Đại dự án FDI cấp tập triển khai

Cùng với Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Long Sơn, Lọc dầu Vũng Rô..., một loạt dự án quy mô lớn khác của LG, Samsung... đang cấp tập triển khai xây dựng.
Bãi Gốc sẽ được UBND tỉnh Phú Yên giao cho Chủ đầu tư Nhà máy lọc dầu Vũng Rô sẽ đầu tư cảng Chuyên dụng phục vụ cho cả Khu kinh tế Nam Phú Yên Bãi Gốc sẽ được UBND tỉnh Phú Yên giao cho Chủ đầu tư Nhà máy lọc dầu Vũng Rô sẽ đầu tư cảng Chuyên dụng phục vụ cho cả Khu kinh tế Nam Phú Yên

Theo kế hoạch, ngày mai (26/6), Manpower Việt Nam (thuộc Tập đoàn Manpower - nhà tuyển dụng nhân lực số 1 thế giới) sẽ bắt đầu thực hiện việc tuyển dụng khoảng 500++ nhân lực cho Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, vốn đầu tư 9 tỷ USD. Cơ hội việc làm được dành cho các kỹ sư, kỹ thuật viên trong các ngành kỹ thuật công nghệ như hóa dầu, cơ khí, điện, tự động hóa… Dự kiến, những nhân lực trúng tuyển đợt đầu tiên sẽ bắt đầu đi làm vào tháng 2/2015.

Chỉ một sự kiện tuyển dụng nhưng là động thái cho thấy, chủ đầu tư Lọc hóa dầu Nghi Sơn (bao gồm các công ty Dầu khí Kuwait, Idemitsu Kosan Nhật Bản, Hóa chất Mitsui Nhật Bản và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam), đang cấp tập triển khai Dự án để chuẩn bị cho kế hoạch vận hành thương mại vào năm 2017.

Lọc hóa dầu Nghi Sơn được khởi công xây dựng từ tháng 10/2013 sau một thời gian dài chuẩn bị. Thông tin mới đây được bà Võ Thị Thanh Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Lọc Hóa dầu Nghi Sơn, cung cấp cho phóng viên Báo Đầu tư, đó là, tính đến ngày 31/5/2014, Dự án đã giải ngân được 1,6 tỷ USD, trong đó 5 tháng đầu năm là trên 676 triệu USD.

Làm việc với ông Trịnh Văn Chiến, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa mới đây, ông Kazutoshi Shimmura, Tổng giám đốc Lọc hóa dầu Nghi Sơn, cũng cho biết, gói tín dụng đầu tiên trị giá khoảng 600 triệu USD đã chuyển về Việt Nam.

“Điều này thể hiện cam kết và quyết tâm thực hiện thành công Dự án của chúng tôi và các nhà thầu. Hiện tại, chúng tôi và các nhà thầu đang khẩn trương triển khai Dự án, trong đó công tác thiết kế kỹ thuật, chế tạo thiết bị đang được các nhà thầu tiến hành tại Nhật Bản và Hàn Quốc, chuẩn bị chuyển về Việt Nam trong thời gian tới”, ông Kazutoshi Shimmura nói.

Không chỉ là nỗ lực của chủ đầu tư, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa - cùng với việc đánh giá cao tầm quan trọng của Lọc hóa dầu Nghi Sơn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cũng như quốc gia, cũng đã chỉ đạo các cấp, ngành tích cực tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nhà đầu tư triển khai Dự án.

Tương tự, ở một “đại dự án” khác - Hóa dầu Long Sơn, vốn đầu tư dự kiến khoảng 4,5 tỷ USD, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng vừa yêu cầu các sở, ngành địa phương phải hoàn tất các quyết định bồi thường đất cho các hộ dân để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho Dự án. Theo thông tin từ Bà Rịa - Vũng Tàu, thì hiện nay, UBND TP. Vũng Tàu đã ra 315 quyết định bồi thường đất, còn lại 269 quyết định bồi thường nữa chưa thực hiện. Tuy nhiên, việc ra quyết định thu hồi đất và quyết định bồi thường đất của các dự án thành phần sẽ hoàn tất trong ngày 30/6/2014.

Ở chiều ngược lại, đại diện Công ty Hóa dầu Long Sơn cho biết, chủ đầu tư Dự án (bao gồm SCG Group - Thái Lan, PetroVietnam, Qatar Petroleum International và VinaChem) cũng đã chuẩn bị tài chính để trả tiền đền bù cho người dân khi giao đất, đồng thời có kế hoạch hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để triển khai xây dựng Dự án trong quý I/2015.

Trong khi đó, dù gặp khó khăn sau vụ đập phá trên công trường xây dựng hồi giữa tháng 5 vừa qua, song chủ đầu tư Dự án Liên hợp Thép Formosa (Hà Tĩnh), vốn đầu tư 9,9 tỷ USD, vẫn đang tích cực triển khai Dự án để đảm bảo tiến độ.

Cách đây ít ngày, ông Vương Văn Uyên, Chủ tịch Tập đoàn Formosa đã tới Hà Tĩnh để kiểm tra tiến độ thi công Dự án và đã cam kết tới lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và các nhà thầu rằng, Tập đoàn Formosa sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực để triển khai thi công các hạng mục theo đúng kế hoạch đề ra.

Một nguồn tin từ UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng cho biết, đích thân ông Vương Văn Uyên đã khẳng định, tháng 6/2015, sẽ có mặt tại Hà Tĩnh để dự lễ khánh thành lò cao số 1. “Chúng tôi tin tưởng, những gì Hà Tĩnh đã hợp tác, giúp đỡ Formosa trong thời gian qua sẽ là động lực lớn để Tập đoàn triển khai Dự án đúng kế hoạch và thành công”, ông Vương Văn Uyên đã nói như vậy.

Không chỉ ở các đại dự án này, thông tin từ các địa phương cho biết, nhiều dự án FDI quy mô lớn vẫn đang cấp tập được triển khai xây dựng để đưa dự án đi vào hoạt động. Chẳng hạn, Dự án 1,5 tỷ USD của LG ở Hải Phòng; Dự án Samsung Electro-Machanics, vốn đầu tư 1,23 tỷ USD, ở Thái Nguyên.

Theo thông tin của phóng viên Báo Đầu tư, thì Dự án LG sẽ đi vào hoạt động trong năm nay. Trong khi đó, Dự án Samsung Electro-Machanics sẽ có sản phẩm đầu tiên vào tháng 10/2014 để cung ứng cho hai Khu tổ hợp công nghệ Samsung Thái Nguyên và Bắc Ninh.

Bên cạnh đó, còn có thể kể tới kế hoạch khởi công xây dựng Dự án Samsung Display, vốn đầu tư 1 tỷ USD, ở Bắc Ninh, trong tháng 7/2014 để có sản phẩm vào đầu năm 2015; hay khởi công Dự án Lọc dầu Vũng Rô, gần 3,2 tỷ USD, ở Phú Yên, vào tháng 8 tới…

Khi các đại dự án này cấp tập được triển khai, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân sẽ tăng lên đáng kể, khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư đối với Việt Nam. Hơn thế, điều quan trọng là, khi các đại dự án triển khai đúng kế hoạch và đi vào hoạt động, sẽ có tác động lan tỏa rất lớn tới kinh tế - xã hội Việt Nam.

Nguyên Đức
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục