

Thủy sản, dệt may, cà phê, gỗ, xi măng... được xem là thế mạnh của Việt NamTuy nhiên, điều đáng buồn là không ít các DN đứng đầu trong các ngành này chưa kịp lớn mạnh trở thành các DN tầm trung trong khu vực thì đã đối mặt với phá sản và tới giờ vẫn đang vật lộn trong vũng bùn khó khăn.

 

Ông lớn lỗ to, nợ khủng

 

Kết quả kinh doanh quý III và 9 tháng năm 2013 của Xi Măng Hà Tiên 1 (HT1) khá buồn với quý thua lỗ đầu tiên trong gần 2 năm qua. Quý III/2013 DN này lỗ hơn 72,5 tỷ đồng sau khi lãi rất khiêm tốn trong 2 quý trước đó. Tính chung trong 9 tháng đầu năm, HT1 vẫn lỗ hơn 70 tỷ đồng.

 

Việc HT1 lỗ là điều không bất ngờ, khi đại gia xi măng này đã gặp khó khăn trong một khoảng thời gian rất dài bởi khối nợ khổng lồ trên vai.

 

Tính tới cuối tháng 9/2013, HT1 có số vay và nợ ngắn dài hạn lên tới gần 10.000 tỷ đồng, cao gấp nhiều lần so với quy mô vốn chưa tới 2.000 tỷ đồng của DN này.

 

Tổng nợ ở mức nửa tỷ USD như vậy là nguyên nhân chính kéo DN này xuống bùn lầy bởi cho dù lãi suất ngân hàng đã giảm mạnh nhưng riêng trong quý III/2013 HT1 vẫn phải chi gần 178 tỷ đồng trả lãi vay. Con số này cho cả 3 quý đầu năm là gần 605 tỷ đồng, ngốn phần lớn lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ.

 

Bên cạnh đó, HT1 còn lỗ do chênh lệch tỷ giá lên tới gần 120 tỷ đồng trong quý III với một số khoản vay bằng ngoại tệ.

 

Cũng như HT1, nhiều DN trong các ngành thế mạnh và mũi nhọn của Việt Nam như thủy sản, cà phê, gỗ, cao su, vận tải biển... vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn.

 

CTCP Thủy Hải Sản Việt Nhật (VNH) vừa công bố quý III/2013 lãi gần 7 tỷ đồng nhưng phần lớn là nhờ do công ty chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Tổng Công ty Thương Mại Sài Gòn (thu về 6,43 tỷ đồng). Trước đó, VNH lỗ 3 quý liên tục với lũy kế lên tới 26 tỷ đồng và cổ phiếu này đang trong diện cảnh báo do lợi nhuận sau kiểm toán năm 2012 âm. Công ty Chế Biến Thủy Sản & XNK Cà Mau (CMX) trong 9 tháng chỉ lãi gần 2,3 tỷ đồng, bằng 15% kế hoạch. Cổ phiếu này đang trong diện cảnh báo do vi phạm công bố thông tin.

 

Trước đó, giới đầu tư chứng kiến rất nhiều đại gia thủy sản như Phương Nam, Bianfishco, Đông Nam, Thiên Mã... vỡ nợ hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng, đứng trước bờ vực phá sản, rồi sau đó phải tái cơ cấu...

 

Làn sóng đổ vỡ và suy yếu của các DN trong các lĩnh vực có khả năng cạnh tranh thuộc tốp đầu của Việt Nam cho thấy sự yếu kém của chính các DN trong nước và cũng là sự yếu kém của nền kinh tế nói chung. Sự đổ vỡ của rất nhiều DN trong các ngành thủy sản, cà phê, gỗ... việc mất thị phần trong các lĩnh vực phân phối, bán lẻ ngay thị trường nội địa thực sự là một vấn đề nghiêm trọng. Nhiều DN đầu các ngành có lợi thế đang đánh mất chính sức mạnh của mình do vay nợ quá nhiều, đầu tư dàn trải, phát triển nóng vội.

 

Gần đây, nhiều DN nước ngoài đã thâm nhập và thống trị nhiều ngành kinh doanh trong nước. Các ông lớn ngoại cũng đang nhắm tới một số ngành thế mạnh của Việt Nam như đại gia Indonesia bỏ gần 5.000 tỷ đồng thâu tóm Xi măng Thăng Long hay ông lớn Thái SCG mua gạch Prime.

 

Sự suy yếu của các ông lớn nội và sức bành trướng mạnh mẽ của các DN lớn ngoại ở nhiều lĩnh vực đang gây ra những lo ngại rất lớn về sức cạnh tranh của nền kinh tế, nhất là mỗi khi có cuộc khủng hoảng kéo qua như thời gian vừa qua.


VEF

Tin cùng chuyên mục