Đại diện vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp phạm luật

(ĐTCK) Mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) 2017 chứng kiến thực tế tại nhiều doanh nghiệp (DN), mức độ am hiểu Luật Doanh nghiệp của người đại diện vốn góp của Nhà nước, người đại điện vốn góp của doanh nghiệp nhà nước tại công ty cổ phần chưa vững, thậm chí “có vấn đề”.
Nếu không bầu dồn phiếu, nhóm cổ đông thiểu số gần như không có cơ hội bầu đại diện của mình vào HĐQT Nếu không bầu dồn phiếu, nhóm cổ đông thiểu số gần như không có cơ hội bầu đại diện của mình vào HĐQT

Chẳng hạn, tại ĐHCĐ bất thường của Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam (PNC), được sự ủy quyền của Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), ông Nguyễn Hữu Hoạt - Tổng giám đốc đã điều hành, biểu quyết một nội dung là đề cử thành viên HĐQT cho nhiệm kỳ mới.

Với lý do Đại hội chưa bầu đủ thành viên HĐQT trong khi nhóm cổ đông lớn không đề cử (vì đang theo kiện hủy bỏ nghị quyết ĐHCĐ thường niên trước đó), ông Hoạt đã đề nghị các cổ đông nhỏ khác đề cử thành viên HĐQT mà không cần tập hợp đủ tỷ lệ 10% theo điều lệ.

Ông Hoạt đề nghị biểu quyết thông qua phương pháp đề cử thành viên HĐQT này bằng hình thức giơ tay, “vì nếu bỏ phiếu thì lại không được thông qua” khi nhóm cổ đông sở hữu hơn 60% cổ phần sẽ lại không tán thành như đã không tán thành các nội dung khác.

Đề nghị của ông Hoạt khiến một luật sư có mặt tại đại hội phải nhắc nhở “không thể giơ tay, phải biểu quyết”. Giải pháp mà ông Hoạt thể hiện sự thiếu hiểu biết cơ bản pháp luật trong khi ông đang đảm nhiệm vị trí tổng giám đốc một công ty niêm yết.

Nhưng ông Hoạt không phải là cá biệt. Trước đó, tại ĐHCĐ năm 2016 của Cholimex Food, Chủ tọa là ông Huỳnh An Trung - thành viên HĐQT, đã chủ trì cuộc họp, thông qua việc sửa đổi Điều lệ với tỷ lệ 67%, trong khi tỷ lệ quy định tại Điều lệ là 75%. Ông lập luận rằng, “tỷ lệ 75% là không phù hợp với Luật Doanh nghiệp quy định tỷ lệ thông qua sửa đổi Điều lệ là 51%”.

Cổ đông Cholimex Food đã phản đối, nhưng ông Trung với vai trò Chủ tọa vẫn khẳng định, quyết định thông qua của Đại hội là hợp lý.

Điểm sửa đổi nói trên sai cơ bản với Luật Doanh nghiệp mà nhà đầu tư nào cũng có thể hiểu được khi đọc Luật, chứ chưa cần đến sự phân tích, tư vấn của các luật sư. Ấy vậy mà với vai trò thành viên HĐQT điều hành cuộc họp ĐHCĐ Cholimex Food, ông Trung vẫn lập luận không giống ai để trả lời khi cổ đông chất vấn.

Điều đáng nói, ông Trung là người đại diện phần vốn của Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP. HCM (HFIC) tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn (Cholimex), cổ đông chiếm hơn 40% vốn của Cholimex Food.

Cách thức điều hành và thông qua sửa đổi Điều lệ như trên khiến đại diện cổ đông lớn là Massan sở hữu hơn 32% vốn Cholimex Food bỏ về trước khi Nghị quyết ĐHCĐ được thông qua.

Cổ đông này đã kiện ra tòa, yêu cầu hủy bỏ hai nội dung này trong Nghị quyết ĐHCĐ 2016 của Cholimex Foood.

Tại đại hội năm nay, cổ đông yêu cầu truy cứu trách nhiệm của thành viên HĐQT đã làm sai luật năm ngoái, đồng thời không chấp nhận trả lương cho các thành viên này.

Câu hỏi đặt ra là liệu các thành viên HĐQT, đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp này có thực sự không hiểu luật đến mức dẫn đến “vô tình” điều hành sai không?

Theo lẽ thông thường, công ty nào cũng có luật sư nội bộ hoặc có thể thuê luật sư tư vấn. Phải chăng vì những động cơ khác mà những người đại diện vốn góp này cố tình “phớt lờ" quy định?

Ở các trường hợp nêu trên, việc thông qua các nội dung trình tại ĐHCĐ một cách không đúng luật đều có cùng một mục đích là loại cổ đông lớn bên ngoài tham gia làm thành viên HĐQT công ty.

Dẫn chứng rõ ràng là hầu hết Điều lệ công ty niêm yết đều quy định bầu thành viên HĐQT, Ban kiểm soát theo phương thức bầu dồn phiếu như Luật Doanh nghiệp quy định. Nhưng khi Luật Doanh nghiệp mới cho phép điều lệ có thể quy định phương thức bầu khác thì tại ĐHCĐ năm 2016, Cholimex đã trình sửa đổi Điều lệ quy định về bầu cử theo phương thức bầu trực tiếp, các thành viên HĐQT phải có từ 65% số phiếu tán thành trở lên.

Ngay sau biểu quyết thông qua Điều lệ một cách trái luật thì việc bầu cử cũng được tiến hành theo quy định vừa mới sửa đổi khiến đại diện Masan không thể lọt vào HĐQT và Ban kiểm soát.

Cho dù vì lý do gì thì đây cũng là một thực tế cần cảnh báo, bởi người đại diện vốn góp nhà nước, khi ở vai trò điều hành ĐHCĐ đã có dấu hiệu lạm quyền.

Tuy hiện nay chưa có người đại diện vốn nhà nước nào bị xử lý đền bù thiệt hại gây ra với công ty hay với cổ đông khác do cách ứng xử sai trái của mình gây ra, nhưng thực tế này cần được nhìn nhận rõ và cảnh báo để giảm dần các vụ việc tương tự, có khả năng tái diễn, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư ở Việt Nam.      

Thu Hương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục