Sáng 24/3, đại diện VKSND nêu quan điểm đối đáp ý kiến các luật sư nêu tại tòa.
Trong phần tranh luận, một số luật sư cho rằng, các bị cáo không cố ý làm trái dẫn đến việc PVN mất 800 tỷ đồng góp vốn vào Oceanbank.
VKSND lập luận, hành vi làm trái của bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm được thể hiện qua việc ký thỏa thuận góp vốn với Oceanbank không thông qua HĐQT, góp vốn 400 tỷ đồng (lần 1) khi chưa có ý kiến của Thủ tướng, không thực hiện theo yêu cầu Bộ Tài chính và ký nghị quyết tăng vốn góp 100 tỷ đồng (đợt 3) vi phạm Luật Các tổ chức tín dụng 2010.
Đặc biệt, đợt góp vốn thứ 3, thời điểm đó, Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực trước đó 5 tháng, nhưng PVN vẫn ban hành nghị quyết tăng vốn, duy trì tỷ lệ vốn góp 20%.
VKSND cho rằng, bị cáo Thăng nhận thức PVN đang nắm 20% cổ phần Oceanbank nên không thể ký quyết định giao người đại diện phần vốn 15% là không phù hợp pháp luật. Cơ quan công tố giải thích, khi PVD giao người quản lý phần vốn sở hữu 15% tại Oceanbank phải hiểu lý do tại sao, đồng thời có giải quyết với 5% còn lại.
“Đáng lẽ bị cáo phải chỉ đạo thoái vốn tại PVN”, VKSND nói.
Một số bị cáo có lời khai thể hiện việc làm sai do không cập nhật khoản 2, Điều 55, Luật Các tổ chức tín dụng. VKSND cho rằng, đó là nhận thức cá nhân của bị cáo.
“Điều kiện được Thủ tướng bổ nhiệm HĐTV buộc phải biết pháp luật. Luật không loại trừ trường hợp vi phạm do không biết luật”, VKSND nhấn mạnh.
Tuy nhiên, VKSND cũng thông cảm với các bị cáo việc họ phải thực hiện theo chỉ đạo của bị cáo Thăng. Điều này thể hiện tính chuyên quyền, độc đoán của ông Thăng. Nhưng cũng có những thành viên HĐTV khác vì thấy sai đã không nghe theo chỉ đạo của ông Thăng, nên không vướng vòng lao lý.
Cụ thể, trường hợp ông Hoàng Xuân Hùng (thành viên HĐQT). Sau khi thấy chủ trương góp vốn không đúng, ông Hùng đã không biểu quyết và yêu cầu làm rõ. Như vậy, cùng một bộ máy, trách nhiệm như nhau, nhưng ý thực thực thi pháp luật không giống nhau.
Về hậu quả thiệt hại 800 tỷ đồng, VKSND nhấn mạnh, các bị cáo nguyên là lãnh đạo PVN có trách nhiệm bảo toàn phần vốn nhưng có hành vi vi phạm pháp luật từ khi quyết định đầu tư thì phải chịu trách nhiệm về thiệt hại đó.
VKSND cũng phân tích mối quan hệ biện chứng giữa hành vi của các bị cáo và hậu quả thiệt hại. Theo đó, HĐQT PVN không có cơ chế kiểm tra giám sát riêng người đại diện vốn, chỉ căn cứ báo cáo tài chính hàng năm. Kết luận thanh tra chỉ ra rằng báo cáo tài chính của Oceanbank không phản ánh đúng bản chất kinh doanh của ngân hàng này.
Đồng thời, PVN đã cử nhiều cán bộ trọng trách sang Oceanbank nhưng vẫn để xảy ra sai phạm. Như vậy, việc PVN góp vốn đầu tư vào Oceanbank và việc ngân hàng này bị lỗ có mối quan hệ nhân quả chặt chẽ.
Về việc Chính phủ đồng ý cho PVN thoái vốn rồi sau đó lại dừng việc đồng ý thoái vốn, VKSND khẳng định, Kết luận thanh tra ngày 21/3/2014 cho thấy, lợi nhuận sau thanh tra của Oceanbank là âm vốn chủ sở hữu. Toàn bộ tài chính của Oceanbank âm vốn xuống 2,5 lần nên không có vốn để chuyển cổ phần sang cho đối tác khác được. Đây là lý do mà Chính phủ cho dừng việc thoái vốn để chờ chỉ đạo. Việc này là có căn cứ.